(HNM) - 10 năm qua là chặng đường dài vượt khó của Hà Nội nhằm xây dựng và phát triển xứng tầm Thủ đô của cả nước, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nhân dân vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Làng quê xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) thanh bình. Ảnh: Bá Hoạt |
Bà Đỗ Thị Hiểu, thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức):
Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang
Chúng tôi rất phấn khởi bởi sau 10 năm, quê hương đã đổi thay rõ nét, cùng với hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống chợ trong xã cũng được đầu tư khang trang nên hầu hết người dân rất vui mừng. Hiện xã đã xây dựng được khu chợ tập trung ngay trục giao thông chính của huyện dẫn vào Khu di tích thắng cảnh chùa Hương. Chợ được đầu tư xây dựng với hệ thống quản lý, phân khu, chia các gian hàng rất bài bản. Điều mừng nhất là, từ ngày được đầu tư chợ mới, Ban Quản lý chợ thường xuyên giải thích, tuyên truyền để người dân không tự ý giết mổ, gây mất vệ sinh, tạo dịch bệnh… Đến nay, nhiều hộ kinh doanh đã phối hợp với lực lượng chức năng tuân thủ các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm cũng được đầu tư nâng cấp, sinh hoạt cộng đồng diễn ra với nhiều hình thức sinh động, đời sống, nhận thức người dân nông thôn được nâng cao… Người dân Đốc Tín vui mừng, bởi sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, với sự đầu tư và quan tâm của thành phố, nông thôn nơi đây đã đổi thay toàn diện cả về đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế và đối tượng thụ hưởng trực tiếp những thành quả đó là người dân Đốc Tín.
Bà Ngô Thị Thoa, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa):
Người dân phấn khởi được về với Thủ đô
Người dân xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) đều phấn khởi và vui mừng sau khi được sáp nhập về Hà Nội. 10 năm qua quê hương Sơn Công đã đổi thay rất nhiều và điều người dân vui mừng nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mạnh. Sự thay đổi hiện rõ trên đường làng, ngõ xóm. Nếu như trước đây, những con đường đất, đường gạch chắp vá nối các thôn với nhau vừa nhỏ, hẹp, xuống cấp, mưa lầy lội thì nay được thay bằng những con đường bê tông, rộng rãi; đường làng, ngõ xóm được trang bị hệ thống ánh sáng và được chăm chút ngày càng sạch, đẹp. Từ ngày hệ thống giao thông liên thôn, xóm được đầu tư, việc phát triển kinh tế của người dân cũng thuận lợi hơn.
Phấn khởi hơn, hệ thống hạ tầng y tế và trường học được đầu tư đồng bộ, trẻ em nông thôn hiện được quan tâm như thành phố. Có thể khẳng định, sau 10 năm sáp nhập, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân Sơn Công được nâng lên rõ rệt và tự hào là công dân của Thủ đô ngàn năm văn hiến…
Ông Trịnh Xuân Bình, xã Quất Động (huyện Thường Tín):
Nhiều người dân có việc làm ổn định
Trước khi mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, xã Quất Động (huyện Thường Tín) chưa có cụm công nghiệp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nghề phụ thêu ren cổ truyền. 10 năm qua, Quất Động đã đổi thay vượt bậc. Được sự quan tâm của thành phố và huyện Thường Tín, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn được triển khai, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới Quất Động.
Niềm vui của người dân Quất Động chúng tôi còn được nhân lên gấp bội, bởi Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động không chỉ của địa phương mà còn của các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Đời sống của người lao động được nâng cao nhờ thu nhập ổn định từ 5 đến 8 triệu đồng/lao động/tháng.
Song song với phát triển công nghiệp, nghề thêu ren cổ truyền của Quất Động cũng được người dân giữ gìn và phát huy. Nghề đã tạo việc làm cho bà con nhân dân trong xã lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất trường học ở Quất Động đều đạt chuẩn quốc gia cả 3 cấp, tạo cơ hội cho thế hệ tương lai của Quất Động được học tốt và phấn đấu đạt những thành tích cao trong tương lai; qua đó góp phần xây dựng quê hương Quất Động nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Ông Nguyễn Lương Đức, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên):
Ước mơ “xuất ngoại” sản phẩm làng nghề đã thành
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, cuộc sống của người dân Phú Yên được cải thiện đáng kể. Điều đáng mừng là tiềm năng, thế mạnh làng nghề truyền thống của địa phương được phát huy. Đây là khâu đột phá đưa Phú Yên từ một xã thuần nông trở thành xã đa nghề, có mức thu nhập khá trong huyện, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Mừng vui hơn là nhờ sự quan tâm của thành phố, các công trình phúc lợi, công cộng, hạ tầng giao thông của Phú Yên đã được đầu tư, cơ bản hoàn thiện, góp phần giúp địa phương thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hóa... Đặc biệt, ước mơ của người làm nghề đã trở thành hiện thực khi giày da của Phú Yên đã được “xuất ngoại”. Trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm giày da của xã chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, nay sản phẩm của xã nghề đã có mặt ở khắp cả nước và xuất sang thị trường Lào, Campuchia…
Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, Phú Yên càng phát triển nhanh và mạnh, làng nghề truyền thống của xã ngày càng khởi sắc, ước tính năm 2018, thu nhập từ ngành nghề, dịch vụ ở Phú Yên đạt 120 tỷ đồng, chiếm 85% cơ cấu kinh tế của xã…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.