(HNM) - Dù đi đâu, làm gì, dù giàu hay nghèo, những người Hà Nội luôn nặng lòng hướng về Thủ đô yêu dấu. Họ luôn tâm niệm: Làm việc thiện sẽ giúp lòng thanh thản và thấy mình có ích, có trách nhiệm với cuộc sống và xã hội.
Hội đồng hương Hà Nội tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam ở huyện Củ Chi. |
Niềm vui của người cựu chiến binh và gia đình chính sách
Căn nhà tình thương của thương binh Trần Văn Hải, ở xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) không rộng nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Khi nhận căn nhà từ những tấm lỏng hảo tâm của hội viên Hội đồng hương Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh, gia đình ông Hải đã bớt đi gánh nặng cuộc sống. Gia cảnh bộn bề khó khăn, ông Hải là cựu chiến binh, lại lâm bệnh hiểm nghèo, mọi sinh hoạt hằng ngày đều trên xe lăn. Hằng ngày, không chỉ bị hành hạ bởi những vết thương do bom đạn kẻ thù gây ra, ông còn đau đáu nỗi lòng trước những đứa con sinh ra đã bị nhiễm chất độc da cam, di chứng của những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Cả nhà chỉ còn trông chờ vào người vợ tần tảo sớm khuya làm lụng, chăm sóc chồng con. Ông Hải thổ lộ: "Ngày về nhà mới cả gia đình mừng vui, xúc động. Suốt đêm tui không sao chợp mắt được, cứ ngỡ như đang mơ. Căn nhà cũ kỹ trước đây, mỗi khi trời mưa là cả nhà thức trắng đêm bởi nước chảy mái dột tứ tung. Vợ chồng tui không bao giờ dám mơ ước xây được nhà để cuộc sống đỡ khổ. Tui vô cùng cảm ơn tấm lòng của bà con Hà Nội đã dành cho gia đình".
Trong câu chuyện, ông Hải không quên nhắc lại những vật dụng trong nhà được các nhà hảo tâm tặng, từ cái phích nước, bộ ly, chăn ga, xoong nồi… Dù vẫn còn nhiều trăn trở, nhưng từ khi có nhà mới, cuộc sống gia đình ông cũng ổn định hơn, bắt đầu có "bát ăn, bát để", không còn phải lo "ngày chạy ăn từng bữa" nữa.
Không riêng ông Hải mà các Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở các xã Tân Thạnh Tây, An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) cũng nhận được tấm lòng thơm thảo của những người Hà Nội sinh sống tại TP. Theo ông Nguyễn Quân Ngọc, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua hội đã tặng 14 xe lăn, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thanh và Lê Thị Nhương; tặng 300 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam... Đặc biệt, mới đây, đoàn từ thiện của Hội đồng hương Hà Nội đã cùng sư thầy Thích Thiện Tánh và nhiều tăng ni đến thăm Trại phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương), tặng 20 xe lăn, 1 tivi 55 inch, dàn máy ghi âm, đầu đĩa và đôi loa. "Lúc ấy khoảng 12h trưa, nắng nóng oi ả, vậy mà khi đoàn đến, khoảng 140 trại viên, phần lớn là các cụ trên dưới 80 tuổi đã tụ tập đông đủ. Hầu hết các cụ đều không có người thân. Nhìn nét mặt rạng rỡ, cảm động của họ, chúng tôi rơm rớm nước mắt, muốn làm gì đó để vơi đi nỗi bất hạnh của các cụ" - ông Ngọc chia sẻ.
Kết nối tấm lòng nhân ái
Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 2005. Theo dòng chảy lịch sử, một bộ phận người Hà Nội đã đi về phương Nam mở cõi, xây dựng quê hương mới. Nhiều người đã tập trung làm ăn sinh sống tại Sài Gòn, nay là TP Hồ Chí Minh. Các thế hệ người Hà Nội đã tích cực góp phần xây dựng, mở mang TP, phát triển đất nước. Ông Nguyễn Quân Ngọc, người đã có gần 40 năm gắn bó với TP mang tên Bác, tâm sự: "Dù có những suy nghĩ khác nhau nhưng cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển, tình cảm cũng vậy, những người cùng quê, xa xứ rất mong được gặp gỡ trong vòng tay thân ái, trong tình nghĩa quê hương, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ở nơi quê nhà và để có dịp giúp đỡ lẫn nhau trong nghĩa tình đồng hương".
Từ khi được thành lập, tổ chức và hoạt động của hội đã bám sát thực tế và hướng đến tương lai để các thế hệ con cháu người Hà Nội tiếp nối truyền thống Thủ đô, truyền thống của ông bà, cha mẹ. Với phương châm "Thương người như thể thương thân", ở nơi xa quê hương, những người con Hà Nội đã cùng nhau đóng góp từ những đồng lương, tiền công lao động… nhỏ bé để giúp đỡ người nghèo, các gia đình chính sách. Ông Ngọc cho biết, qua 7 năm hoạt động, hội đã xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho hàng trăm người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Bà Văn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Củ Chi bày tỏ: "Những tấm lòng nhân ái của Hội đồng hương Hà Nội đã giúp nhiều bà con vơi đi những khó khăn trong cuộc sống. Mong rằng tới đây, những hoạt động ý nghĩa Hội đồng hương Hà Nội sẽ tiếp tục giúp đỡ được nhiều người có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống hơn nữa".
Những việc làm nhân ái, nghĩa tình của bà con Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh đã phần nào xoa dịu nỗi đau, giảm bớt khó khăn đối với những gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, gia đình và đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Và như ông Nguyễn Quân Ngọc chia sẻ: "Mỗi lần giúp đỡ được một người, các hội viên lại được sống trong cảm xúc "tình yêu quê hương - tình yêu Hà Nội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.