(HNM) - Dù sống cùng gia đình hay tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, gần 1.000 thương binh, bệnh binh nặng trên địa bàn thành phố cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo từ các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng. Sự quan tâm đó cùng với tinh thần vượt khó của các thương binh, bệnh binh luôn là tấm gương về nghị lực sống, ý chí vươn lên để các thế hệ sau noi theo.
Vững vàng trên "mặt trận" mới
Đến nhiều nơi, gặp nhiều người dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), phóng viên Báo Hànộimới đã chứng kiến không ít hình ảnh, câu chuyện cảm động về ý chí, nghị lực vươn lên của những thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (hạng 1/4).
Trong căn phòng khang trang, có đầy đủ trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt tại Trung tâm điều dưỡng người có công số II (phường Biên Giang, quận Hà Đông), thương binh Nguyễn Đăng Đức, đến từ phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) thư thái uống trà, kể cho các cháu nội kỷ niệm chiến trường và những câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay. Ông Nguyễn Đăng Đức bị thương vào tháng 2-1979 tại mặt trận Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Vết thương quá nặng khiến bị liệt nửa người bên trái, tinh thần không ổn định, nên ông được đưa vào chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.
“40 năm qua, ông không thể nhớ hết bao nhiêu lần vết thương tái phát, bao nhiêu lần phải vào bệnh viện để điều trị vết thương thân thể, chữa các bệnh về tâm thần. Nhưng chắc chắn rằng, trong cuộc sống thường nhật, ông luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người thân và toàn xã hội”, ông Nguyễn Đăng Đức chia sẻ với các cháu của mình. Lắng nghe ông nội kể, cháu Nguyễn Đăng Lộc (9 tuổi) bày tỏ: “Thưa ông, cháu hứa sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi để trở thành người tốt, sau khi được nghe câu chuyện của ông".
“Hàng xóm” của thương binh Nguyễn Đăng Đức là bệnh binh Lê Văn Tý đến từ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm); thương binh Nguyễn Thành Đô đến từ phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), đều là những điển hình về nghị lực sống. Ngoài Trung tâm Điều dưỡng người có công số II, Hà Nội còn nhiều đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Sống cùng người thân tại cộng đồng, các thương binh, bệnh binh nặng cũng là những điển hình cho tinh thần, ý chí không khuất phục trước khó khăn của cuộc sống, như các thương binh Vũ Văn Cảnh, tổ dân phố số 2, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); Trần Quang Liệu, tổ dân phố 19, phường Sài Đồng (quận Long Biên)…
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Văn Cảnh - từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) luôn nhớ về đồng đội. Ông Cảnh kể: “Đồng đội của tôi, có người hy sinh khi còn rất trẻ. Có những người bị thương rất nặng vẫn lạc quan vui sống. Tôi còn một phần sức khỏe, thì không thể biến mình thành người chưa tàn đã phế”. Với suy nghĩ ấy, dù sức khỏe không tốt, ông Cảnh vẫn luôn hoàn thành tốt công việc văn thư tại UBND phường Mỹ Đình 2.
Bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khuôn mặt ông Trần Quang Liệu không còn nguyên vẹn. Sức khỏe yếu, đôi mắt mờ nhưng với tinh thần bộ đội Cụ Hồ, ông Liệu không cho phép bản thân dừng ước mơ trở thành nhà giáo. Nghĩ là làm, giai đoạn 1973-1975, ông Liệu vừa chăm sóc sức khỏe, vừa ôn thi và thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ra trường năm 1980, ông trở thành giáo viên dạy môn toán tại một số cơ sở giáo dục. Sau khi nghỉ hưu, ông Liệu vẫn dạy học miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Trên thực tế còn nhiều những thương binh, bệnh binh nặng luôn vững vàng trên mặt trận mới - xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới mà chúng tôi chưa thể phản ánh, do khuôn khổ bài viết. Họ chính là “những tấm gương của tinh thần người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước và cũng vì lẽ sống cao đẹp cho đồng bào” - như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại lễ tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc vừa diễn ra ở Hà Nội.
Sự hy sinh thầm lặng
Qua những câu chuyện về gương thương binh, bệnh binh nặng, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự hy sinh thầm lặng của người thân trong gia đình các thương binh, của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng đến người có công.
Tiếp chúng tôi trong gian nhà tập thể, khu tập thể Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương (quận Thanh Xuân), bà Nguyễn Thị Liên là vợ thương binh Hoàng Quốc Hùng đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II, cho biết: Năm 1986, bà gặp ông Hùng tại cơ sở chăm sóc thương binh nặng Miêu Nha, quận Nam Từ Liêm (hiện cơ sở này đã giải thể - PV) trong một lần đến đây. Cảm phục ý chí kiên cường, lạc quan của ông Hùng, bà đã yêu thương và nguyện chăm sóc ông cả cuộc đời. “Do sức khỏe yếu, chồng tôi ở bệnh viện, các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công nhiều hơn ở nhà. Một mình tôi vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng bố mẹ hai bên, vừa chăm sóc chồng mỗi khi vết thương tái phát...”, bà Nguyễn Thị Liên chia sẻ.
Gắn bó với bệnh binh Lê Văn Tý, bà Nguyễn Thị Thái quyết định không sinh con để toàn tâm, toàn ý chăm sóc chồng. Bà Thái chia sẻ: “Sức khỏe của chồng tôi rất yếu, không thể có con. Thương vợ, nhiều lần anh động viên để tôi được làm mẹ...”.
Cùng với những người vợ hiền, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công luôn quan tâm, chăm sóc các thương binh nặng 24/24 giờ. “Nhiều năm chăm sóc thương binh nặng, hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu nỗi đau do chiến tranh để lại. Chúng tôi luôn cố gắng hết mình giúp các anh xoa dịu vết thương”, anh Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng Y tế, Trung tâm Điều dưỡng người có công số II chia sẻ.
Ngoài cộng đồng, chính quyền các địa phương luôn quan tâm đến mọi mặt trong cuộc sống của người có công. Ông Vũ Tiến Hưng, Chủ tịch UBND phường Sài Đồng (quận Long Biên) cho hay: “Biết thương binh Trần Quang Liệu yêu nghề giáo, các ngành, đoàn thể phường luôn tạo mọi điều kiện để ông phát huy khả năng chuyên môn. Hay với thương binh Nguyễn Thị Dạn, nhận thấy bà đi lại khó khăn, UBND phường vừa tặng bà chiếc xe lăn…”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, khẳng định, dù sống cùng gia đình hay sống tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, gần 1.000 thương binh, bệnh binh nặng trên địa bàn thành phố luôn luôn nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo. Đây cũng là đối tượng được ưu tiên thụ hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.