Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2013

Vân An| 30/12/2013 15:48

(HNMO) – Năm 2013, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi tăng trưởng, những biến động lớn trên chính trường và xã hội càng khiến cho bức tranh toàn cầu thêm sắc trầm.


1. Xung đột trên bán đảo Triều Tiên

Mặc dù về lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, nhưng những diễn biến của năm qua đã đẩy căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc lên đến mức báo động vô cùng nguy hiểm.

Ngọn lửa xung đột trên bán đảo Triều Tiên được “khơi” dần lên và ngày càng bùng phát lớn hơn qua các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa mang vệ tinh… của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tiếp đó, các cuộc tập trận hải quân, không quân, bộ binh dày đặc của các bên liên quan càng như “thêm dầu vào lửa”. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Bình Nhưỡng quyết định cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc, đóng cửa khu công nghiệp chung Keasong và lên tiếng đe dọa sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Thật may, những nỗ lực ngoại giao của tất cả các bên liên quan đã giúp viễn cảnh về một cuộc chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên không thành hiện thực.

2. Thế giới có Giáo hoàng mới

Ngày 14/3, Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, đến từ Argentina, được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo gồm 1,2 tỷ tín đồ. Đây là vị Giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ Latin trong lịch sử hơn 2.000 năm của Giáo hội Công giáo. Ông Jorge Mario Bergoglio từng là Tổng giám mục Buenos Aires, được gọi là Giáo hoàng Francis I.



Cuộc bầu chọn lịch sử diễn ra sau khi Giáo hoàng Benedict XVI đột ngột tuyên bố thoái vị vào tháng 2/2013, gây bất ngờ cho giáo dân toàn thế giới. Giáo hoàng Francis I lên kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI trong bối cảnh Giáo hội vốn vẫn có mâu thuẫn nội bộ dai dẳng và nhất là các vụ tai tiếng liên quan tới lạm dụng tình dục và tham nhũng.

Sau chưa đầy một năm, Giáo hoàng Francis I đã trở thành một nhân vật được đông đảo người trên thế giới mến chuộng. Sự thừa nhận có thể coi là ngoạn mục nhất đến từ tạp chí Time uy tín của Mỹ khi ngày 11/12, Time đã chọn Giáo hoàng Francis I là “Nhân vật của năm 2013″. Đây là vị Giáo hoàng thứ ba được vinh dự này kể từ năm 1927, năm mà Time bắt đầu chọn lựa các nhân vật của năm.

3. Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông

Có thể coi năm 2013 là năm đầy “sóng gió” của những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Từ một khu vực chưa được nhiều người biết đến, vài năm gần đây, Biển Đông đã trở thành khu vực được quan tâm của cộng đồng khu vực và quốc tế, của giới cố vấn và hoạch định chính sách, bao gồm cả lãnh đạo cấp cao các nước. Biển Đông trở thành “thuốc thử” đối với chiến lược và chính sách đối ngoại của các nước; “thuốc thử” đối với hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới.

Với việc Trung Quốc dành 1,6 tỉ USD để củng cố các đảo ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á; công bố bản đồ 130 đảo ở vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông; ra thông báo thành lập Vùng nhận diện phòng không …, Biển Đông đã có một năm thật sự không bình yên.

4. Sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Hayan

4h40’ ngày 8/11, siêu bão Haiyan đổ bộ vào đảo Samar, cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 600 km về phía đông nam, rồi nhanh chóng di chuyển về phía tây bắc, tấn công các tỉnh Leyte và Iloilo với sức gió đạt 310 km/h.

Tại Tacloban, thủ phủ tỉnh Leyte, chỉ ít phút sau khi Haiyan đổ bộ, nước lũ tràn lên nhanh chóng, nhấn chìm các khu dân cư ven bờ biển. Thành phố với 220.000 người dân này bỗng chốc trở nên hoang phế, khi xác chết đầy đường, nhà cửa bị tàn phá, cây cối bật gốc và hệ thống điện, viễn thông bị ngắt. Những người sống sót trắng tay, không nhà cửa, thiếu thốn nước uống và thực phẩm.



Những gì mà siêu bão Hayan để lại khiến cả thế giới bàng hoàng, đau xót. Gần 5 tuần sau khi siêu bão Haiyan tàn phá, chính phủ nước này ngày 13/12 xác nhận hơn 6.000 người đã thiệt mạng và gần 1.800 người vẫn đang mất tích.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban điều hành và giảm thiểu rủi ro thiên tai Philippines, hơn 27.000 người đã bị thương do siêu bão Haiyan. Cơn bão được xếp vào loại mạnh nhất trong lịch sử này cũng đã buộc 3,9 triệu người phải sơ tán.

5. Chính phủ Mỹ đóng cửa

Sau 17 năm, lịch sử đã lặp lại trên đất Mỹ khi ngày 1/10, Chính phủ nước này chính thức ngừng hoạt động do mâu thuẫn về ngân sách. Các công viên quốc gia, tượng đài và viện bảo tàng cũng như hầu hết các cơ quan liên bang đóng cửa.

Nguyên nhân của những bất đồng trên là chính sách chăm sóc y tế do Tổng thống Obama đề xuất (thường gọi là “Obamacare”) và đã được Quốc hội thông qua vào năm 2009. Kể từ năm 1940 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 79 lần thay đổi giới hạn trần nợ. Tuy nhiên, kể từ khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa năm 2010, cuộc chiến ngân sách giữa hai bên không ngừng diễn ra.

Theo ước tính, khoảng thời gian 16 ngày chính phủ Mỹ đóng cửa đã gây tổng thiệt hại khoảng 12-24 tỷ USD, cho nền kinh tế nước này, tương đương với 1,5 tỷ USD/ngày và làm mất khoảng 250.000 việc làm. Việc chính phủ đóng cửa cũng đã làm giảm 20% tăng trưởng quý IV.

Đến ngày 17/10, các nhà lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã thông qua được kế hoạch nâng trần nợ công tới ngày 7/2/2014 và cấp ngân sách cho chính phủ liên bang đến ngày 15/1/2014, kết thúc 16 ngày đóng cửa chính phủ.

6. Cựu Tổng thống Mandela qua đời

Ông Nelson Mandela, Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, đã qua đời ngày 5/12.

Sinh ra trong một gia đình trưởng bộ tộc tại Eastern Cape, ông đã rời bỏ gia đình tới Johannesburg, nơi ông trở thành một luật sư và tham gia Đại hộ Dân tộc Phi (ANC) trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Từ năm 1956, ông hai lần bị buộc tội phản quốc, phá hoại. Cuối cùng, sau hơn 2 thập niên ngồi tù, ông được trả tự do năm 1990.



Cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Nam Phi được tiến hành vào ngày 27/4/1994, Đảng ANC đã thắng đậm và ông Nelson Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên. Tuy nhiên, ông chỉ phục vụ một nhiệm kỳ ở cương vị Tổng thống và vào năm 1999, ông trở thành một trong số rất ít lãnh tụ châu Phi tự nguyện rời bỏ chức vụ.

Năm 2009, Liên hợp quốc lấy ngày sinh của ông làm Ngày Nelson Mandela Quốc tế. Hàng năm, vào ngày 18/7, người dân trên toàn thế giới vinh danh ông bằng việc bỏ ra 67 phút - tương đương với 67 năm hoạt động chính trị của ông - để giúp cộng đồng tại địa phương mình.

7. Bạo động lớn ở Thái Lan

Được coi là cuộc bạo động “lớn nhất từ năm 2010” tại Bangkok, cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan do nhà lãnh đạo Suthep Thuagsuban đứng đầu đến thời điểm này vẫn chưa có hồi kết.

Cuộc biểu tình bắt đầu sau khi một đạo luật được cho là tạo điều kiện cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra quay về được Hạ viện thông qua hôm 2/11. Ông Thaksin, bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, hiện sống lưu vong để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.

Trong một diễn biến, ngày 1/12, cảnh sát Thái Lan đã phải bắn hơi cay và vòi rồng để trấn áp những người biểu tình cố gắng tiến vào Tòa nhà Chính phủ nhằm lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình, ngày 2/12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã giải tán quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 2/2014. Tuy nhiên giải pháp này chưa mang lại hiệu quả cao trong việc trấn an những người phản đối chính phủ, thay vào đó, các cuộc biểu tình rầm rộ vẫn diễn ra trên các đường phố ở thủ đô Thái Lan.

Những người biểu tình cho biết, họ muốn thành lập một Hội đồng nhân dân để cải cách Thái Lan trước khi cuộc bầu cử diễn ra và làm suy yếu ảnh hưởng của gia đình Shinawatra trong chính quyền Thái Lan.

8. Đánh bom kép tại giải marathon ở Boston (Mỹ)

Có lẽ kể từ sau vụ đánh bom tại Tòa tháp đôi New York năm 2001, nước Mỹ mới lại bị rúng động mạnh đến vậy khi hai quả bom tự chế từ nồi áp suất đã phát nổ tại cuộc đua marathon thường niên ở Boston vào ngày 15/4, giết chết 3 người và làm bị thương 282 người khác. Hai vụ nổ xảy ra chỉ cách nhau 13 giây, ngay trước vạch đến đích.



Vài ngày sau khi vụ nổ xảy ra, những hình ảnh đầu tiên về các nghi phạm đã được công bố. Hai tên sát nhân được nhận diện là hai anh em Tamerlan Tsarnaev 26 tuổi và Dzhokhar Tsarnaev 19 tuổi. Không lâu sau khi các hình ảnh được công bố, các nghi can bị cho là đã bắn chết một cảnh sát trường học tại Học viện Công nghệ Massachusetts, cướp một xe thể thao đa dụng và đấu súng với cảnh sát truy đuổi tại Watertown, Massachusetts. Trong cuộc đấu súng này, một cảnh sát giao thông bị thương nặng, Tamerlan Tzarnaev đã bị bắn và chết sau đó tại bệnh viện.

Hàng ngàn cảnh sát và binh sĩ tiếp tục tiến hành cuộc săn lùng tại Watertown để tìm kiếm Dzhokhar. Y bị bắt sống chiều ngày 19/4 và được chở đến bệnh viện vì những vết thương từ cuộc đấu súng. Ngày 22/4, Dzhokhar bị buộc tội sử dụng và âm mưu sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, phá hoại tài sản độc hại dẫn đến tử vong.

9. Sập tòa nhà ở Bangladesh, hơn 1.000 người chết

Theo số liệu được công bố, đã có tổng cộng 1.006 người được xác định thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza tại Bangladesh. Ít nhất 150 thi thể đã được mai táng trong tình trạng vô danh do không xác định được danh tính.

Ngoài ra, ít nhất 2.437 người đã được giải cứu sau thảm họa trên, trong đó có 1000 người bị thương nặng. Không ít người đã bị buộc phải cắt bỏ chân, tay để được đưa ra khỏi đống đổ nát.

Tòa nhà Rana Plaza bị sập hôm 24/4. Trong tòa nhà này có 5 nhà máy may mặc. Khi tai nạn xảy ra, hơn 3.000 công nhân đang làm việc trong tòa nhà.

10. Vụ bê bối nghe lén của Mỹ


Cuối tháng 5/2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ những thông tin về hệ thống nghe lén tuyệt mật của Mỹ khi tới HongKong. Vụ việc đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ với nhiều quốc gia, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, bị sứt mẻ.

Theo Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander, Edward Snowden đã mang theo khoảng 200.000 tài liệu mật khi rời Hawaii tới Hồng Kông.



Các thông tin rò rỉ cho biết, công ty điện thoại Verizon đã cung cấp cho NSA hàng triệu dữ liệu các cuộc gọi. Các dữ liệu này bao gồm số điện thoại của bên gọi và bên nhận, thời lượng cuộc gọi, ngày, giờ, địa điểm cuộc gọi. NSA cũng đã trực tiếp tác động vào máy chủ của 9 công ty Internet, trong đó có Facebook, Google, Microsoft và Yahoo, để theo dõi những cuộc liên lạc trực tuyến dưới một chương trình có tên gọi là Prism được lập trình vào năm 2007 nhằm để theo dõi sâu các cuộc trao đổi trên mạng và lưu trữ thông tin về người nước ngoài. Thông tin mật do Snowden cung cấp còn cho biết, tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của ít nhất 35 lãnh đạo cao cấp trên thế giới.

Sau khi sự việc xảy ra, Mỹ đã tìm mọi cách bắt giữ Snowden và đã truy tố Snowden về tội gián điệp. Hiện Snowden đang cư trú tại Nga theo quy chế tị nạn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.