Kỳ 3: “Làng Thời đại” - Làng Việt Nam giữa châu ÂuChúng tôi đến thăm “Làng Thời đại” được xây dựng quy mô trên diện tích hàng chục héc-ta với những khu nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Một khu vui chơi giải trí liên hợp cũng đang được xây dựng.
Một góc Trung tâm thương mại Barabasôva
Hôm làm việc với đoàn báo chí Việt Nam, PGS.TS Vũ Dương Huân, Đại sứ Việt Nam tại Ukraina đã chuyển cho chúng tôi ba tập tài liệu do ông tự tay soạn thảo. Ba tập tài liệu rất nhiều thông tin – một cách làm việc mới đầy ấn tượng đối với chúng tôi.
“Ukraina, quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt Nam…”. Người Việt ở Ukraina theo tài liệu của Đại sứ Vũ Dương Huân có khoảng 8.000, trong đó 5.000 sinh sống và làm việc tại thành phố Kharkov. Cũng theo tài liệu này, ngày 7/6/2001, Tổng thống Ukraina đã ban hành luật mới về di trú theo tiêu chuẩn châu Âu.
Theo luật trên, chỉ có 3 loại giấy tờ để sống hợp pháp tại Ukraina đó là: Thẻ định cư, giấy phép lao động và thẻ sinh viên. Đạo luật trên đã dành cho người Việt Nam một sự ưu đãi đặc biệt trong việc xin thẻ định cư.
Luật quy định: Cho phép người Việt Nam sang học nghề, lao động theo hiệp định ký kết giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam với Liên bang Xô viết ngày 2/4/1981 có mặt tại Ukraina trước 6/3/1998 được xin thẻ định cư tại Ukraina.
Cuộc gặp với Hội người Việt ở Kharkov diễn ra ngay tại trung tâm thương mại Barabasôva. Barabasôva là tên một ga tầu điện ngầm, ga này được mang tên một viện sĩ hàn lâm thời Liên bang Xô viết. Bây giờ, đây là khu chợ lớn nhất, sầm uất nhất Kharkov, cũng vào loại bậc nhất Ukraina. Khu chợ trên 60 héc ta, trong đó 2/3 do những ông chủ người Việt bỏ vốn xây dựng, quản lý.
Trung tâm thương mại Barabasôva thu hút một ngày nửa triệu người đến mua; nuôi sống hơn một triệu người dân thành phố Kharkov. Giữa trung tâm thương mại là khu “Thế kỷ mới” hoành tráng, quy mô, với hàng trăm dãy nhà, hàng ngàn gian hàng đủ các loại.
Phạm Quang Tuấn, một trong những thành viên của Hội người Việt ở Kharkov, có 10 quầy hàng, thuê 30 người bán trong đó phần lớn là những thiếu nữ người Ukraina.
Chúng tôi vào mua hàng ở một quầy bán quần áo thuộc khu quản lý của anh. Hai nhân viên bán hàng xinh đẹp người Ukraina tươi cười hướng dẫn khách hàng, chọn hàng đưa tận tay cho chúng tôi. Anh còn tặng chúng tôi quà để mang về Việt Nam.
Trò chuyện với tôi, anh cho biết, vợ và hai con anh đều ở bên này. Nghe anh kể chuyện làm ăn, tôi đoán anh có vài triệu đô la. Nghe nói, những người Việt có số tài sản như anh ở Kharkov phải đến hàng chục.
Trở lại cuộc gặp với Hội người Việt ở Kharkov, chúng tôi được xem một sơ đồ tổ chức khá chi tiết. Chủ tịch Hội: Lê Văn Thành; các Phó chủ tịch: Nguyễn Hoàng Nam, Lê Minh Hải, Nguyễn Trọng Cơ, Trần Minh Sơn, Lê Minh Đức. Bản sơ đồ còn ghi chi tiết công việc cụ thể của từng người.
Hội đã có một quy định gọi là Hương ước, để tất cả mọi người tự nguyện tuân theo. Những quy định thưởng phạt mà Hội đưa ra khá nghiêm ngặt: từ chuyện đánh người, chửi thề, quậy phá, hút xách, nhuộm tóc xanh, đỏ... đều bị phạt.
Phó Chủ tịch Hội Trần Minh Sơn cho biết, hội vừa phạt một người Việt đã xô xát với người bản địa 5 ngàn tiền Ukraina. Số tiền phạt sung vào quỹ từ thiện để giúp đỡ những người đau ốm, khó khăn. Nhờ sự thưởng phạt nghiêm minh mà các hiện tượng tiêu cực ở đây rất ít.
Hoạt động của Hội người Việt ở Kharkov được coi là mẫu mực không chỉ ở Ukraina mà còn cho tất cả Hội người Việt ở nước ngoài. Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban TT-VH TƯ Nguyễn Thế Kỷ, thành viên của đoàn nhà báo Việt Nam thăm Ukraina lần này rất tâm đắc với các hoạt động của Hội, nhất là công tác Đảng, công tác đoàn thể được Hội người Việt ở Kharkov tiến hành rất tốt.
Người Việt ở Ukraina, ở Kharkov đã gắn thành một khối, một cộng đồng, hình thành những “Làng Việt Nam” rất chuẩn mực.
Chúng tôi đến thăm “Làng Thời đại” được xây dựng khá quy mô trên một diện tích hàng chục héc-ta. Những khu nhà nhiều tầng, với những căn hộ đầy đủ tiện nghi.
Có những căn hộ hàng trăm mét vuông sang trọng cho người nhiều tiền, lại có những loại căn hộ nhỏ, hoặc vừa cho những người ít tiền hơn. “Làng Thời đại” đang xây dựng một khu vui chơi giải trí liên hợp gồm: bể bơi, khu công viên nước, khu thể thao, khu chơi games...
Giữa “Làng Thời đại” sẽ là tượng Thánh Gióng vươn cao (hôm chúng tôi đến bệ tượng vừa được khánh thành).
Có một điều làm tôi xúc động đó là nét văn hóa Việt Nam thấm đẫm trong những công trình, những khu làng người Việt ở Kharkov. Nhà hàng cao cấp bậc nhất thành phố với trung tâm ẩm thực châu á đang được sửa lại với hai con rồng đời Lý vờn mây trên mái nhà lợp ngói đỏ vẩy rồng.
Siêu thị mặt trời hiện đại vào loại bậc nhất thành phố với những nét mềm mại của kiến trúc Việt. Công ty Vinamex với những ông chủ trẻ như Lê Viết Lam, Lê Minh Đức, Trần Minh Sơn, Võ Minh Phúc đang mở ra nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
Sự hình thành những làng người Việt trong sự gắn bó văn hóa truyền thống của cộng đồng ở đây góp phần vào thành công của tập đoàn TECHNOCOM với những sản phẩm đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như “Chất lượng vàng”, “Chất lượng châu Âu”, “Sản phẩm số 1 Ukraina”, “Chất lượng tuyệt hảo”, “Sự lựa chọn trong năm”…
Tận thấy những ông chủ trẻ giữa trời Tây, với tôi, là một sự ngạc nhiên thú vị.
Theo TP
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.