(HNMO) - Liệu nền kinh tế 2013 có phục hồi và phát triển được không hay lại tiếp tục đi xuống như 2012, khủng hoảng đến đâu sẽ chạm “đáy”? Đây cũng là nội dung của hội nghị bàn tròn do công ty CEO tổ chức sáng ngày 28-12 tại Hà Nội...
Khủng hoảng kinh tế đồng nghĩa với “khủng hoảng lòng tin”
Một trong những biểu hiện của khủng hoảng kinh tế là chỉ số sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể, nhất là những tháng cuối năm. Điều này phản ánh lòng tin của người tiêu dùng với nền kinh tế, với khả năng chi trả của chính họ đang giảm sút. Vậy điểm đáng nói ở đây là khủng hoảng kinh tế đồng nghĩa với “khủng hoảng lòng tin”.
Về tình trạng của vấn đề “khủng hoảng lòng tin”, PGS TS Phạm Tất Thắng- Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại nhận định: “Thứ nhất, người tiêu dùng nếu không có niềm tin vào thị trường thì đương nhiên họ sẽ thắt chặt hầu bao. Thứ hai, niềm tin còn là sự tin tưởng của DN vào các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng thực chất DN được thụ hưởng không nhiều. Đam mê kinh doanh của doanh nhân đang phôi pha vì “khủng hoảng lòng tin”.Thứ tư, lòng tin của DN vào ngân hàng, ngân hàng vào DN cũng đang là vấn đề cần bàn tới. Người có tiền không dám cho vay, kẻ muốn vay lại... không dám vay. Điều này ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế”.
Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam – thị trường còn để ngỏ
Trong lúc thị trường nhiều khó khăn thì các nhà bán lẻ đa quốc gia lại tiến vào Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường bán lẽ Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội. Vậy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ở đâu và cần làm gì trong thị trường còn để ngỏ như vậy?
PGS TS Phạm Tất Thắng cho rằng: “Với tiềm lực tài chính, quản trị... các nhà bán lẻ nước ngoài đang mua lại các thương hiệu ngành hàng tiêu dùng tốt, chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam”. Tuy nhiên không phải vì thế mà các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ đa quốc gia. Các DN phân phối bán lẻ VN cũng đang có thời gian để củng cố tiềm lực tài chính, quản trị. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tình hình hàng Việt Nam bắt đầu có tín nhiệm với người Việt Nam. Nhìn vào các siêu thị, các trung tâm phân phối hiện đại, hàng Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, tỷ trọng lên tới 90 – 95%. Với các lợi thế như vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam cần “nhìn lại mình” để phát huy năng lực trong thị trường còn để ngỏ này.
Triển vọng kinh tế năm 2013
Những khó khăn của nền 2012 khiến rất nhiều người lo ngại về nền kinh tế năm 2013, liệu có triển vọng nào cho sự đi lên trong tình trạng trì trệ như vậy? Trả lời câu hỏi này, Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho biết: “Trong giai đoạn như vậy có rất nhiều cơ hội: cơ hội cho nhà hoạch định chính sách, nhà DN có những sáng tạo, người tiêu dùng có cách sống khôn ngoan hơn.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, theo tôi phải thực sự bắt tay vào tái cấu trúc. Tuy nhiên, muốn thị trường thực sự ấm lại căn bản phải chờ đến tháng 3,4 khi các giải pháp như: xử lý nợ xấu của ngân hàng đã xong, chính sách tài khóa và chính sách tài chính – tiền tệ đồng bộ... thì các dòng tín dụng mới có cơ hội quay trở lại thị trường. Mặt khác, dư địa chính sách vẫn đang khá hạn hẹp vì vậy chúng ta cũng khó có thể đòi hỏi nền kinh tế ấm lại nhanh chóng.
Như vậy, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng 2013 vẫn là cơ hội cho những doanh nghiệp biết lựa thời cơ, tìm ra những thị trường mới tiềm năng trong sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ qua chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.