Vẻ chán nản hiện rõ trên mặt; cùng buôn chuyện gia đình, phim ảnh hay thiu thỉu ngủ trong không gian yên ắng... là những cảnh thường thấy ở một số sàn chứng khoán TP HCM. Song, đâu đó vẫn có nhà đầu tư miệt mài giải ngân.
Thị trường chứng khoán thiếu sức sống kể từ sau Tết tới nay. Giao dịch ảm đạm và thanh khoản ngày một nghèo nàn hơn bởi nhà đầu tư chẳng thiết tha mua bán. Thường xuyên có những ngày cả hai sàn chỉ đạt giá trị chuyện nhượng dưới 1.000 tỷ đồng. Môi giới rỗi việc, khu vực đặt lệnh vắng hoe. Số nhà đầu tư đến sàn thưa dần, thậm chí có nơi chỉ một hai nhà đầu tư ngồi theo dõi bảng điện tử giữa các hàng ghế rộng thênh thang.
Tuy nhiên, trong lúc xu hướng chung của thị trường là án binh bất động, ngồi chờ thời cơ đến thì vẫn có những nhà đầu tư kiên trì giải ngân, dù lượng gom vào ở thời điểm này khá dè dặt.
Chị Nga, nhà đầu tư lâu năm ở Công ty chứng khoán Thăng Long chia sẻ, trước Tết, chuyện mua vài chục nghìn cổ phiếu trong phiên là điều bình thường. Cả nhóm của chị một khi đồng thuận gom vào thì số mua sẽ lên tới vài trăm nghìn cổ phiếu. Tuy nhiên, thời điểm này chị chỉ dám gom vài nghìn là cao. "Mua cho vui, cho thỏa cơn ghiền là chủ yếu, chứ không đặt kỳ vọng thu lãi cao thấp", chị lý giải. Chính vì vậy, trong khi các thành viên khác của nhóm tạm lánh khỏi sắc xanh đỏ của thị trường thì chị vẫn đều đặn hàng ngày đến sàn theo dõi giao dịch và đặt lệnh mua khi nhận thấy mức giá cổ phiếu nào đó ở mức hợp lý để tích lũy.
Chị cho biết, thời điểm này không dám dùng đòn bẩy hay đi vay để mua cổ phiếu như trước, mà chủ yếu là nguồn tiền sẵn có. Tuy nhiên, số tiền này cũng đã giải ngân phần nào vào những tháng vừa qua, nên với số vốn ít ỏi còn lại, chị suy đi tính lại khá kỹ mới đặt lệnh mua.
Sàn chứng khoán vắng hoe. Nhiều nơi, số nhà đầu tư đến giao dịch mua bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: B.H. |
Chị Thoa, nhà đầu tư sàn SSI minh chứng: "Hôm nay mua vào cứ tưởng giá cổ phiếu đã thấp, nhưng ngày mai còn xuống thấp hơn nữa. Một khi biết chắc chứng khoán sẽ còn rẻ hơn trong tương lai thì không ai dồn hết tiền để mua ở ngày hôm nay". Cứ thế, chị thong thả giải ngân từng chút mà chẳng lo ngày mai không mua được với giá này, thậm chí còn được sở hữu với mức giá rẻ hơn. "Cứ coi như của để dành, thay vì đổ hết sang gửi tiết kiệm thì chia nhỏ một phần cho cổ phiếu để đa dạng hóa kênh đầu tư". Theo chị, mua lúc này, nếu bị lỗ sẽ không nhiều do giá cổ phiếu đã lao dốc mạnh, song nếu bật dậy thì khoản lời cũng không nhỏ.
Chọn penny dưới 10.000 đồng, giá trị sổ sách cao, kinh doanh không lỗ và thanh khoản khá (khoảng nửa triệu cổ phiếu một phiên) là tiêu chí "chọn mặt gửi vàng" của anh Trung, sàn chứng khoán Bảo Việt thời điểm này. Dĩ nhiên, mua vào lúc này khó có thể kỳ vọng lời ngay được. Ví dụ như danh mục giải ngân hồi tháng trước của anh gồm có 5 penny, giá mua dao động 7.000-10.000 đồng, nhưng tới nay mã nào cũng giảm khoảng 10%, thậm chí 20%. Chính vì vậy, việc gom vào với anh chủ yếu để bình quân giá thấp hơn và lượng mua cũng chừng vài trăm cổ phiếu một phiên.
Nguyễn Thị Ngọc Mai, phụ trách môi giới một nhóm nhà đầu tư (chủ yếu là cá nhân) tại Công ty chứng khoán SME cho biết: "Cứ 100 nhà đầu tư có khoảng 80-90% đầu tư ngắn hạn. 10-20% còn lại có mục tiêu dài hạn và kiên nhẫn bám sàn, song việc giải ngân cũng rất dè dặt". Theo chị, nhóm người này cực kỳ thận trọng và chỉ mua vào khi giá cổ phiếu về vùng mục tiêu, còn nhà đầu tư ngắn hạn gần như đứng hết ngoài thị trường, khi thị trường chưa có thông tin gì hỗ trợ. Doanh số giao dịch do đó sụt mạnh, nhất là khoảng 2 tuần gần đây, khi thanh khoản suy giảm rõ rệt.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, số lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân tại công ty vẫn có, nhưng rất thấp. Một ngày có khoảng 300-400 lệnh, nhưng giá trị giao dịch ở mức trung bình thấp. Ngược lại, khối ngoại lại tăng cường giao dịch với giá trị lớn, nên doanh thu của phòng môi giới đa phần là của tổ chức nước ngoài. Còn những nhà đầu tư tới sàn chủ yếu chỉ để theo dõi diễn biến phiên giao dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.