Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nguyện vọng, ước mơ chính đáng

Việt Tuấn| 24/08/2015 06:43

(HNM) - Tham gia vào các hoạt động trong chương trình gặp mặt và tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2015, nhiều em đã bày tỏ niềm vinh dự khi được TP Hà Nội vinh danh trang trọng.


Các thủ khoa đã chia sẻ với báo chí về nguyện vọng được học tập, công tác, thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước.


Nguyễn Việt Bảo Trung (Trường Đại học FPT):
Đây là dịp để tôi được học hỏi

Chương trình này rất ý nghĩa, nhất là buổi giao lưu "Thắp sáng ước mơ Thủ khoa Hà Nội". Đây là dịp may mắn hiếm hoi để tôi học hỏi được các anh chị đi trước về bước đường sự nghiệp, những trải nghiệm từ khi còn là sinh viên cho đến khi các anh chị đã đạt được những thành công ngày hôm nay. Qua đây, mỗi người trẻ như thêm niềm tin để bước vào khởi nghiệp. Tôi và nhiều bạn thủ khoa vẫn đặt câu hỏi, mình làm như thế nào để cống hiến sức nhỏ bé của mình, đóng góp cho sự phát triển đất nước? Và chúng tôi đã tự trả lời rằng, phải nỗ lực hơn nữa, trong trường nỗ lực một, hai, thì nay phải nỗ lực gấp năm lần. Sống, học tập, lao động có trách nhiệm. Mỗi hành động, trước tiên phải nghĩ đến gia đình, xã hội, Tổ quốc.

Nguyễn Thu Trang (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cần có phương pháp đánh giá chất lượng thủ khoa phù hợp

Hiện nay, muốn vào làm các cơ quan nhà nước, các thủ khoa được ưu tiên không phải thi công chức, nhưng vẫn phải qua cuộc sát hạch. Mới ra trường, thi sát hạch cũng là một thử thách không nhỏ của sinh viên và số người trượt cũng không ít nên khiến nhiều bạn nản. Em nghĩ rằng, thay vì thi sát hạch, các cơ quan nhà nước để cho các thủ khoa đăng ký nguyện vọng theo sở trường, vào làm thử trong một thời gian nhất định và cơ quan quản lý đánh giá sản phẩm họ làm, thì lúc đó mới thực sự sát hạch năng lực. Đây là phương pháp đánh giá chất lượng rất được sinh viên quan tâm và mong muốn được tham gia.

Nguyễn Hồng Nhung (Trường Đại học Luật Hà Nội):
Muốn đi làm ngay để có trải nghiệm


Thực tế, chúng em chưa có kinh nghiệm, nên ngay sau khi ra trường rất muốn đi làm ngay để có trải nghiệm. Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất và hợp tác với các nước trên thế giới. Em học chuyên ngành luật, vì thế em muốn vào làm tại doanh nghiệp, muốn cống hiến ở lĩnh vực tư vấn hợp đồng, chăm sóc khách hàng. Dù vậy, em cũng muốn đi học cao học, để có trình độ chuyên sâu, tham gia đa dạng hơn trên các lĩnh vực. Nói chung, chúng em hầu như ai cũng muốn vừa học, vừa làm trong vài năm đầu, bảo đảm thu nhập, có kinh nghiệm thực tế, sau đó mới tính lâu dài hơn.

Nguyễn Minh Hà (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết của một thủ khoa


Em học chuyên ngành khoa Tâm lý học, vì vậy rất mong muốn trở thành nhà tâm lý học đường. Em có nguyện vọng ở lại trường công tác, đồng thời tham gia nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý lâm sàng. Lý do em chọn như vậy không chỉ vì sở thích, mà hiện nay vấn đề học đường, tâm lý học sinh, sinh viên chưa được quan tâm, nắm bắt, dẫn đến một bộ phận nhỏ có cách nghĩ, hành động lệch lạc. Hy vọng, bằng sức trẻ của mình, lòng nhiệt huyết của một thủ khoa, em sẽ sớm trở thành nhà tâm lý học đường, góp sức nhỏ của mình vào ngành giáo dục trong đào tạo và giáo dục toàn diện trong nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nguyện vọng, ước mơ chính đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.