(HNMO) - Sau hơn 140 ngày chiến đấu với dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Góp công vào thành quả này, không thể không kể đến những người phụ nữ chẳng quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng tham gia cùng thành phố chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
Tại quận 7, các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1 của quận đến giờ vẫn nhắc đến chị Lê Hồng Xuân Phương, một người từng nhiễm Covid-19 cùng nhiều thành viên trong gia đình. Sau khi khỏi bệnh, vượt qua nỗi đau cha mất, mẹ nhiễm bệnh và tăng nặng, phải nhập viện điều trị, chị vào viện chăm sóc mẹ. Cũng từ đây, chị đã trở thành một tình nguyện viên tích cực cùng các y, bác sĩ chăm sóc cho nhiều bệnh nhân khác và được UBND quận 7 tặng Giấy khen.
“Có nhiều bệnh nhân không có người thân ở bên nên tôi rất cảm thông. Được sự đồng ý của các y bác sĩ, hằng ngày, sau khi chăm sóc cho mẹ, tôi tình nguyện giúp đỡ họ ăn cơm, uống thuốc, vệ sinh thân thể... Nhiều đêm, tôi tham gia trực cùng các bác sĩ điều trị”, chị Phương nói.
Nhận xét về tình nguyện viên đặc biệt này, bác sĩ Lê Thành Khơi, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 (quận 7) thông tin thêm: “Ngoài chăm sóc bệnh nhân, chị Phương còn vận động hình thành nhóm “Tất cả là một” để những người thân của các bệnh nhân khác tham gia đội hình chăm sóc các bệnh nhân tại bệnh viện, giúp nhiều người vượt qua và chiến thắng bệnh tật”.
Còn tại quận Gò Vấp, mọi người luôn nhắc đến Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, sinh năm 1925, với lòng kính trọng, sự biết ơn và thương nhớ mẹ. Mặc dù mẹ Quýt bị mù mắt phải và kém thính giác nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, mẹ là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào may khẩu trang và những tấm chăn gửi tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay cả khi ốm nặng, mẹ Quýt vẫn mong muốn phong trào tiếp tục được duy trì để giúp đỡ mọi người. Sau thời gian chống chọi với bệnh tật, mẹ Quýt đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 97 vào ngày 9-10 vừa qua, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho những người ở lại.
Một người phụ nữ khác được nhiều người nhắc đến trong những ngày qua là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Trung tâm Chỉ đạo, quản lý, điều hành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước. Ngày 15-10 vừa qua, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo là một trong 10 cá nhân tiêu biểu trên cả nước được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021, do có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Giới chuyên môn ngành hồi sức cấp cứu tại Việt Nam vẫn nhắc đến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo như một "người tiên phong" thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Đáng chú ý trong số đó là nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng" - một đề tài mang lại nhiều hiệu quả và tính ứng dụng cao.
Nhưng đề tài khoa học được nhắc đến nhiều nhất gắn liền với tên tuổi Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo là "Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp". Đây chính là kỹ thuật tạo nên kỳ tích tại Việt Nam, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.
Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau, song điểm chung của những người phụ nữ ấy là tấm lòng vì cộng đồng, đem hết tâm sức đóng góp cho công cuộc chiến đấu với dịch bệnh.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.