Đời sống

Những người phụ nữ "giữ lửa yêu thương"

Hà Hiền 16/03/2024 - 07:16

Giữ lửa yêu thương là tên gọi, thông điệp và cũng là mục tiêu hướng đến của Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình.

Đi vào hoạt động từ năm 2017, câu lạc bộ hiện có hơn 100 hội viên nữ là nạn nhân, có chồng, con là nạn nhân hoặc nặng lòng, cảm thông với nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Qua những câu chuyện chung - riêng, những hoạt động ý nghĩa, họ đã cùng nhau xoa dịu, vượt qua nỗi đau, để cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương trong cuộc sống.

giu-lua-yeu-thuong.jpg
Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình).

Xoa dịu nỗi đau

Đã từng liên hệ, nhưng vì những lý do khác nhau, phóng viên Báo Hànộimới chưa được gặp những người mẹ, người bà đáng kính của Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương”. Đến giữa tháng 3-2024, dường như hội đủ cơ duyên, cuộc gặp giữa chúng tôi với những người phụ nữ kiên cường, giàu lòng nhân ái của Câu lạc bộ diễn ra tự nhiên, nồng ấm.

Khác với nhịp đời hối hả ngoài kia, khi trò chuyện với Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình Đinh Thị Giới, cũng là người sáng lập Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” tại nhà riêng của bà, nằm sâu trong ngõ 612, đường La Thành (phường Giảng Võ), chúng tôi có cảm giác thời gian như ngưng lại. Từng lời, từng câu kể nghẹn ngào, rưng rưng, khiến những người được sinh ra trong thời bình như chúng tôi cũng cảm nhận rõ nỗi đau mà các gia đình nạn nhân đang gánh chịu.

“Có những hội viên tuổi đã cao, mà ngày ngày vẫn phải chăm chồng bệnh tật, con khuyết tật nặng do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin và lo kinh tế gia đình. Lại có những người chới với trong nỗi đau mất chồng, mất con. Day dứt hơn là những người mẹ phải nén nỗi đau vào lòng, không dựng vợ, gả chồng cho con, thậm chí đưa con đi cắt buồng trứng vì không muốn thế hệ kế tiếp bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học…”, bà Giới nghẹn ngào.

Tìm hiểu thông tin qua lời kể, chúng tôi được biết, bà Đinh Thị Giới nguyên là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình. Ở vị trí công việc này, hơn ai hết, bà thấu hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng chính sách, nhất là với các gia đình có thành viên bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Vì thế, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin quận Ba Đình thành lập vào năm 2014, bà Giới sẵn sàng gánh vác công tác hội với vai trò là Chủ tịch.

Sau thời gian đưa hội vào hoạt động ổn định, năm 2017, bà Giới có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” dành cho những người phụ nữ là nạn nhân; có chồng con là nạn nhân hoặc nặng lòng, cảm thông với nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Suy nghĩ đi liền với hành động, nữ chủ tịch hội giàu tâm huyết gặp gỡ, động viên chị, em phụ nữ đang phải gánh chịu nỗi đau da cam tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, qua đó cùng động viên, giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên. Chèo lái cho đến khi câu lạc bộ thực sự trở thành nơi thắp sáng niềm tin, trao gửi yêu thương đến từng hội viên, gia đình, bà Giới tin tưởng giao vai trò chủ nhiệm cho bà Trần Thị Minh Hà, hiện trú tại phố Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên).

Theo gương người tiền nhiệm, dù gia đình không có ai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, nhưng bằng tấm lòng tri ân và chia sẻ, bằng sự năng động và sáng tạo, những năm gần đây, nữ chủ nhiệm Trần Thị Minh Hà đưa câu lạc bộ ngày càng phát triển.

Sự phát triển thể hiện rõ ở số lượng hội viên ngày càng mở rộng, từ hơn 50 hội viên khi mới thành lập, hiện có hơn 100 người sinh hoạt đều đặn. Đa số phường trên địa bàn quận Ba Đình đã có Tổ “Giữ lửa yêu thương”. Các chương trình, hoạt động trợ giúp của câu lạc bộ diễn ra thường xuyên, đa dạng, góp phần tạo điểm tựa cho các nạn nhân, gia đình vươn lên. “Hiện không còn gia đình hội viên nào bị thiếu cơm, lạt muối hay có tên trong danh sách hộ nghèo. Đó là cách xoa dịu nỗi đau thiết thực, hiệu quả nhất”, bà Minh Hà nói.

Niềm tin nhân lên, yêu thương lan tỏa

Tham gia câu lạc bộ, những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho bản thân, người thân, đồng thời động viên, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hướng về tương lai.

Trò chuyện với chúng tôi, Tổ trưởng Tổ “Giữ lửa yêu thương” phường Ngọc Hà Nguyễn Thị Mùi kể, chồng bà là ông Nguyễn Bá Tứ, từng là pháo thủ số 2 của xe tăng 846 (Lữ đoàn Tăng Thiết Giáp 203, Quân đoàn 2), một trong những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, ông Tứ bị nhiễm chất độc da cam, khiến một trong 3 người con của ông, bà chịu di chứng sức khỏe yếu, không có khả năng lao động. Phải nuôi nấng, chăm sóc các con đã bộn bề vất vả, năm 2011, bà Mùi nhận thêm tin xấu là ông Tứ bị ung thư thanh quản.

Từ ngày ông Tứ mắc bạo bệnh, bà Mùi dồn hết tiền của để điều trị cho chồng, một mình chăm chồng, nuôi 3 con từ nguồn thu nhập chính từ việc bán xôi, bánh bao, bánh mì. “Chứng kiến sức khỏe của chồng suy giảm, không nói được, muốn diễn đạt phải viết ra giấy; nhìn con ngoài 40 tuổi vẫn như đứa trẻ, kinh tế eo hẹp, không tránh khỏi đôi lúc tôi thấy buồn. Nhưng, từ khi tham gia vào Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” và nhận được sự quan tâm phần nào về vật chất, sự động viên về tinh thần, niềm đau trong tôi vơi dần. Thay vào đó, tôi thấy may mắn, hạnh phúc khi có chồng con kề bên và luôn vững tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến”, bà Mùi bày tỏ.

Với mong muốn lan tỏa niềm tin yêu cuộc sống đến những người đồng cảnh, bà Nguyễn Thị Mùi chủ động thu xếp công việc gia đình để đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ “Giữ lửa yêu thương” phường Ngọc Hà trong nhiều năm qua.

Tương tự, Tổ trưởng Tổ “Giữ lửa yêu thương” phường Vĩnh Phúc Đỗ Thị Dự cũng là vợ, là mẹ của nạn nhân da cam. “Chồng tôi là lái xe, liên tục ra, vào các chiến trường, nhiễm chất độc da cam/dioxin khi nào và ở đâu không biết. Chỉ đến khi sinh ra 2 người con bị ảnh hưởng, đi kiểm tra, chúng tôi mới phát hiện ra. Chồng tôi đã qua đời, chỉ còn tôi sống cùng và chăm sóc 2 người con đã gần 50 tuổi mà chưa thể trưởng thành”, bà Dự bộc bạch.

Vượt lên nỗi đau, bà Đỗ Thị Dự nhiệt huyết tham gia các hoạt động của câu lạc bộ và nhiều công tác xã hội khác. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong, Thường vụ Hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Phúc, bà Dự đóng góp công sức không nhỏ trong việc huy động nguồn lực xã hội, cùng cơ quan chức năng chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, gia đình nạn nhân da cam và những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.

Danh sách hội viên tích cực, chủ động vượt khó của Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” còn nhiều người vợ, người mẹ đáng kính như bà Hà Thị Châm (phường Giảng Võ), bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, bà Tô Thị Châu Thuận (phường Ngọc Hà)... Ấn tượng hơn là những hội viên trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, chịu nhiều thiệt thòi, nhưng không ai than thân, trách phận, mà luôn yêu đời, yêu người. Có thể kể đến “chị cả” Trần Thị Thanh Thúy, sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ 21 phố Kim Mã. Dù đã 81 tuổi, nhưng tinh thần vui tươi của người diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) từng biểu diễn phục vụ bộ đội trên nhiều chiến trường năm xưa vẫn hiển hiện trên nét mặt, nụ cười của hội viên Thanh Thúy.

“Mỗi người chỉ sống một lần thôi, nên tôi muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa”, bà Trần Thị Thanh Thúy bày tỏ.

Không chỉ tiếp sức giúp nhau vươn lên, hội viên Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” còn giúp đỡ nhiều gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trần Thị Minh Hà cùng đại diện các cơ quan chức năng đóng góp, huy động nguồn lực trị giá khoảng 100 triệu đồng, giúp đỡ gia đình nạn nhân da cam Lê Hữu Luân (ở Khu tập thể số 28 phố Điện Biên Phủ, phường Điện Biên) sửa chữa, nâng cấp nhà ở và bổ sung thiết bị sinh hoạt.

“Việc sửa chữa được hoàn thành trong những ngày Tết Giáp Thìn cận kề giúp gia đình tôi được đón Tết, vui xuân trong nhà mới. Sống trong ngôi nhà được xây dựng bằng nghĩa, bằng tình, chúng tôi rất cảm kích”, bà Nguyễn Thị Lan - vợ nạn nhân da cam Lê Hữu Luân chia sẻ.

Những câu chuyện kể trên cho thấy rõ một điều, ở đâu có tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, ở đó sẽ nảy nở, sinh sôi "mầm hạnh phúc", đẩy lùi nỗi buồn tủi, niềm đau. Mong rằng, những người phụ nữ hết lòng vì nạn nhân nhiễm chất độc da cam của Câu lạc bộ “Giữ lửa yêu thương” luôn có sức khỏe tốt, tinh thần vững vàng để tiếp tục làm điểm tựa vững chắc cho chính bản thân, người thân và cho những hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người phụ nữ "giữ lửa yêu thương"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.