Ngày 4-12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thông tin về Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 và kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội (10/1/2004 - 10/1/2024).
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, Hội có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân chất độc da cam, gồm các nhiệm vụ chính: Chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Hội có tổ chức ở trung ương, ở 63/63 tỉnh, thành phố cùng 610 hội cấp huyện và gần 6.630 hội cấp xã với tổng số hơn 400.000 hội viên.
Về Đại hội lần thứ V, theo kế hoạch, sự kiện được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 12-2023 với chủ đề: “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân; đổi mới, xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao”. Dự kiến, đại hội có hơn 300 đại biểu tham gia.
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc da cam do Mỹ sử dụng tại Việt Nam làm ảnh hưởng đến nhiều vùng đất, cuộc sống của người dân (khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân). Cần quan tâm, hiện các cơ quan chức năng ghi nhận hàng chục nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí đến thế hệ thứ 4.
Góp phần xoa dịu nỗi đau, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời dành kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng/năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Về chính sách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi dành người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hiện cả nước có hơn 300.000 người đang hưởng các chế độ này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.