(HNMO) - Sau những năm tháng cầm súng chiến đấu thống nhất đất nước, những người lính tiến về giải phóng Sài Gòn xưa, nay vẫn giữ vững những phẩm chất đáng quý trên mặt trận phát triển kinh tế. Trong thời kỳ mới, họ không ngại gian khó vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước.
CCB Vũ Ngọc Tuynh bên cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ do ông làm chủ |
Vươn lên làm giàu
Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về thăm lại những người lính mà cách đây 41 năm, họ đang hừng hực khí thế tiến về sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn, thống nhất non sông về một mối. Trải qua những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, những thời kỳ khó khăn của đất nước những ngày đầu giải phóng, hội nhập kinh tế quốc tế, những phẩm chất quý báu của Anh Bộ đội Cụ Hồ luôn được những cựu chiến binh (CCB) giữ vững, phát huy trong làm ăn kinh tế, vươn lên làm giàu tại thành phố mang tên Bác.
CCB, thương binh Nguyễn Đình Dương (62 tuổi, sinh sống tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12) trải qua gần 10 năm chiến đấu trước khi chuyển ngành sang công tác tại Tổng cục Cao su từ năm 1980. Năm 1995, khi về nghỉ mất sức, ông Dương dành toàn bộ gia sản của mình mua 700m2 đất để cất nhà ở, đồng thời tăng gia sản xuất. Thế nhưng chỉ sau 3 năm lập nghiệp, công sức của gia đình ông Dương bị bỏ sông bỏ bể sau khi làm ăn bị thua lỗ, mất sạch vốn liếng. Ông Dương cho biết, nhiều đêm ông không thể ngủ được vì trằn trọc suy nghĩ phương án làm ăn mới, quyết không chịu đầu hàng trước thực tại. “Nhờ có ý chí, nghị lực của người thương binh, tôi mới có được quyết tâm không chịu thất bại trước hoàn cảnh để mở một hướng đi mới làm ăn kinh tế”, ông Dương tâm sự.
Sau khi bàn bạc với gia đình, ông Dương quyết định mang nhà đất thế chấp cho ngân hàng lấy vốn làm ăn. Nhận thấy cơ hội từ việc sản xuất nước đá, ông đã đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng một nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại. Bước đầu khó khăn, đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, mỗi ngày sản xuất hàng chục tấn nước đá phục vụ thị trường. Với căn cơ như trên, từ năm ông Dương đã thành lập Công ty TNHH MTV An Phú với số vốn hơn 10 tỷ đồng. Hiện tại, mỗi năm công ty thu về gần 1 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, lương cho công nhân.
Được đồng đội đánh giá là một doanh nhân thành đạt, CCB Vũ Ngọc Tuynh (62 tuổi) là tấm gương điển hình cho việc đi lên bằng hai bàn tay trắng. Về phục viên từ năm 1983 sau hơn 20 năm theo đời binh nghiệp, ông Tuynh đã quyết định gắn bó với thành phố mang tên Bác khi cùng vợ con ở lại lập nghiệp tại quận 12. Với số vốn ban đầu nhỏ, ông Tuynh làm kinh tế hộ gia đình bắt đầu bằng việc nuôi lợn nái, lợn thịt. Chăm chỉ tích cóp, dần dà ông Tuynh cũng đã có được một số vốn kha khá để mở mang sản xuất, cụ thể là mở một xưởng cưa gỗ cung cấp cho thị trường. Từ đó, công việc làm ăn dần khấm khá với lợi nhuận thu về năm nay nhiều hơn năm trước.
Khi cả nước đang chuyển mình hòa nhập với nền kinh tế thị trường, quyết không dừng lại ở việc mở xưởng cưa, ông Tuynh đã quyết định mở rộng xưởng gỗ để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ theo đơn đặt hàng. Công ty TNHH MTV Tân An Thái chuyên sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ được thành lập do ông Tuynh làm giám đốc, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới, với hàng tỷ đồng doanh thu hàng năm. Thừa thắng xông lên với tinh thần “táo bạo” trên mặt trận kinh tế, ông Tuynh tiếp tục mua gần 2.000m2 đất tại quận 12, một phần để đầu tư xây dựng khách sạn, phần còn lại mở một trường mầm non tư thục khang trang, hiện đại quy mô 18 lớp học, với khoảng 800 học sinh học tập dưới sự giảng dạy của 30 giáo viên.
Đó là những tấm gương điển hình cho tinh thần phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trao đổi với nguyên Đại tá Trần Bá Tâm, Trưởng ban Kinh tế - Đời sống (Hội CCB TP Hồ Chí Minh), được biết hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 450 doanh nghiệp vừa và nhỏ do các CCB làm chủ, trong đó có 42 doanh nghiệp có số vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng. Điển hình như tại quận 12 có một CLB “Cựu chiến binh – Cựu quân nhân làm kinh tế” quy tụ nhiều hội viên tham gia với nhiều chương trình thiết thực. Các doanh nghiệp do CCB làm chủ đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 13.000 lao động. Đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ còn hơn 35 hộ hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên tổng số hơn 64.000 hộ hội viên (tỷ lệ 0,11%). Số hộ hội viên khá, giàu của Hội CCB TP Hồ Chí Minh cũng chiếm hơn 50% tổng số hộ hội viên toàn thành phố.
Đi đầu trong công tác xã hội
Không chỉ trên mặt trận phát triển kinh tế, những người lính năm xưa từng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc, táo bạo” ấy hiện nay đang tiếp tục gìn giữ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, đi đầu trong công tác hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.
Sản phẩm kinh tế hộ gia đình do CCB quận 12 sản xuất |
Không chỉ làm ăn thành đạt, CCB Vũ Ngọc Tuynh còn luôn đi đầu, tâm huyết trong công tác từ thiện, xã hội. Công ty đồ gỗ của ông Tuynh đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, trong đó có một số con em CCB với mức lương ổn định. Từ lợi nhuận trong kinh doanh, ông Tuynh đã giúp đỡ xây dựng nhà tình nghĩa cho nhiều đồng đội thương bệnh binh, nhiễm chất độc màu da cam. Ngoài ra, mỗi khi đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ông cũng ủng hộ hàng chục tấn gạo và nhu yếu phẩm, gửi đến tận tay bà con.
Là Phó Chủ tịch Hội CCB, Chủ nhiệm CLB “Cựu chiến binh – Cựu quân nhân làm kinh tế” quận 12, ông Vũ Đức Tính (64 tuổi) không chỉ là một trong những CCB làm ăn kinh tế giỏi mà còn đóng góp tích cực cho công tác xã hội, địa phương. Với cương vị của mình, ông Tính đã thực hiện tốt công tác tổ chức, lãnh đạo hội đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho hội viên thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, ông cho biết đã vận động hội viên đóng góp kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng làm 8 tuyến đường bê tông hóa dài 1,6km, vận động hội viên hiến hàng trăm m2 đất mặt tiền trị giá 2,5 tỷ đồng để làm đường giao thông. Với tinh thần quan tâm đến những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, ông Tính đã vận động trao tặng hàng trăm suất học bổng, phần quà cho con em CCB nghèo học giỏi, xây dựng quỹ đồng đội cho các hội viên vay vốn làm ăn. Qua những nỗ lực của CCB Vũ Đức Tính, đến nay không còn hộ hội viên thuộc hộ nghèo trên địa bàn quận.
Trò chuyện với những CCB trong những ngày tháng tư lịch sử này, được nghe kể lại những niềm vui của trong ngày thống nhất đất nước, và cũng có những nốt lặng về những đồng đội hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, chúng tôi càng cảm thấy đáng quý hơn những tấm gương người lính vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất này. Họ là những người lính kiên cường, không quản ngại gian khổ, cả trên chiến trường lửa đạn cũng như trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội thời bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.