(HNM) - Tết đến Xuân về nhưng những con tàu chở dầu thô và tàu cảnh sát biển (CSB) vẫn ngày đêm ra khơi. Thủy thủ đón Tết trên tàu trong tình thân đồng đội, trong hơi ấm đất liền và ước nguyện cho mùa xuân quê hương mãi nở hoa kết trái.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị ra khơi làm nhiệm vụ. |
Đón Giao thừa trên biển
Con tàu Mercury lớn nhất Việt Nam với trọng tải 105.000 tấn dầu thô nhận lệnh nhổ neo nơi mỏ dầu Bạch Hổ - Vũng Tàu khi nhà nhà đang chuẩn bị mai vàng, bánh chưng đón Tết. Không khí lạnh tràn về, biển động rất mạnh khiến thời gian hành trình tăng lên gấp đôi. Vận tốc bình thường của tàu khoảng 10 hải lý/giờ giảm xuống 5-6 hải lý. Theo kế hoạch đêm 29 Tết tàu sẽ về đến cảng Dung Quất neo đậu để đón Giao thừa. Nhưng gió chướng đã đẩy những con sóng lớn về phía mũi tàu làm chậm lại hành trình. Và phải đến chiều tối mùng 1 Tết Bính Thân, tàu mới về đến cảng. Anh em thủy thủ đón Giao thừa ngay trên hải trình khi con tàu vẫn phải chống chọi với những đợt sóng lớn...
Sáng mùng 3 Tết theo chân các cán bộ Phòng Quản lý cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi làm nhiệm vụ nhập dầu thô về nhà máy, vượt 7 hải lý bằng ca nô, chúng tôi lên tàu dầu thô Mercury. Những chuyện nhà, chuyện nghề bên mâm cơm Tết muộn đã phần nào xua đi những mệt mỏi của hành trình xuyên Tết trên biển. Thuyền trưởng Hồ Anh Vân cho biết: "Anh em thủy thủ trên tàu đã thức trắng đêm Giao thừa vừa làm nhiệm vụ, vừa chúc Tết, mừng tuổi, quây quần hát cho nhau nghe. Rồi nhận và trả lời tin nhắn chúc xuân của người thân, đồng nghiệp, cảm giác vui như được đón Tết ở nhà".
Trên tàu dầu thô Mercury, đặt chân vào bất cứ chỗ nào cũng có thể cảm nhận không khí Tết. Khoang điều hành, phòng thủy thủ, phòng sinh hoạt tập thể rực sắc mai vàng, ngát hương hoa ly. Thuyền trưởng Hồ Anh Vân khoe với chúng tôi: "Tết này tàu có chậu hoa lan tươi tắn của người thân gửi lên cho anh em thủy thủ trước khi nhổ neo rời cảng. Ngắm hoa tươi là thấy người thân, hơi ấm đất liền".
Hai chàng đầu bếp của tàu trong ba ngày Tết bận với việc chuyển thực đơn sang món ăn truyền thống, nào chả giò, nem, bánh tét. "Món tươi" ngày xuân được bổ sung thêm thịt dê, nhím, heo rừng. Mâm cơm ngày Tết còn ấm áp hơn bởi tiếng cười như pháo của thủy thủ trẻ. Các chàng trai quê ở mọi miền đất nước đầu quân cho Mercury, có người đã 5 cái Tết liên tục đón xuân trên biển nhưng "đời thủy thủ coi tàu là nhà, nhiệm vụ là trên hết" đã gác những ngày xuân của riêng mình để cùng lái con tàu chở mùa xuân lớn cập cảng an toàn trong niềm hân hoan, tự hào nghề nghiệp.
Thủy thủ trên tàu Mercury vận chuyển dầu thô. |
Chia tay các thủy thủ tàu dầu thô khi chuyến dầu đầu xuân hơn 100.000 tấn đã "chảy" về đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lúc 20h ngày mùng 3 Tết. Chiếc cầu thang tiễn khách thả xuống thành tàu cao tới hơn 40m cứ chùng mãi như dùng dằng chẳng muốn chia xa. Dưới chân cầu thang sóng đánh bập bềnh, chiếc ca nô đưa chúng tôi vào bờ đã chờ sẵn. Nơi chúng tôi trở về là phía bờ xa đang ánh lên ánh sáng, lung linh của niềm tự hào "lọc dầu số 1 Việt Nam". Thắp lên ánh sáng diệu kỳ ấy có bàn tay, trí tuệ, sức lực của những thủy thủ tàu Mercury.
Trong thời khắc Giao thừa, có thể nỗi nhớ bờ, nhớ người thân bất chợt ùa về nhưng chỉ thoáng chốc, bởi trong tim các anh đã mặc định một ý chí: Khi đã lên tàu, mọi tâm sức đều dồn về cánh sóng, vượt mọi khó khăn để đưa những giọt dầu từ mỏ về nhà máy, thắp lên ánh sáng diệu kỳ lấp lánh mỗi đêm. Ý chí ấy được khắc ghi thành mệnh lệnh ở nơi cánh cửa khoang tàu: "Hãy để muộn phiền lo toan ở bên ngoài". Và mỗi lần đặt chân lên tàu, mắt sáng ngời chạm vào mệnh lệnh của ý chí "sắt" đã tiếp thêm nghị lực can trường cho mỗi thủy thủ tàu dầu thô.
Và vì thế, đón Giao thừa trên biển với các thủy thủ tàu dầu thô đó là một niềm tự hào thực thụ!
Ăn Tết giữa đại dương
Chiều 29 Tết, khi thực hiện xong lệnh điều động đưa hơn 500 người dân Lý Sơn về đảo đón Tết, các chiến sĩ Vùng CSB 2 lại bước vào ca trực trên những chuyến tàu mang tên "CSB VN". Thời tiết đêm Giao thừa và vài ngày sau đấy lạnh tê tái. Những cột sóng lớn xô ào ào về phía mạn tàu. Lại những đêm mất ngủ vì sóng đánh chao nghiêng. Mỗi con tàu CSB VN đều dành riêng những không gian đẹp nhất trang trí bàn thờ Bác Hồ với mai vàng, đào thắm, mâm ngũ quả để đón Giao thừa. Khi thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới sắp tới, hiệu lệnh phát ra mời toàn thể anh em trên tàu về phòng sinh hoạt tập thể. Những tiếng hát, tiếng đàn ghi ta ngân lên trên biển xa xóa tan màn đêm tĩnh mịch, cái lạnh như chùng xuống nhường chỗ cho tình đồng đội, hơi ấm quê nhà gửi đến các anh...
Đại tá Võ Văn Kính - Phó Chính ủy Vùng CSB 2 cho chúng tôi biết: "Tất cả cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đón Tết trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trên biển. Với những người lính CSB, tàu là nhà, biển là quê hương. Đón xuân ở đâu cũng là ở quê nhà". Xuân này gần 100% quân số CSB trực, đón xuân ở đơn vị. Với sự quan tâm từ tinh thần đến vật chất, cái Tết của anh em cán bộ, chiến sĩ luôn được chăm lo đủ đầy.
Đến Tàu CSB 8002, chúng tôi may mắn được các anh mời ăn Tết muộn cùng anh em đơn vị. Bữa cơm có thịt heo, cải bắp, cà chua, dưa cải, chả cá, thịt gà, bánh chưng… Tự tay các anh, những món ăn được chế biến theo kiểu "nhà binh" không cầu kỳ, màu mè, chỉ một vị đậm đà của Tết quê. Đại tá Võ Văn Kính nói rằng: Anh em trên tàu CSB hầu hết là con em nông dân nên bữa cơm ngày xuân hệt mâm cơm Tết quê để anh em đỡ nhớ nhà.
Năm nay, đón xuân ở các tàu CSB có cả những sắc hoa của đất liền gửi tặng. Hoa ngày đầu đón lên tàu tươi lắm nhưng không chịu nổi gió biển. Nhìn những chậu hoa ấy, chúng tôi hiểu thêm một phần sự vất vả của những người lính CSB. Những ngày cuối năm, nhận lệnh của cấp trên, Tàu CSB 9002 đã nhổ neo rời cảng đi Hoàng Sa cứu tàu cá QNg 97229 TS cùng 10 ngư dân Quảng Ngãi bị nạn khi đang hành nghề đánh bắt cá trên biển.
Tết này các ngư dân ấy được đoàn viên cùng gia đình vui xuân. Còn các anh lính lại lên tàu đi về phía biển. Đại úy Hùng - Tàu CSB 9002 cho biết: "Tết của những người lính biển gắn liền với cánh sóng quê hương. Những khoảnh khắc sum vầy, hơi ấm quê nhà được truyền qua màn hình điện thoại, qua sóng truyền hình". Với những người CSB, đó là khoảng cách gần nhất để vơi đi nhớ nhung, giữ vững tinh thần, trách nhiệm của người lính canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.