Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ngôi nhà độc đáo tại Tây Nguyên qua mắt người nước ngoài

Mai Chi| 14/10/2015 16:40

(HNMO) - Trên hành trình di chuyển khám phá miền đất Tây Nguyên, giáp ranh với Lào và Campuchia, bạn sẽ phát hiện ra những khiến trúc địa phương vô cùng độc đáo.


Người Ê Đê, Ba Na và Gia Rai chỉ là 3 trong số hơn 50 dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam. Họ có một nền văn hóa đặc sắc và những kiến trúc truyền thống ấn tượng. Vùng đất của họ nằm ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum.

Nhà dài

Người Ê Đê thường xây những ngôi nhà rất dài. Họ theo chế độ mẫu hệ, bởi vậy mỗi khi trong nhà có con gái lấy chồng, một gian nhà liền kề sẽ được dựng cho đôi vợ chồng mới cưới.


Sự thịnh vượng của một gia đình phần nào được phản ánh qua độ dài của ngôi nhà. Một vài căn nhà có thể dài tới 100m.

Người Ê Đê dựng nhà Dài trên những cây cột thấp làm bằng gỗ và tre, với một cầu thang đôi đục từ những thân gỗ lớn – một dành cho nam và một dành cho nữ.

Dãy nhà dài được chia ra thành các khu vực khác nhau, dùng cho sinh hoạt chung và phòng ngủ riêng. Khu vực sinh hoạt chung luôn có không khí bận rộn với những người phụ nữ ngồi dệt vải - rất nổi tiếng bởi các sản phẩm thêu kim tuyến và màu nhuộm thiên nhiên. Trong khi đó, đàn ông trong gia đình tập trung chế tạo các dụng cụ nông nghiệp.


Du khách muốn tận mắt chứng kiến khung cảnh bên trong nhà dài nên đến buôn Ako Dhong – một ngôi làng cách Buôn Ma Thuột khoảng vài kilômét về phía Bắc.

Những người dân bản địa hiếu khách và thân thiện luôn sẵn sàng hướng dẫn khách du lịch tham quan những kiến trúc độc đáo và mời họ mua các sản phẩm dệt thủ công như túi sách và ví cầm tay.

Nhà Rông

Ấn tượng không kém nhà Dài, nhà Rông của người Ba Na và người Gia Rai là một biểu tượng của vùng Tây Nguyên.


Ngay khi đặt chân đến ngôi làng của người Ba Na hoặc Gia Rai, ánh mắt bạn sẽ lập tức hướng về nhà Rông – ngôi nhà cộng đồng, trái tim của mỗi làng. Trung bình, nhà Rông thường cao khoảng 15 – 20m và có những ngôi nhà có thể cao tới 30m.

Cũng giống như nhà Dài, độ cao của nhà Rông tượng trưng cho sự thịnh vượng của ngôi làng.

Không gian bên trong nhà Rông bao gồm một “hội trường” bằng tre đủ chỗ cho toàn bộ cư dân. Mái nhà được trang trí với hoa văn khác nhau tùy theo từng làng.



Nhà Rông cũng chính là linh hồn của ngôi làng. Đây là nơi tụ họp, giải quyết các tranh chấp, tổ chức lễ kỷ niệm và các ngày hội.

Nhà mồ

Phần lớn các dân tộc của Việt Nam đều có tục lệ cúng bái và tôn sùng tổ tiên, nhưng không nơi nào thực hiện cầu kỳ hơn người Gia Rai. Đám tang đối với họ là một công việc vô cùng phức tạp và tốn kém.

Hầu hết các ngôi làng của người Gia Rai đều có một nghĩa địa ở phía Tây, được chia thành nhiều khu vực. Các thành viên trong gia đình sẽ được an táng tại cùng một ngôi mộ.

Nhiều tài sản có giá trị như ti vi hay xe đạp có thể được chôn cùng với người chết. Các bức tượng chạm khắc gỗ với nhiều biểu cảm khác nhau – hỉ nộ ái ố - được đặt bên trong khuôn viên của ngôi mộ.

Một bức tượng gỗ trên nhà mồ.

Nhà mồ được trang trí rất cầu kỳ.


Sau nghi lễ hiến trâu để bày tỏ lòng thành với người đã khuất, ngôi mộ bị bỏ hoang và khu vực đó sẽ hòa lẫn với tự nhiên.

Khi muốn ghé thăm một nghĩa trang tại đây, du khách nên có một hướng dẫn viên người bản địa đi cùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những ngôi nhà độc đáo tại Tây Nguyên qua mắt người nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.