Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nghịch lý trong khai thác khoáng sản

Trà My| 25/10/2010 07:26

(HNM)- Tài nguyên khoáng sản (TNKS) là một phần của tài sản tự nhiên đặc biệt quý giá của quốc gia.


Bài 1: Thất thoát quá lớn


Tình trạng khai thác than trái phép ở Quảng Ninh diễn ra phức tạp, gây thất thoát nguồn tài nguyên. Ảnh: Anh Tuấn

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác khoáng sản (KTKS) ở nước ta rất cao, đặc biệt là ở các mỏ hầm lò và ở các dự án do địa phương quản lý. Cụ thể: khai thác than hầm lò tổn thất từ 40% đến 60%, apatit từ 26% đến 43%, dầu khí từ 50% đến 60%... Trong khi đó, tình trạng xuất khẩu quặng thô, xuất lậu đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

Cấp phép tràn lan và buông lỏng quản lý

Ông Phạm Quang Tú (Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - CODE) cho biết, có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng giấy phép KTKS, đặc biệt là ở các địa phương. Cụ thể, giai đoạn 1996-2008, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 928 giấy phép, nhưng chỉ từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh đã cấp gần 3.500 giấy phép, gấp 8 lần số lượng trung ương cấp trong 12 năm. Trường hợp điển hình nhất về tình trạng KTKS tràn lan chính là tại xã Mỹ Thành (huyện Phú Mỹ, Bình Định) khi tại đây có lúc có tới 16 doanh nghiệp khai thác titan thô để bán ra nước ngoài.

Việc thực hiện phân cấp quản lý về khoáng sản theo Luật Khoáng sản hiện hành vô hình trung đã tạo ra nhiều kẽ hở "chết người" do có nhiều cơ quan tham gia nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên quản lý kém hiệu quả. Theo điều tra của CODE, tình trạng cấp phép hoạt động không theo quy hoạch, cấp phép tràn lan, chia nhỏ để cấp hoặc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực, khai thác chưa có hồ sơ thiết kế mỏ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, nạn khai thác không phép, khai thác tự do, nhất là đối với vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than... chưa được ngăn chặn. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố liên tục bị cắt nhỏ để tiện cho việc cấp giấy phép khai thác. Riêng tại Quảng Ninh, kết quả nghiên cứu khai thác than tại đây cho thấy, dù đã tồn tại hàng chục năm trước nhưng ngành này mới được triển khai cấp phép từ năm 2008 (63 giấy phép) và năm 2009 (2 giấy phép).

Tình trạng buông lỏng quản lý phần nào có thể được liên hệ với việc doanh nghiệp KTKS gia tăng "bất thường". Cụ thể là năm 2000, cả nước có 427 đơn vị nhưng đến năm 2007, con số này đã là gần 1.700, tăng bình quân 21,7%/năm. Ngoài ra, tình trạng khai thác, vận chuyển xuất khẩu than trái phép tại Quảng Ninh; xuất khẩu cát tại các tỉnh Nam bộ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; hoặc tình trạng xuất lậu quặng titan đã lên tới 100.000 tấn năm 2007 và gấp đôi con số này trong năm 2008. Điều đó cho thấy nạn "chảy máu" khoáng sản đang diễn biến phức tạp.

Những hệ lụy khó lường

Không ai phủ nhận những đóng góp của ngành KTKS vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt là những tỉnh nghèo thường lấy đây là nguồn thu lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng có một sự thật khác là tình trạng tận diệt khoáng sản đang diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là nạn khai thác, xuất khẩu lậu quặng thô. Các cơ quan thực thi pháp luật nhiều lúc cũng bó tay với "khoáng tặc".

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, tỉnh này có 107 đơn vị chế biến, KTKS mà đa phần là quy mô nhỏ. Thời gian qua, tình trạng khai thác đá quý tự phát tại huyện Lục Yên, Yên Bình; đãi vàng sa khoáng, cát sỏi tại Văn Yên vẫn ngấm ngầm diễn ra. Cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà cũng đã bị tàn phá do KTKS trái phép, trong khi đóng góp vào ngân sách từ khai thác chẳng đáng là bao. Câu chuyện này không chỉ có ở Yên Bái mà còn là vấn đề thời sự của nhiều địa phương khác trong vài năm gần đây.

Các nhà khoa học cho rằng, ẩn họa dễ nhìn thấy nhất trong KTKS hiện nay chính là môi trường bị tàn phá. Bà Nguyễn Thị Lài (Trung tâm Môi trường công nghiệp - Viện KHCN Mỏ - Luyện kim) cho biết, trong hai năm 2007-2008, kết quả điều tra về hoàn thổ phục hồi môi trường (HTPHMT) tại 70 cơ sở chế biến, KTKS cho thấy tình trạng HTPHMT qua loa diễn ra khá phổ biến. Đến nay, nhiều điểm như mỏ kẽm, chì Làng Hích (Thái Nguyên); mỏ đồng Sinh Quyền (Lào Cai); mỏ pyrit Giáp Lai (Phú Thọ)...; khai trường của các nhà máy xi măng Bút Sơn, Bỉm Sơn, Tam Điệp... không thấy kết quả của công tác HTPHMT. Trong khi đó, ô nhiễm nước diễn ra phổ biến ở hầu hết các khu vực KTKS. Nồng độ các kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, sắt… ở nhiều điểm mỏ cao hơn mức cho phép nhiều lần. Cụ thể: nồng độ kẽm ở mỏ Làng Hích vượt chuẩn từ 1,4 đến 3,39 lần; nồng độ chì vượt chuẩn từ 1,5 đến 1,69 lần. Tại Xí nghiệp Chì kẽm Chợ Điền (Bắc Cạn), nồng độ kẽm và chì lần lượt vượt chuẩn từ 1,4-3,6 lần và 1,9-6,93 lần. Rất đáng lưu tâm, một số khu vực có khả năng hình thành dòng axit mỏ do chất độc tồn dư trong quặng thải. Ngoài ra, chất xyanua, xantat trong quá trình tuyển quặng đang hoành hành dữ dội tại nhiều điểm mỏ, nổi bật là hai mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) và Trà Năng (Lâm Đồng)…

Ông Phạm Quang Tú cho biết thêm, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các dự án khai thác TNKS đều phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng nhiều chủ đầu tư chỉ coi đó là "đồ trang sức" và khía cạnh xã hội đề cập trong ĐTM rất nhạt nhòa. Thấy rõ nhất thực trạng này ở các dự án khai thác mỏ tại Quảng Ninh. Theo báo cáo mới đây của tỉnh Quảng Ninh, chỉ có 38/68 mỏ khai thác than đang hoạt động là có báo cáo ĐTM bổ sung... Hiện trạng tại các mỏ được quản lý đã vậy thì không khó để thấy rằng vấn đề này phức tạp ra sao đối với các điểm mỏ do "khoáng tặc" kiểm soát.

Ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa nhiều vùng đất... là những hệ lụy nhìn thấy được từ KTKS tràn lan, còn tình trạng mất an ninh trật tự, đặc biệt là ở khu vực biên giới mới là những ẩn họa lâu dài chưa thể đo đếm.

PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội địa chất Việt Nam: Khai thác phải nghĩ đến thế hệ sau
Việt Nam có thực sự là nước có rừng vàng, biển bạc không? Tôi xin nói là không. Chúng ta cứ luôn miệng rằng Việt Nam có 5.000 điểm mỏ với hơn 60 loại khoáng sản mà không biết rằng một số loại khoáng sản thế giới cần như đá quý, dầu mỏ thì ở nước ta trữ lượng hạn chế. Nước ta có nhiều đất hiếm, ilmenit, bôxít nhưng chưa hẳn thế giới đã cần nhiều vì rất nhiều quốc gia cũng có nhiều mỏ trữ lượng lớn. Nói như thế để thấy, chúng ta khai thác khoáng sản phải nghĩ đến các thế hệ sau này chứ không thể bừa bãi như hiện nay.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nghịch lý trong khai thác khoáng sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.