Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ngày đầu làm báo "Thủ Đô"

Đức Trường - Kiều Khải| 25/10/2014 07:23

(HNM) - Cứ mỗi dịp sinh nhật Báo Hànộimới (24-10) hằng năm, cánh nhà báo trẻ chúng tôi lại băn khoăn tìm thông tin về những người thuộc thế hệ thứ nhất tờ báo của mình. Lớp cán bộ ngày đầu dần ra đi theo thời gian. Trong một sáng tháng 10, thật hạnh ngộ khi chúng tôi được gặp và trò chuyện với nhà báo Bùi Hạnh Cẩn,


Công tác chuẩn bị ra Báo Thủ Đô

Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn giờ đây sống như một ẩn sĩ. Ông từng là nhiều "nhà": Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, dịch giả... Đấy là cái "nghiệp" của ông. Ông còn là một nhà quản lý khi nhận trách nhiệm làm Phó TBT Báo Thủ đô ra đời ngày 24-10-1957, tờ báo tiền thân của Hànộimới. Thoáng đó mà ông đã nghỉ hưu 1/3 thế kỷ. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa nghỉ viết, dịch thuật. Cuộc gặp gần đây nhất đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, bước vào phòng văn, chúng tôi vẫn thấy ông cặm cụi dịch thơ Nguyễn Du viết về Thăng Long.

Phóng viên Đức Trường trò chuyện với nhà báo Bùi Hạnh Cẩn.



Một điều đặc biệt trong những ngày thu Hà Nội tháng 10 là khi đến thăm ông, chúng tôi còn được gặp nữ nhà báo Lý Thị Trung, nguyên TBT đầu tiên Báo Phụ nữ Thủ đô, đồng thời là một trong những phóng viên nữ đầu tiên của Báo Thủ Đô. Hai người bạn cao niên, một người tuổi đã ngót nghét thế kỷ và một người quá tuổi cổ lai hy 15 năm, lại vui vẻ kể chuyện nghề những ngày đầu làm Báo Thủ Đô cho chúng tôi nghe.

Đầu tháng 10 năm 1954, nhà báo Bùi Hạnh Cẩn đang công tác tại Báo Nhân Dân thì được các đồng chí phụ trách báo cử tham gia vào đoàn cán bộ về tiếp quản Hà Nội cùng với nhà báo Thép Mới và nhà văn Nguyễn Tuân. "Tôi vào trước 6 ngày và ở làng Mọc. Sáng ngày 10 tháng 10, đi theo Đại đoàn Quân Tiên phong từ phía Ngã Tư Sở vào Hồ Gươm. Từ Mọc Quan Nhân đi theo đường Ngã Tư Sở, lên Hàng Đào về Bờ Hồ, dọc đường tôi nhẩm lại câu thơ đã viết từ 5 năm trước: "Hẹn nhau bờ liễu Hồ Gươm nhé/ Khi lộng cờ bay đỏ Tháp Rùa". Bà con Hà Nội đứng chật hai bên đường phố, nét mặt vô cùng tươi vui, vẫy muôn ngàn bó hoa thắm đẹp chào đón đoàn quân chiến thắng. Bờ liễu Hồ Gươm cũng ngời cờ đỏ sao vàng...", nhà báo Bùi Hạnh Cẩn trầm ngâm nhớ lại.

Ngày 26-2-1957, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 93-NQ/DBHN "Về việc sản xuất báo hàng ngày ở Thủ đô". Ngày 1-4-1957, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 119/NQTUHN về việc thành lập Ban phụ trách lâm thời Báo Thủ Đô gồm có các đảng viên: Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Viết và Lê Hưng. Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn được giao làm Trưởng ban, chuẩn bị mọi mặt cho việc xuất bản tờ báo ngày đầu tiên của Thành ủy Hà Nội. Sau quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng, ngày 24-10-1957, Báo Thủ Đô ra số đầu tiên. Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn nhớ lại, khi đó Tổng Biên tập đầu tiên của báo là nhà báo Đinh Nho Khôi, hai Phó Tổng biên tập là Bùi Hạnh Cẩn và Lê Hưng. Số đầu tiên của Báo Thủ Đô khổ 30 x 40cm, in một màu, sáng sủa, chững chạc. Nổi bật trên trang nhất là các tin bài: "Hà Nội thiết thực chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười", "Hội đồng Bầu cử thành phố Hà Nội đã được thành lập". Lời phi lộ đăng trên trang nhất viết: "Từ đây, cùng với các bạn đồng nghiệp khác, Thủ Đô sẽ đem sức mình góp một phần vào việc truyền đạt các chính sách của Đảng và Chính phủ phản ánh các mặt sinh hoạt của nhân dân Hà Nội".

Lần giở lại những số đầu tiên của Báo Thủ Đô ra đời năm 1957, chúng tôi còn được đọc bản dịch Hồng Lâu Mộng, in ở trang 2, ký tên Châu Lâm. Chúng tôi đoán rằng đó là một trong số nhiều bút danh của nhà báo Bùi Hạnh Cẩn đã từng sử dụng (như Lê Xung Kích). Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn cười vui xác nhận: "Báo Thủ Đô in bản dịch Hồng Lâu Mộng của tôi đến số 100 thì dừng. Ba tháng sau, NXB Văn học đến gặp tôi, xin bản thảo và xuất bản toàn bộ bản dịch".

Năm 1957, Báo Thủ Đô - cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Hà Nội ra đời, Tổng Biên tập là nhà báo Đinh Nho Khôi, nhà báo Bùi Hạnh Cẩn và nhà báo Lê Hưng làm Phó Tổng biên tập. Phó TBT Bùi Hạnh Cẩn còn được cử làm Tổng Thư ký sáng lập Hội Văn nghệ Hà Nội (Chủ tịch Hội là nhà văn Tô Hoài). Khi sáp nhập tờ Hà Nội hằng ngày vào tờ Thủ Đô, Bùi Hạnh Cẩn được cử lên công tác tại Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, làm Chánh Văn phòng. Đến năm 1975, ông lại được điều về Hội Văn nghệ Hà Nội, làm Tổng Thư ký phụ trách Hội.

Nữ phóng viên đầu tiên của báo

Còn nhà báo Lý Thị Trung, sau ngày về Hà Nội, với kiến thức trong lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) và những ngày làm báo ở Liên khu IV, bà về Báo Thủ Đô. Nhưng ban đầu, do Tổng Biên tập và 2 Phó Tổng biên tập đều đi vắng, bà được đưa tạm về nhà in làm nữ công nhân xếp chữ. Từng làm báo trong kháng chiến nhiều năm, nhà báo Lý Thị Trung xếp được cả chữ chì, khắc được cả bản khắc... mà không nề hà. Cho đến một hôm Phó TBT Lê Hưng xuống nhà in, trông thấy liền nói: "Tại sao làm báo mà lại đi xếp chữ?". Rồi ông đưa Lý Thị Trung lên làm phóng viên, ở Ban Thời sự làm tin trong nước, cùng tổ còn có nhà báo Hàm Châu làm tin quốc tế và nhà báo Phạm Sáu làm tổ trưởng (Trưởng ban). Từ đây, Lý Thị Trung là phóng viên nữ duy nhất trong tờ Thủ Đô và làng báo Hà Nội.

Đến năm 1959-1960, Ban Tuyên giáo Trung ương mở lớp học viết báo ở Thái Hà ấp (khu lăng Hoàng Cao Khải). TBT Đinh Nho Khôi cử nữ nhà báo Lý Thị Trung đi học. "Tôi nói đã học ở trên Việt Bắc 3 tháng lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, anh Đinh Nho Khôi vẫn cử tôi đi học và còn cử làm tổ trưởng. Trong tổ ấy có 10 người. Nữ có Bùi Thanh Lịch, Bích San, Phan Thị Thanh Nhàn... Nam thì có Lê Việt (Lê Tân Chế), Công Nghĩa Hoàn, Nguyễn Minh Tâm (liệt sĩ, hy sinh năm 1968), Vũ Minh Triết... và một người nữa tên Thận thì phải", nhà báo Lý Thị Trung nhớ lại.

Những câu chuyện nghề giản dị như gọi ký ức trở về, nhà báo Bùi Hạnh Cẩn vui vẻ kể: "Hôm ấy, để chuẩn bị ra số báo mới, tôi thấy cần có một bài thơ mang chất Hà Nội. Tôi nói với chị Lý Thị Trung: Chị ạ, xin chị viết cho một bài thơ. Không ngờ sáng mai chị Lý Thị Trung gửi ngay cho tôi. Tôi còn nhớ câu đầu như sau: Tôi là mẹ của bốn đứa con bé nhỏ". Nhà báo Lý Thị Trung cũng cười vui vẻ góp thêm: "Cuối năm 1957, Liên Xô phóng tên lửa lên mặt trăng. Anh Bùi Hạnh Cẩn nói với tôi: Này, sáng mai chị nộp cho tôi bài thơ để chào mừng sự kiện này nhé. Hôm ấy, tôi đặt bút viết bài thơ "Bà tiên hòa bình". Những lần đặt bài như thế đã tạo cho tôi phản ứng sáng tác kịp thời. Tôi vẫn nhớ chính vì anh Bùi Hạnh Cẩn đặt bài mà tôi viết "Bác là người mẹ vô cùng vĩ đại". Bài thơ này có mấy câu kết được bạn đọc thích thú: "Có nuôi con mới biết lòng mẹ được/Nỗi lo riêng tôi chỉ là giọt nước/Nỗi lo của người là biển cả mênh mông".

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngày đầu làm báo "Thủ Đô"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.