Xã hội

Giữ trọn lời thề “Ba sẵn sàng”

Dương Linh 17/08/2024 - 08:14

Gần 6 thập kỷ trước, 1.500 chàng trai, cô gái Hà thành nô nức tình nguyện lên đường gia nhập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Họ đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu và giữ trọn lời thề “Ba sẵn sàng”.

ban-lien-lac-doi-n43-gap-mat-chuan-bi-ky-niem-60-nam-ngay-gia-nhap-doi-thanh-nien-xung-phong-chong-my-cuu-nuoc-cua-thu-do-ha-noi..jpg
Ban Liên lạc Đội N43 gặp mặt chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày gia nhập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước của Thủ đô Hà Nội.

Sống bám đường, chết kiên cường

Từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên Thủ đô bừng bừng khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”. Ngày 21-6-1965,

Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN thành lập các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, để có lực lượng cơ động phục vụ bộ đội chiến đấu và tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường trọng yếu. Từ khắp các phố phường, làng quê của Thủ đô, các chàng trai, cô gái nô nức nộp đơn gia nhập thanh niên xung phong.

Chỉ sau 20 ngày Chỉ thị số 71/TTg-CN của Thủ tướng được ban hành, ngày 11-7-1965, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội do Thành đoàn Hà Nội thành lập đã ra đời. Đó là Đội N43. Đội gồm 1.500 đoàn viên, thanh niên được lựa chọn từ hàng vạn lá đơn tình nguyện của 8 khu nội, ngoại thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm; và được biên chế trong 7 đại đội, từ đại đội 811 đến 817.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, Trưởng ban Liên lạc Đội N43 Dương Thị Vịn (sinh năm 1943) chia sẻ: “Cả Thủ đô ra trận như đi trẩy hội. Khi đó, tôi và 12 đoàn viên, thanh niên của chi đoàn cũng góp mặt trong Đại đội 816. Nhiệm vụ của Đội N43 là mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống trải dài ở tuyến lửa khu bốn gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình”.

Lên đường tham gia thanh niên xung phong khi mới 16 tuổi, kỷ niệm của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn in đậm trong ông Vương Văn Thảo (sinh năm 1949), Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Cầu Giấy. “Trải qua 3 ngày huấn luyện cấp tốc, chúng tôi lên đường. Tôi được biên chế vào Đại đội 815. Chúng tôi hành quân, đêm đi ngày nghỉ, vai đeo nặng ba lô, quân trang, xẻng cuốc… Mỗi khi phải vượt qua những trọng điểm, pháo sáng rực trời, khét lẹt mùi bom đạn vừa nổ, tim thót lại nhưng càng sục sôi ý chí. Và sau những ngày đi bộ ròng rã, chúng tôi có mặt tại khu bốn…”.

Cũng ngày tháng ấy, 18 tuổi, cô gái Lê Thị Nghĩa rời xa quê nhà Xuân Canh (huyện Đông Anh) và được biên chế vào Đại đội 811. “Ban đầu, tôi được phân vào đơn vị nuôi quân của đại đội. Ở nhà chỉ nấu ăn cho vài người, đi vào chiến trường phục vụ cả trung đội, tự phải gánh nước, kiếm củi, đã vậy bom đạn liên miên, thiếu thốn đủ thứ. Tôi nhớ nhất, vào đêm Noel năm 1967. Ban ngày Mỹ ngừng bắn phá, nhưng đến 17h chiều, máy bay Mỹ thả hàng loạt các loại bom xuống đường. Nhiều người bị thương vong. Chúng tôi đã làm việc suốt đêm để cứu chữa người bị thương, chôn cất người đã chết”, bà Nghĩa xúc động kể lại.

Vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại trận địa Quảng Bình năm 1968, ông Thảo chia sẻ: “Giặc Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, dữ dội. Chúng ném bom bắn phá cày xới các cung đường, các cây cầu, nhưng với tinh thần “Ba sẵn sàng” tiếng bom vừa dứt, chúng tôi lại lên mặt đường để khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông cho các đoàn xe ra chiến trường. Sống giữa bom đạn, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi, thanh niên Hà Nội vẫn luôn lạc quan, không hề nao núng, xứng đáng với khẩu hiệu: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”".

Để ứng phó với "mưa bom", Đội N43 thành lập đại đội xung kích Thăng Long 343, gồm 150 đội viên ưu tú của 7 đại đội. Trong hơn 300 ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến đường 10 quyết thắng thì có tới 90 ngày máy bay Mỹ đến ném bom đánh phá, mỗi ngày vài ba trận, có ngày có 35 lượt máy bay Mỹ quần thảo, có 18 trận máy bay B52 rải thảm, mặt đường bị cày xới, lán trại, trạm xá bị ném bom bốc cháy, nhưng các chiến sĩ của đơn vị vẫn kiên cường bám đường không rời vị trí. Những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong Thủ đô ấy biết bom có thể nổ bất kỳ lúc nào và họ có thể hy sinh, nhưng họ vẫn tự nguyện, vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không đắn đo lùi bước…

“Gần 4 năm (1965-1969) sống và làm việc ở Trường Sơn, chúng tôi đã có tuổi thanh xuân thật đáng nhớ. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ: Sản xuất, chiến đấu và học tập; cùng hàng vạn thanh niên xung phong các tỉnh bạn và các lực lượng mở ra các con đường chiến lược 15, 21, 22, 22B và đường 10 quyết thắng. Chúng tôi đã góp phần nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu và giữ trọn lời thề “Ba sẵn sàng”, bà Vịn chia sẻ tiếp.

Trong những năm tháng tham gia mở đường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 48 thanh niên xung phong Thủ đô của Đội N43 đã anh dũng hy sinh, để lại tuổi thanh xuân tươi đẹp mãi mãi ở cánh rừng già Trường Sơn ngàn năm tuổi…

dai-dien-ban-lien-lac-doi-n43-vieng-tham-dong-doi-tai-nghia-trang-liet-si-thanh-pho-ha-noi..jpg
Đại diện Ban Liên lạc Đội N43 viếng đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Dù tuổi cũng đã cao, sức đã yếu nhưng nhiều năm liền, Ban Liên lạc Đội N43, bà Dương Thị Vịn, ông Vương Văn Thảo cùng những cựu thanh niên xung phong khác luôn đau đáu một nỗi niềm là sớm an táng, quy tập đồng đội, đồng chí mình về nơi chôn nhau cắt rốn. “Tôi may mắn sống sót được trở về quê hương, xây dựng tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình, còn những đồng đội của tôi ngã xuống, họ vẫn còn nằm vùi đâu đó. Chúng tôi rất đau lòng”, ông Thảo chia sẻ.

“Năm 1997, Ban Liên lạc Đội N43 được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cấp kinh phí vào thăm lại chiến trường xưa. Vào đến Nghĩa trang Quảng Xuân (Quảng Bình), chúng tôi tìm được nhiều liệt sĩ, nhưng để đưa được các anh, chị về không đơn giản…”, bà Vịn chia sẻ tiếp.

Tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng đã thôi thúc Ban Liên lạc Đội N43 quyết tâm tìm kiếm những người đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường, hỗ trợ các gia đình đưa các liệt sĩ về quê hương. Mới đây, liệt sĩ Nguyễn Thị Dung được đưa về từ Nghĩa trang Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và truy điệu, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội, thỏa niềm mong mỏi của gia đình, đồng đội.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung, nhà ở phố Hàng Thùng, biên chế trong Đại đội 811, chịu trách nhiệm mở và bảo vệ tuyến đường 22, chạy qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, nên giặc Mỹ đánh phá rất dữ dội. Ngày 24-4-1967, người con gái Hà thành ấy đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ, khi vừa tròn 24 tuổi, bỏ lại lời hứa hôn với người yêu nơi quê nhà…

Trong lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Thị Dung, bà Lê Thị Nghĩa nghẹn ngào kể lại kỷ niệm không bao giờ nguôi quên: “Tôi cùng đại đội với chị Dung. Chị em sống gắn bó với nhau thân thiết. Hằng ngày, chúng tôi lên mặt đường từ sáng sớm, nhưng hôm đó tôi ở lại quét dọn nhà cửa. Máy bay Mỹ thả bom bất ngờ, chị Dung và chị Nhường, tiểu đội trưởng của tôi đã trúng bom. Nay đưa được chị về gần với người thân, gần đồng đội, tôi rất mừng”.

Ít ai biết được rằng, phải mất mấy năm liền, Ban Liên lạc Đội N43 mới hoàn tất được thủ tục để đưa liệt sĩ Nguyễn Thị Dung về quê nhà. Không quản ngại đường sá xa xôi, tuổi cao sức yếu, bà Vịn, ông Thảo cùng những đồng đội khác đã nỗ lực hoàn thành các thủ tục để đưa đồng đội của mình về Hà Nội. “Mỗi phần mộ tìm thấy không chỉ mang lại niềm vui cho thân nhân đồng đội mà còn là hạnh phúc bản thân, lòng tôi cũng thanh thản”, ông Thảo bày tỏ. Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung là người thứ 47/48 trong Đội N43 được đưa về quê hương.

Xúc động trước sự tận tâm của các cựu thanh niên xung phong Đội N43, anh trai liệt sĩ Nguyễn Thị Dung, ông Nguyễn Văn Thư (85 tuổi) bày tỏ: “Hành trình đưa em gái tôi về quê mẹ suôn sẻ, trang trọng. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn và trân quý nghĩa tình này. Tôi đã thỏa ước nguyện trước khi nhắm mắt”.

Gần 50 năm đất nước trọn niềm vui, mùa thu này, những cựu thanh niên xung phong Thủ đô đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, người còn, người mất. Nhưng ký ức về một thời đạn bom với tình cảm đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn, cùng “vào sinh, ra tử” vẫn còn mãi. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, tháng 8, họ lại cùng nhau tới Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, thắp cho đồng đội nén hương thơm. Đó cũng là việc làm trọn tình, vẹn nghĩa, tri ân những người đã ngã xuống cho Tổ quốc tươi đẹp hôm nay. Với họ, lời thề "Ba sẵn sàng" vẫn luôn được giữ trọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ trọn lời thề “Ba sẵn sàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.