(HNMĐT) - 3 mặt trăng mới nhất xoay quanh sao Thổ vừa được khám phá bởi tàu vũ trụ Cassini đã được tạm đặt tên.
Hai mặt trăng được phát hiện hồi tháng 8 năm ngoái đã được đặt tên là Methone và Pallene, còn một mặt trăng khác được tìm ra hồi tháng 10 cũng vừa được tạm đặt tên là Polydeuces.
3 vật thể còn lại vẫn đang nằm trong danh sách chờ để được xác nhận xem có đúng là mặt trăng không.
Methone và Pallene quay xung quanh sao Thổ giữa quỹ đạo của hai mặt trăng khác của sao Thổ là Mimas và Enceladus. Chúng được Sebastien Charnoz thuộc trường Đại học Paris, Pháp, phát hiện ra.
Polydeuces được Giáo sư Carl Murray thuộc trường Đại học London, Anh tìm ra.
Vật thể cuối cùng này là một ví dụ của cái gọi là mặt trăng Trojan, nó là anh em sinh đôi với một vệ tinh lớn hơn trong quỹ đạo quay xung quanh hành tinh này.
Những mặt trăng Trojan được tìm thấy ở những điểm Lagrange, nơi mà trọng lực của hành tinh này với vệ tinh lớn hơn cân bằng nhau.
Trojan nằm ở 60 độ về phía trước hoặc phía sau mặt trăng lớn hơn trong quỹ đạo của nó (trong trường hợp của mặt trăng Polydeuces, mặt trăng lớn hơn là Dione).
"Không giống như Helene, một mặt trăng Trojan khác của Dione, Polydeuces có thể tiến gần tới 39 độ so với Dione và sau đó rời ra xa khỏi Dione tới 92 độ, mất 2 năm để hoàn thành một vòng quanh điểm Lagrange", giáo sư Murray cho biết. "Khoảng cách của sự lệch hướng này là khoảng cách lớn nhất mà con người đã phát hiện ra trong số những mặt trăng Trojan".
Hai vật thể khác được phát hiện hồi tháng 6 có tên gọi là S/2004 S3 và S/2004 S4 vẫn đang chờ để được xác minh xem có đúng là mặt trăng hay không. Một "ứng cử viên" mặt trăng khác là S/2004 S6 cũng được phát hiện hồi tháng 10.
Giáo sư Murray giải thích, kể từ khi được phát hiện đến nay, các nhà khoa học không nhìn thấy S/2004 S4 nữa nhưng họ lại nhìn thấy S3 hồi tháng 10.
Tàu vũ trụ Cassini đã đáp xuống sao Thổ vào tháng 6-2004 và đặt một tàu thăm dò không người lái lên mặt trăng Ttan vào ngày 14-1-2005. Chuyến thám hiểm của con tàu Cassini-Huygens trị giá 3,2 tỷ USD này tới sao Thổ cùng các vệ tinh của nó là dự án hợp tác giữa Hãng hàng không vũ trụ Mỹ (Nasa), Hãng hàng không vũ trụ châu Âu (Esa) và Hãng hàng không vũ trụ Italia (Asi).
H.V (Theo BBC)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.