Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “lỗ hổng” của bảo hiểm thất nghiệp

Kim Vũ| 20/10/2011 06:59

(HNM) - Người lao động (NLĐ) nghỉ việc "ảo" để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn doanh nghiệp thì đồng lõa với NLĐ để trục lợi. Tình trạng này đã thấy rõ trong khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay.

Thất nghiệp "ảo" tăng bất thường

Thống kê cho thấy, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số thu là 3.510 tỷ đồng. Năm 2010 là 7,05 triệu người, nâng số thu lên 4.800 tỷ đồng. Đến đầu tháng 6-2011, có 7,4 triệu người tham gia BHTN. Riêng ở Hà Nội, theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 9-2011, đã có 10.458 NLĐ đến đăng ký hưởng BHTN, trong khi cả năm 2010 chỉ có 4.192 người đăng ký. Còn tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, có trên 70.000 NLĐ đăng ký thất nghiệp, trong khi cả năm 2010 là 67.000 người.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐO

Theo Bộ LĐ, TB&XH thì số người đăng ký BHTN gia tăng một cách bất thường. Đánh giá về tình trạng này, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc gia tăng số lượng người đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngoài lý do khó khăn về kinh tế, còn có hiện tượng đăng ký BHTN để trục lợi. Theo quy định, mức đóng bảo hiểm tự nguyện với người sử dụng lao động là 1%, NLĐ là 1% và nhà nước hỗ trợ 1%. NLĐ chỉ cần đóng đủ 12 - 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Do mức đóng rất thấp nên nhiều NLĐ không thất nghiệp vẫn đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ví dụ: NLĐ có mức lương 2 triệu đồng/ tháng phải đóng 24.000 đồng/năm tiền BHTN, doanh nghiệp đóng 24.000 đồng/ năm. Nếu bị mất việc, nghỉ việc, doanh nghiệp không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/ năm (1 triệu đồng) và NLĐ được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng x 60% lương (3,6 triệu đồng). Rõ ràng cả doanh nghiệp và NLĐ đều có lợi từ chính sách BHTN.

Hơn nữa, NLĐ đã chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này nhưng một thời gian ngắn lại tiếp tục trở lại doanh nghiệp đó làm việc hoặc làm việc tại doanh nghiệp khác nhưng vẫn được thanh toán BHTN. Như vậy, đã có kẽ hở để NLĐ và doanh nghiệp thực hiện hành vi trục lợi, số lượng thất nghiệp ảo cũng vì đó tăng lên theo cấp số nhân. Có nhiều trường hợp NLĐ và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau ra quyết định nghỉ việc cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng trên thực tế người đó vẫn làm việc, hưởng lương. Như vậy, cả doanh nghiệp và NLĐ đều có lợi vì doanh nghiệp không phải đóng BHXH, BHTN cho NLĐ, còn những người này vẫn được hưởng lương và trợ cấp thất nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa hợp lý khiến nhiều NLĐ sau một năm làm việc sẽ nghỉ việc tạm thời, sau đó đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp. Trong khi đó, người thất nghiệp thực sự tại các doanh nghiệp phá sản (thường xuyên nợ đọng BHXH, BHTN) lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ.

Cần rà soát lại chính sách

Theo ông Điều Bá Được - Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), sự gia tăng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, thay đổi cơ cấu lao động. Hiện tượng thất nghiệp "ảo" cũng khiến gia tăng lượng người đóng BHTN. Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, khoảng 10% số lượng người đăng ký thuộc diện thất nghiệp "ảo".

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH thừa nhận những vấn đề nảy sinh sau khi triển khai chính sách về BHXH và các quy định về BHTN. Theo ông Hòa, việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cần được rà soát lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Sở dĩ có việc trục lợi là do chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe nên khi doanh nghiệp nợ BHXH, quy định phạt nộp chậm chỉ tính mức lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng nên dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để không đóng BHTN. Thậm chí có doanh nghiệp bị kiện ra tòa do không đóng BHXH và BHTN nhưng vẫn tiếp tục chây ì. Bên cạnh đó, ông Hòa cho rằng các cơ quan cần đánh giá lại hiệu quả việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm để tránh tình trạng NLĐ cứ trông chờ vào việc hưởng BHTN mà không làm việc ổn định tại doanh nghiệp, tạo hiệu quả kém cho thị trường lao động hiện nay.

Đầu tháng 10-2011, Công an phường Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây làm giấy tờ, con dấu giả về BHTN với nhiều bản sao (đã ký tên và đóng dấu giả). Đây là một trong những bằng chứng quan trọng cho thấy việc lợi dụng chính sách BHTN của Nhà nước để trục lợi đã bắt đầu lan rộng . Vì vậy, đã đến lúc cần phải có những chế tài quyết liệt hơn để điều chỉnh Luật BHTN cũng như có những xử phạt mạnh tay với những kẻ vi phạm pháp luật để trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “lỗ hổng” của bảo hiểm thất nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.