Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những liều ''vắc xin tinh thần'' quý giá giữa đại dịch

Nhóm phóng viên| 30/07/2021 13:11

(HNMO) - Tính đến sáng 30-7, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 36.378 bệnh nhân Covid-19; có 847 bệnh nhân nặng phải thở máy, 14 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Trong ngày 29-7, có thêm 3.131 bệnh nhân xuất viện. Cùng với việc tăng cường điều trị các ca nhiễm, thành phố Hồ Chí Minh còn tăng cường chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh và đội ngũ nhân viên y tế đang ngày đêm căng sức chống dịch.

Các ca sĩ hát phục vụ bệnh nhân trong chiều mưa 29-7.

Liều "vắc xin tinh thần" quý giá

Chiều 29-7, hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4 đã được thưởng thức một buổi văn nghệ đặc biệt. Dưới sân bệnh viện, các ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại, Lê Minh MTV, Ngọc Linh, Khánh Linh... và các nghệ sĩ, đạo diễn cùng MC Phương Hoa cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang vận hành bệnh viện dã chiến đã hát hết bài này đến bài khác. Trên các ban công, những bệnh nhân Covid-19 nhún nhảy hát theo, vòng tay làm thành hình tim cảm ơn các nghệ sĩ, bác sĩ. Những tiếng động viên “hát nữa đi, hát nhiều vào nhé…” từ phía bệnh nhân làm các nghệ sĩ thêm động lực biểu diễn phục vụ.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Chúng tôi có một buổi dầm mưa ấm áp. Tôi cũng tham gia hát. Những lời ca điệu nhạc như liều vắc xin tinh thần quý giá cho các bệnh nhân và cho chính nhân viên y tế chúng tôi. Cảm ơn các nghệ sĩ đã cháy hết mình trong buổi biểu diễn đặc biệt này”.

 3 thế hệ gia đình chị Điệp được xuất viện.

Những liều vắc xin tinh thần đến đúng lúc, có thể giúp các bệnh nhân Covid-19 vượt qua những thử thách sinh tử. Trường hợp gia đình 3 thế hệ của chị Nguyễn Thị Điệp cùng nhiễm Covid-19, trong đó có mẹ già hơn 85 tuổi, là một ví dụ điển hình. Chị vừa cùng 4 con và mẹ đẻ kết thúc 2 tuần điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6, trở về nhà tại thành phố Thủ Đức.

Gia đình chị Điệp có 7 người thì 6 người nhiễm Covid-19. Duy nhất chồng chị âm tính với SARS-CoV-2. Đáng lo nhất trong số những người nhiễm bệnh là mẹ chị Điệp, 85 tuổi, có bệnh nền huyết áp tim mạch. Tuy nhiên, chị Điệp lại là người trở bệnh nặng nhất, liên tục ho, sốt, khó thở.

“Các bác sĩ đã động viên tôi rất nhiều để tôi không bỏ bữa, không buông xuôi trước bệnh dịch. Các bác sĩ còn chăm sóc cho các con và mẹ tôi, để tôi yên tâm điều trị. Bên ngoài, chồng tôi luôn động viên, khích lệ tinh thần. Anh và các bạn còn lập quỹ từ thiện hàng trăm triệu đồng, cứu trợ các bệnh nhân và người dân gặp khó khăn khác ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Cuối cùng, cả gia đình tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Điệp tâm sự.

Tình nguyện viên cắt tóc cho các bác sĩ tuyến đầu.

Ngày 29-7, tại Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, 3 tình nguyện viên là những thợ cắt tóc chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố, đã xung phong phục vụ các y, bác sĩ. Chương trình dự kiến kéo dài đến hết ngày 5-8. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, những thợ cắt tóc sẽ được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ 2 ngày/lần. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện tham gia phân bố thời gian để bảo đảm chỉ có 2 người cắt và 2 người ngồi đợi để bảo đảm thực hiện tốt giãn cách. Quy tắc "5K" luôn được tuân thủ tuyệt đối.

Sau gần 20 phút cắt tóc, Thạc sĩ điều dưỡng Phạm Ngọc Thạch - Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu chia sẻ: “Việc mặc đồ bảo hộ suốt ngày, trong khi mái tóc dài vướng víu, khiến nhiều nhân viên y tế cảm thấy rất khó chịu. Nay được bệnh viện và các tình nguyện viên tổ chức cắt tóc tại chỗ, tôi và mọi người rất vui. Xin cảm ơn những việc làm thiết thực”.

 Sau ca trực, anh Nguyễn Đình Hoàng gọi điện động viên vợ chưa cưới nơi quê nhà Phú Thọ.

Trân quý những tấm lòng

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và nhân viên y tế cả nước xung phong vào miền Nam đang trên tuyến đầu phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, tầng thứ 5 của tháp điều trị 5 tầng, nơi các bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao được điều trị. Ngày đêm chiến đấu với tử thần, các anh chị đã nỗ lực vượt khó khăn, tạm dẹp tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung.

 Đôi bạn trẻ giờ đây lại cùng nhau trên tuyến đầu chiến đấu với bệnh dịch.

Đó là câu chuyện của kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Đình Hoàng (tỉnh Phú Thọ), người vừa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn được 10 ngày thì tình nguyện lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Ngày chia tay vợ lên đường nhận nhiệm vụ, anh hứa sẽ giữ gìn sức khỏe để ngày trở về có thể tận tay mua tặng vợ chiếc váy cô dâu thật đẹp.

Đó là sự lo âu rất đời thường của chàng trai trẻ giấu tên với cô bạn gái của mình, khi biết tin bạn gái cũng có mặt trong đội hình chống dịch, dù trước đó, hai người có hẹn với nhau rằng chỉ mình anh trên tuyến đầu, cô ở lại tuyến sau khích lệ, động viên người tiền tuyến hoàn thành nhiệm vụ.

Anh tâm sự: “Bạn gái em chỉ báo tin vài tiếng trước khi cô ấy lên xe đến bệnh viện tăng cường cho đồng nghiệp. Em lo lắm. Mình em chăm bệnh nhân là được rồi. Nhưng hiện tại như thời chiến, nhân viên y tế như chiến sĩ, khi cần là ra trận. Giờ em và bạn gái lại được sát cánh trong khu Hồi sức ICU 2A - khu bệnh nặng hồi sức tích cực của bệnh viện. Tụi em thật hạnh phúc…”.

Bé trai chào đời giữa tâm dịch.

Giữa tâm dịch, mầm sống vẫn sinh sôi. Trưa 28-7, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) đã vỡ òa trong cảm xúc vui mừng, khi phối hợp mổ bắt con thành công cho sản phụ là chị L.T.H.T, 39 tuổi là người bệnh mắc Covid-19.

Trước đó, ngày 24-7, chị L.T.H.T đang mang thai tuần thứ 34 đã được chuyển đến điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và có dấu hiệu bệnh chuyển nặng. Đến sáng 28-7, chị T bị suy hô hấp, tim thai 180 lần/phút và có dấu hiệu suy thai. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Từ Dũ đã nỗ lực biến một phòng bệnh thành gần như một phòng sinh.

Sau gần một giờ khẩn trương, chờ đợi, một bé trai kháu khỉnh nặng khoảng 2kg đã chào đời trong niềm vui tột cùng của tất cả các y, bác sĩ đang có mặt ở khoa. Ca mổ đã diễn ra hết sức thành công, cả mẹ và bé đều an toàn, sức khỏe ổn định. Bé trai sau đó được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ để tiếp tục theo dõi. “Chính con đã truyền năng lượng tích cực cho chúng tôi để tiếp tục cuộc chiến với dịch bệnh”, một bác sĩ tham gia kíp mổ tâm sự.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những liều ''vắc xin tinh thần'' quý giá giữa đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.