Giáo dục

Chung sức, sẻ chia trách nhiệm vì học sinh thân yêu

Bài và ảnh: Thống Nhất 04/11/2024 - 06:10

Qua gần 2 năm triển khai, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đã từng bước cho thấy hiệu quả về chất lượng học tập cũng như những đổi thay về diện mạo của nhiều ngôi trường ở vùng khó khăn.

Khởi nguồn từ sự kết nối tự phát, phong trào đã lan tỏa, gắn kết trường với trường, nhà giáo với nhà giáo để cùng chung sức, sẻ chia trách nhiệm với mục tiêu cao nhất là vì học sinh thân yêu.

khen-hsg-quoc-gia-2023-2024.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trao quà động viên học sinh Thủ đô tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Lan tỏa nét đẹp nhà giáo Hà Nội

Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động từ tháng 12-2022 trong toàn ngành. Ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn thành phố cho thấy, đến nay, nội dung này không chỉ dừng lại ở một phong trào, mà trở thành nhu cầu, là nếp quen tự thân của mỗi nhà giáo, ở từng trường học.

Chia sẻ về lý do triển khai, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thực tế tại các trường học có rất nhiều mô hình, sáng kiến hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp và tạo điểm tựa, động lực cho học sinh khó khăn yên tâm học tập. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành mong muốn những hoạt động này thêm lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp, đồng thời nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường khang trang, an toàn. Cùng với các giải pháp đã và đang triển khai, đây là giải pháp mới nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi nhà giáo, từng nhà trường để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học, giáo dục học sinh, đồng thời góp phần giảm khoảng cách về điều kiện, chất lượng giữa các trường học ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Thực tế không phải cứ trường học ở quận thì không có khó khăn và ngược lại, nhiều trường ở địa bàn huyện lại có những sáng kiến, mô hình hay để nhân rộng. Điển hình như phong trào “Tiếng trống học bài”, khởi nguồn từ một số trường học ở huyện Ba Vì, nay đã được nhân rộng ở nhiều nơi, góp phần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho việc học tập của học sinh. Trong khi đó, với thế mạnh về việc xã hội hóa, nhiều trường học ở địa bàn quận đã huy động sự góp sức của các “mạnh thường quân” và của chính các nhà giáo để nhận nuôi, đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện.

Theo ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, nhiều năm trước, Hà Nội là nơi khởi nguồn của phong trào “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Giai đoạn này, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, đội ngũ giáo viên Hà Nội tiếp tục lan tỏa nét đẹp về lòng nhân ái, nêu cao tinh thần trách nhiệm để học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn.

Rút ngắn khoảng cách về chất lượng

Là một trong những cặp đơn vị tiên phong hưởng ứng, ngành Giáo dục quận Cầu Giấy và huyện Phúc Thọ đã ký kế hoạch thực hiện phong trào đến năm 2025 với lộ trình, đầu việc cụ thể. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn cho thầy, cô giáo trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy Đoàn Tiến Trung, gần 2 năm qua, 2 đơn vị đã có nhiều hoạt động kết nối, giúp giáo viên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm dạy học, nhất là với các môn học như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý (cấp trung học cơ sở), tiếng Anh, tin học và công nghệ (cấp tiểu học)... Từ nguyện vọng thực tế ở từng thời điểm, 2 bên tổ chức nhiều hội thảo, sinh hoạt chuyên đề có sự tham gia của các chuyên gia để giải đáp thắc mắc, gỡ khó cho giáo viên khi dạy các môn học mới hoặc giải quyết các tình huống sư phạm phát sinh...

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Đào Thị Hoa chia sẻ, cô học hỏi được nhiều từ đồng nghiệp các trường ở Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình... trong triển khai đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài kiểm tra theo yêu cầu của chương trình mới, ở các môn học mới. “Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới, tôi rất mong tiếp tục được tạo điều kiện để học hỏi các đơn vị có kết quả tuyển sinh hằng năm cao về phương pháp dạy học, ôn tập cho học sinh cũng như có thêm giải pháp hỗ trợ các em học tập hiệu quả” - cô giáo Đào Thị Hoa bày tỏ.

Nhằm gỡ khó cho giáo viên các trường trung học phổ thông khi chuẩn bị hành trang cho học sinh lớp 12 sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm sau, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức các lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm lan tỏa các giờ học hay, do các giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm thực hiện. Em Cao Thái Sơn, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, em và các bạn được một số giáo viên giỏi của quận Tây Hồ trực tiếp đến trường dạy. Các tiết học được kết nối trực tuyến tới nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố khiến học sinh thêm hào hứng, khí thế và luôn cố gắng tận dụng lợi thế này để có thể hỏi cô giáo về phương pháp học tập, cách thức tự ôn luyện hiệu quả.

Việc phân công giáo viên giỏi về các trường học ở địa bàn huyện, ở trường vùng xa để trực tiếp dạy học sinh và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp nơi đó là cách làm đang được Hà Nội nhân rộng. Các tiết học này được kết nối trực tuyến tới hàng trăm lớp học của hơn 100 trường công lập và nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố, giúp cả cô và trò của các đơn vị có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong dạy, học và đáp ứng tốt các yêu cầu mới của kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ nhà trường, đồng nghiệp trong thành phố, một số đơn vị ở Hà Nội đã lan tỏa phong trào tới tỉnh bạn với mong muốn cùng gánh đỡ đồng nghiệp những phần việc còn đang vướng. Năm học 2023 - 2024, hơn 200 thầy, cô giáo thuộc 122 trường của thành phố Hà Nội đã hỗ trợ dạy hơn 2.100 tiết học trực tuyến môn tiếng Anh cho 17 trường học của tỉnh Yên Bái. Hà Nội cũng tạo điều kiện để giáo viên, học sinh lớp 12 của tỉnh Yên Bái sử dụng miễn phí tài khoản ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên ứng dụng Hanoi On. Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, do điều kiện tỉnh miền núi còn nghèo, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên đội ngũ nhà giáo của tỉnh chưa đáp ứng được số lượng theo yêu cầu, nhất là với môn tiếng Anh. Sự hỗ trợ của các trường học ở Hà Nội đã góp phần tạo chuyển biến về kết quả học tập môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của học sinh tỉnh Yên Bái.

Lấp đầy những “khoảng trống” về điều kiện dạy học, tạo diện mạo mới cho các nhà trường, cũng như tạo động lực để học trò thêm nỗ lực học tập là nét đẹp của mỗi nhà giáo Hà Nội đang được lan tỏa thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức, sẻ chia trách nhiệm vì học sinh thân yêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.