(HNM) - Trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ I, Nga hoàng đã cho chở sang nước Anh một khối lượng vàng rất lớn để mua tàu chiến, súng ống, đạn dược và trang thiết bị quân sự khác. Thương vụ vũ khí này đã được quan chức quân sự cao cấp hai bên ký kết.
Khoản thanh toán của Nga, theo quy định của hai phía, là những đồng tiền đúc bằng vàng 5 và 10 rúp của Nga cùng với vàng thỏi với ước tính lúc đó, một đồng tiền vàng của Nga hoàng trị giá khoảng 11 USD tại thị trường Luân Đôn.
Những cuộc vận chuyển vàng từ Nga sang Anh được bắt đầu vào tháng 10-1914, khi 75,1 triệu đồng tiền vàng của Nga hoàng được chở đến Anh qua ngả Arkhangelsk trên chiếc tàu Drake. Tháng 12-1915, Nga hoàng lại cho vận chuyển 375 triệu đồng tiền vàng trên những chiếc tàu thuê của Nhật Bản đến Luân Đôn qua ngả Vladivostok và Canađa. Đến năm 1916, hai đợt vận chuyển vàng nữa đã được thực hiện trong tháng 6 và tháng 11, trên các tàu của Nhật Bản đến Luân Đôn qua ngả Vladivostok, Canađa và Mỹ. Lần này, khối lượng vàng không được biết rõ. Theo ước tính, tổng khối lượng của những đợt vận chuyển trên trị giá tương đương 200 triệu bảng Anh.
Để mua vũ khí cho cuộc chiến, nhiều đồng rúp vàng và vàng thỏi vẫn liên tục từ Nga chảy ra nước ngoài. Sau khi Nga hoàng Nichola II thoái vị ngày 2-3-1917, Chính phủ lâm thời của Alexandơ Kerensky lên nắm quyền đã tiếp tục những cuộc vận chuyển vàng quy mô sang nước Anh để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự. Tháng 5-1917, 187 triệu đồng tiền vàng của Nga lại được chở đến Luân Đôn. Sau đó, đến tháng 10-1917, Chính phủ Nga cho vận chuyển 4,85 triệu đồng tiền rúp vàng từ Xanh Petécbua, nhưng lần này đích đến là Xtốckhôm trên những chiếc tàu của Thụy Điển.
Theo số liệu được công bố, trong Chiến tranh Thế giới thứ I, Nga hoàng và Kerensky đã vận chuyển sang nước Anh và Thụy Điển khoảng 200 tấn vàng. Ngoài ra, những đồng rúp vàng và các thỏi vàng từ nước Nga còn được đưa sang những nước khác như Pháp, Mỹ, Nhật, Séc và Trung Quốc. Điều đáng nói, tuy đã nhận đủ số vàng được hai bên thỏa thuận, nhưng Luân Đôn đã không chuyển giao cho Nga đủ số vũ khí như đã được quan chức quân sự cao cấp hai bên ký kết. Đến tháng 3-1917, Nga hoàng chỉ nhận được khoảng từ 20% đến 25% số vũ khí và trang thiết bị quân sự đã thỏa thuận và sau đó Chính phủ mới của Kerensky không nhận được thêm vũ khí đã mua từ nước Anh. Sau đó, cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra, các ngân hàng tại Luân Đôn đã giữ lại 2/3 số vàng không trả lại cho chính quyền Xô Viết vì cho rằng thương vụ đã kết thúc.
Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ I đến nay, Liên Xô (cũ) và Nga đã nỗ lực tìm cách thu hồi lại kho vàng khổng lồ nằm rải rác ở các quốc gia kể trên. Trong khi đó, Anbani và một số nước Bantích thuộc Liên Xô trước đây đã đòi lại được số vàng của họ bị đưa sang Anh. Vì vậy, mong mỏi một ngày nào đó Nga thu hồi lại được số vàng bị thất thoát từ thời Nga hoàng không phải là điều quá xa xôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.