Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hy sinh thầm lặng

Quỳnh Dương| 19/02/2022 17:44

(HNNN) - Bùng phát và kéo dài suốt hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thách thức hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong “cuộc chiến” chống lại kẻ thù chung này, hàng triệu y, bác sĩ đã bất chấp nguy hiểm, nỗ lực ngày đêm, cống hiến không mệt mỏi với mong muốn bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Đội ngũ y tế đã phải gánh chịu những áp lực lớn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo số liệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, trong giai đoạn khó khăn nhất của “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến tháng 5-2021, trên toàn thế giới có khoảng 80.000 - 180.000 nhân viên, lao động làm việc trong lĩnh vực y tế có thể đã mất đi tính mạng.

Để đối phó với đại dịch toàn cầu, đội ngũ y, bác sĩ phải đương đầu với những áp lực chưa từng có, nhất là tình trạng thiếu nhân lực, trang thiết bị bảo hộ và thuốc men điều trị. Trong số những “chiến sĩ áo trắng” đã ngã xuống trên tuyến đầu chống dịch, không thể không kể đến bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 khi còn đang làm tại bệnh viện tại Vũ Hán vào ngày 30-12-2019. Chỉ hơn 1 tháng sau đó, anh đã qua đời vì chính loại vi rút này. Đến nay, tài khoản trên mạng xã hội Weibo của bác sĩ Lượng vẫn luôn nhận được những lời tri ân của cộng đồng.

Tiếp theo là Tiến sĩ, bác sĩ người Italia Roberto Stella, người đã qua đời vào ngày 10-3-2020. Giống như các anh hùng khác, bác sĩ Stella đã nhiễm vi rút trong khi điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện Como vào thời điểm Italia đang nằm trong “tâm chấn” của dịch bệnh. Tại Pháp, bác sĩ Jean-Jacques Razafindranazy được ghi nhận là nhân viên y tế Pháp đầu tiên ngã xuống vì đại dịch Covid-19. Ở tuổi 68, mặc dù đã nghỉ hưu song ông vẫn tình nguyện cùng các đồng nghiệp đối mặt với hiểm nguy. Còn rất nhiều cái tên khác như bác sĩ trẻ người Pakistan Usama Riaz (26 tuổi), bác sĩ Adil El Tayar (Anh), nữ bác sĩ Shirin Rouhani (Iran)… thường xuyên được nhắc đến như những tấm gương quên mình để bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho bệnh nhân.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do báo Bưu điện Washington mới công bố, lo lắng, kiệt sức, các quy tắc an toàn thay đổi liên tục và việc phải mang quần áo bảo hộ trong nhiều giờ là những yếu tố mà đội ngũ y tế cho là khó khăn nhất khi làm việc ở tuyến đầu của đại dịch. Công việc của họ đã cứu sống vô số người nhưng lại gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe bản thân. 62% phiếu thăm dò cho rằng, lo lắng hoặc căng thẳng liên quan đến Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. 55% cảm thấy kiệt sức khi phải làm việc liên tục.

Nhớ lại những ngày dịch Covid-19 xuất hiện, một nữ bác sĩ người Brazil cho biết: “Việc phải đối mặt với cái chết hằng ngày ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của chúng tôi. Công việc của tôi chủ yếu tại khu cấp cứu tại bệnh viện Getulio Vargas, Manaus. Vào thời điểm bệnh nhân trở nên quá tải, tôi và các đồng nghiệp buộc phải đứng trước lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời, đó là chọn ai được đặt máy thở. Điều đó đồng nghĩa với việc đưa những bệnh nhân không được đặt máy thở đến gần hơn với lưỡi hái tử thần. Đây là một áp lực lớn mà chúng tôi phải cố gắng vượt qua trong thời gian dài. Không chỉ chứng kiến sự ra đi của các bệnh nhân, chúng tôi còn phải chịu đựng nỗi đau khi mất đi các đồng nghiệp và nỗi lo người nhà bị nhiễm vi rút từ bản thân mình. Có thể nói, những gì mà dịch Covid-19 gây ra cho thế giới này còn tồi tệ hơn cả một cuộc chiến”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Siddharth Chatterjee, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Trung Quốc cho biết, trong 1 năm đầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ nhân viên y tế trên khắp thế giới phải đối mặt với khối lượng công việc chưa từng có trong tình trạng được bảo vệ kém và phải làm việc quá sức. Căng thẳng và hoang mang dường như không có điểm kết thúc vì khi đó chúng ta có quá ít thông tin về loại vi rút này. Ở châu Phi và các nước nghèo, điều kiện bảo hộ cho nhân viên y tế còn tồi tệ hơn. Tuy nhiên, giống như những người lính, các bác sĩ, y tá, nhân viên điều dưỡng phải giữ vững một tinh thần thép để vượt lên nỗi đau khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, vượt qua nỗi sợ hãi bị mắc Covid-19  khi hằng ngày phải tiếp xúc với hàng ngàn ca nhiễm bệnh.

Đến thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát nhờ có vắc xin, chúng ta lại không ít lần được chứng kiến hình bóng những chiếc áo trắng vượt qua lũ lụt, băng tuyết, xuất hiện ở những khu vực xa xôi hẻo lánh để tiêm phòng cho người dân. Sự hy sinh của họ là vô giá, họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh của nhân loại. Một trong số bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 là phải củng cố hệ thống y tế toàn cầu. Cải thiện và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất sẽ giúp các bác sĩ, y tá có thể phát huy thế mạnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời hạn chế những rủi ro cho họ trong quá trình cứu chữa bệnh nhân. “Chúng ta phải cung cấp cho những nhân viên y tế tất cả sự hỗ trợ cần thiết để họ làm công việc của mình, được an toàn và sống sót. Theo tôi, đây là cách tri ân có ý nghĩa nhất” - ông Siddharth Chatterjee nhấn mạnh.

Nhìn chung, sự hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” của các “chiến sĩ áo trắng” là không thể đong đếm. Suốt hơn 2 năm qua, họ luôn nỗ lực hết mình vì mục tiêu chiến thắng dịch bệnh và đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những hy sinh thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.