(HNM) - Hôm qua (13-5), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bắt đầu chuẩn bị cho đại lễ cầu siêu cho binh phu Hoàng Sa và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Bến cảng vắng bóng tàu xa bờ.
9h sáng, chuyến tàu từ cảng cá Sa Kỳ thành phố Quảng Ngãi cập bờ Lý Sơn, với hơn trăm khách từ đất liền đến với huyện đảo. Người ta mang theo vật dụng cần thiết cho những chuyến ra khơi của ngư dân trong những ngày sắp tới, hàng hóa phục vụ cuộc sống thường nhật trên đảo Lý Sơn… Có cả những người vợ bồng con nhỏ ra đảo thăm chồng vừa từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về.
Hàng loạt tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã được sửa chữa và sẵn sàng ra khơi. |
Hơn ba cây số xe chạy ven bờ biển tuyệt đẹp và hiền hòa dẫn chúng tôi vào trung tâm huyện đảo, lướt qua những công trình kiến tạo cuộc sống của người Lý Sơn đang độ hoàn thành, những ruộng hành kéo ra tận mép biển vừa qua mùa thu hoạch thứ hành tím có vị rất riêng thấp thoáng trong hiên nhà dân ở xã An Hải, một trong hai xã ở đảo lớn Lý Sơn. Chủ tịch Nghiệp đoàn đánh cá xã An Hải, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Chinh đón nhóm phóng viên Báo Hànộimới trong dãy nhà nhỏ nép bên hàng roi đang cho quả chín mọng, nhà trên nhà dưới san sát các loại giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Về tình hình hoạt động của các tổ, đội trong nghiệp đoàn trên ngư trường Hoàng Sa trong những ngày "biển động" vừa qua, ông Nguyễn Quốc Chinh nói: "Chúng tôi theo dõi tình hình của từng tàu một, qua từng ngày một để có báo cáo và phương án giúp đỡ ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa".
Ngày ở Đà Nẵng, chúng tôi đã thấy hình ảnh người dân dàn hàng trên cây cầu bắc qua đoạn sông có cầu cảng của Tổng Công ty Sông Thu (quận Sơn Trà) để được tận mắt chứng kiến hai chiếc tàu số hiệu CSB 2012 và 4033 trở về sau những ngày anh dũng đối đầu với những con tàu hung hãn của Trung Quốc. Bây giờ, ở Lý Sơn, là những câu chuyện về chiến công bám biển bằng mọi giá để giữ chủ quyền lãnh hải, giữ ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Mở cuốn sổ ghi chép về tình hình ngư dân An Hải được cập nhật hằng ngày, ông Nguyễn Quốc Chinh nói với chúng tôi: "Mấy anh ra cảng thì sẽ rõ. Mấy chục tàu đánh bắt xa bờ của An Hải cùng hơn ba trăm ngư dân theo tàu giờ đều đang ở ngoài Hoàng Sa rồi, trong đó có các thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh, Dương Văn Giàu, Nguyễn Trí, Phùng Thanh Được, Nguyễn Khởi... Họ về rồi lại đi, bất chấp tàu Trung Quốc tìm mọi cách tấn công, bắt bớ".
Từ đầu năm 2014 đến nay, tàu của người dân hai xã An Hải, An Vĩnh liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công trên biển Hoàng Sa. Thủ đoạn của phía Trung Quốc ngày càng hiểm độc, mục tiêu là triệt phá sinh kế để ngư dân Việt Nam, khiến ngư dân phải bỏ ngư trường. Họ tấn công những tàu cá đơn lẻ, phá phương tiện để tàu ta không thể liên lạc với bờ và các thành viên trong tổ đội, sau là thu giữ hoặc đổ cá xuống biển. Đằng sau những cái tên mà ông Vũ Quốc Chinh kể ra đều có một câu chuyện xứng đáng được trân trọng. Bởi mỗi người đều là một tấm gương dũng cảm bám biển mưu sinh, giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mặc cho tàu Trung Quốc tìm mọi cách phá hoại. Chẳng hạn như ngày đầu năm mới 2014, tàu mang số hiệu QNg - 96679 của Thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh và 15 ngư dân theo tàu đã bị tàu Trung Quốc đâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Báo cáo của Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải về vụ việc này giờ vẫn còn được lưu lại. "Sáng ngày 31-12-2013, tàu của thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh xuất bến từ vũng neo thuộc xã An Hải, đi khai thác thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Khoảng 8h ngày 1-1-2014, tàu đến nơi. Đến 11h cùng ngày, thuyền trưởng Thanh phát hiện một tàu màu trắng có chữ Trung Quốc và số 2, chưa kịp di chuyển thì lại thấy thêm một tàu Trung Quốc nữa, mang số hiệu 64104. Cả hai tàu này lao vào tấn công tàu của ông Bùi Ngọc Thanh. Lúc này, tàu của ông Thanh liên tục dùng máy ICOM liên lạc với Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải và Bộ đội Biên phòng Lý Sơn. Đến 13h thì tàu số 2 của Trung Quốc đâm thẳng vào tàu, khi tàu QNg - 96679 nghiêng ngả, sắp lật thì phía Trung Quốc dùng ca nô đỏ số 306 áp sát, một số người Trung Quốc nhảy lên tàu, dùng dùi cui điện trấn áp, bắt người, cướp sạch tài sản và phương tiện liên lạc trước khi bỏ đi…". Ngày hôm ấy, không thể chấp nhận trắng tay trước hành vi bạo ngược của phía Trung Quốc, ngư dân tàu QNg - 96679 đã xông thẳng vào đảo lớn ở Hoàng Sa không chút ngại ngần, mặc cho phía Trung Quốc dùng ca nô đẩy ra.
Ngư dân Lý Sơn gặp "tàu ăn cướp" như cơm bữa, đến mức ngay cả khi tàu của Trung Quốc đổi số hiệu mà họ vẫn nhận ra. Nhiều thuyền trưởng kể rằng, họ biết chắc tàu số 2 trước đây mang số hiệu 306, chính là chiếc tàu đã đâm nhiều tàu Lý Sơn. Như vào ngày 9-1-2014, tại quần đảo Hoàng Sa, chính chiếc tàu này cùng ca nô 306 đã tấn công tàu QNg - 95739 của thuyền trưởng Phùng Quang Thạnh và 12 thuyền viên, dùng dùi cui đánh thủy thủ Việt Nam và cướp tài sản, gây thiệt hại lên tới hơn 300 triệu đồng. Như ngày 1-3-2014, vào lúc 10h30, tàu số 2 đã tấn công tàu QNg - 96047 của thuyền trưởng Phùng Thanh Được, cướp đi 3 tấn cá và máy định vị, dầu, thiết bị liên lạc khác…
Bây giờ, tàu của thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa, sẵn sàng đối phó với âm mưu phá hoại của tàu Trung Quốc. Tàu của thuyền trưởng Dương Văn Giàu bị đâm từ ngày 7-5, mất hết phương tiện liên lạc, vẫn tiếp tục bám ngư trường Hoàng Sa dù chỉ thỉnh thoảng mới liên lạc được với bờ nhờ máy ICOM của tàu bạn. Thuyền trưởng Nguyễn Trí và tàu QNg - 96354 bị đâm cũng trong ngày 7-5, bị cướp sạch ICOM, máy dò cá, định vị… nhưng vẫn bám Hoàng Sa từ bấy đến giờ.
Tháng 5 này, bên xã An Vĩnh cũng "nóng rực" vấn đề tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc xâm hại bất hợp pháp. Mới đây, ngày 1-5, trong khi đang lặn bắt hải sâm ở khu vực cồn Đá Lồi thuộc vùng biển Hoàng Sa như thường lệ, tàu QNg - 96074 do ông Trần Hiền làm thuyền trưởng đã bị một tàu màu bạc mang số hiệu 786, có trang bị súng tấn công. Báo cáo của thuyền trưởng Hiền cho thấy, phía tàu Trung Quốc có dùng máy ghi hình, có thể nhằm dàn dựng, ngụy tạo chứng cớ để vu cáo ngư dân Việt Nam. Hôm qua, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tám, Trưởng thôn Tây An Vĩnh bức xúc nói: "Căm ghét hành động phi pháp của họ quá! Tôi sẽ dạy con cháu về điều này".
Hôm trước, khi ở cảng Sa Kỳ, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã được nghe thuyền trưởng Nguyễn Lộc (người xã An Vĩnh) khẳng định quyết tâm bám biển, bằng mọi giá giữ ngư trường mà cha ông đã tạo dựng. Ngày hôm sau, đến lượt Chủ tịch Nghiệp đoàn Đánh cá xã An Hải khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi. Ông nói: "Ngư trường Hoàng Sa không phải tự nhiên mà có. Cha ông đã đổ xương máu để gìn giữ chủ quyền, tạo dựng ngư trường, con cháu sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang ấy bằng mọi giá. Ngày Lý Sơn tổ chức mít tinh phản đối hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, ông già bà cả trong huyện kéo tới cùng con cháu khẳng định quyết tâm bám biển giữ ngư trường, nhiều người cao tuổi, đã rời nghề vài năm giờ xác định nguyện vọng quay trở lại".
Nhiều tàu của An Hải và An Vĩnh vẫn tiếp tục bám Hoàng Sa, trong đó có những tàu không đủ điều kiện giữ liên lạc với bờ. Chiều tối hôm qua (13-5), quá sốt ruột với diễn biến ngoài quần đảo Hoàng Sa, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã cùng ông Nguyễn Quốc Chinh túc trực bên máy ICOM, tìm cách nối thông tin với những người đang ở ngoài biển. Suốt 3 giờ lên sóng (từ 15h đến 18h), vẫn không thể liên lạc với các tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi. Nét mặt căng thẳng, mồ hôi vã như tắm, ông Chinh lần theo hàng chục dải tần, nhưng rút cục tín hiệu thu về chỉ là những âm thanh lao xao. Buông bộ đàm, ông Chinh thở dài: "Sao vậy không biết nữa, giờ này các tàu phải lên sóng nhận thông báo hướng gió rồi chứ?". Hơn chục ngày nay, sóng ICOM bị phía Trung Quốc phá, việc liên lạc với tàu cá của ta gặp vô vàn khó khăn. Có lẽ phía Trung Quốc đã tận dụng nhật ký dải tần số từ các máy ICOM cướp được của tàu cá Việt Nam.
Kiên nhẫn chờ... Đến 21h bất ngờ chúng tôi bắt được sóng của một tàu, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bê báo về: "Chiều nay, 4 tàu lớn của Trung Quốc liên tục quần đảo tàu của tôi, hai chiếc chặn đầu, hai chiếc áp sát rượt đuổi. Họ phụt vòi rồng rất mạnh vào tàu của chúng tôi. Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy giàn khoan của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng biển mà ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên khai thác cá".
Liên lạc không đứt. Tàu ta ra khơi, ngư dân thể hiện khí phách bởi biết rằng, phía sau họ là hậu phương lớn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.