(HNM) - Những ngày thu tháng 10, khắp đường phố Thủ đô không chỉ giai điệu trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”, mà có nhiều bài ca khải hoàn về thời khắc lịch sử 65 năm trước. Không phải ai cũng biết, có những ca khúc được sáng tác trước và ngay trên đường phố rợp cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Sự dự cảm tuyệt vời
“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố”… Lời hát, giai điệu hào hùng, sôi nổi trong bài “Tiến về Hà Nội” ấy giống như bản tường thuật sinh động bằng âm nhạc vào ngày 10-10-1954, khi đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Ấy thế mà bài hát này lại được nhạc sĩ Văn Cao viết trước Ngày Giải phóng Thủ đô 5 năm (năm 1949). Sinh thời, vị nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của âm nhạc Việt Nam này đã chia sẻ, ông viết từ lời thúc giục và khích lệ của lãnh đạo thành phố: Hãy viết một ca khúc để người người nhớ về Hà Nội, muốn đem vinh quang trở về Thủ đô. Nhưng hơn tất cả, đó là sự mong mỏi, khát khao của chính nhạc sĩ Văn Cao khi làm công tác của người chiến sĩ văn hóa từ Hà Nội lên Việt Bắc, rồi về Thái Bình. Điều tuyệt vời ở nhạc sĩ Văn Cao là khả năng dự cảm. Ông viết nên một ca khúc hào sảng, sôi nổi, mà tất cả những gì xảy ra 5 năm sau đó đều ứng với từng lời hát, nốt nhạc.
Không chỉ nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với ca khúc “Người Hà Nội” cũng có dự cảm về ngày trở về Thủ đô yêu dấu trong niềm vui chiến thắng: “Một ngày thu non sông chiến khu về/Đường vang tiếng hát cuốn dòng người/Đoàn quân Việt Nam đi/Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao”. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết: “Bài hát “Người Hà Nội” tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết Đinh Hợi. Khi đó, Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Khi đó, tôi có vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Tiếng súng và những cảnh tượng hùng tráng hiện ra…”. Thế là trong âm thanh “Hà Nội cháy/Khói lửa rợp trời/Hà Nội ầm ầm rung/Sông Hồng reo”, nhạc sĩ đã khắc họa một bức tranh hùng tráng, đầy đủ từng địa danh, từng góc phố, con đường đẹp đến nao lòng, từ đó hiện lên hình ảnh người Hà Nội kiên cường, bất khuất với nét hào hoa không hề bị mất dấu trong lửa đạn. Chính điều đó đã khiến nhạc sĩ tin tưởng khẳng định, đoàn quân sẽ chiến thắng trở về.
Cũng cùng tâm trạng như vậy, năm 1947, khi ở Chiến khu Việt Bắc, vừa tròn 20 tuổi, nhạc sĩ Huy Du sáng tác ca khúc “Sẽ về Thủ đô” với giai điệu, lời ca lãng mạn, tha thiết nhớ thương những con đường, góc phố, hàng cây, dòng sông, cây cầu… quen thuộc. Và nhạc sĩ không quên dự đoán sẽ có ngày trở về giải phóng Thủ đô: “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/Năm cửa ô reo vui bước quân ca vang/Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”. Lời thề sắt son khi ấy đã trở thành sự thật. Ngày 10-10-1954, nhạc sĩ Huy Du cùng những người con yêu dấu của Thủ đô đã trở về Hà Nội giữa rừng cờ hoa chào đón.
Còn nhạc sĩ Hoàng Dương trong ca khúc “Hướng về Hà Nội” viết đầu năm 1954 cũng chất chứa niềm tin trong âm hưởng lãng mạn, thơ mộng: “Hà Nội ơi/Mắt huyền ngây ngất đê mê/Tóc thề thả gió lê thê/Cứ tin ngày ấy anh về”…
Rộn ràng theo đoàn quân trở về
Bên cạnh những ca khúc đầy tính dự báo về ngày khải hoàn, có nhiều ca khúc được viết ngay trong thời khắc lịch sử đón đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô 65 năm trước. Trong đó, ghi dấu ấn là các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ - người được mệnh danh là “Beethoven Việt Nam”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ kể, năm 1954, khi tham gia hoạt động thanh niên kháng chiến tại Hà Nội, nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ phổ biến bài hát cách mạng Việt Nam và quốc tế cho thanh niên để chuẩn bị đón đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. Trong quá trình dạy hát, ông chợt nghĩ, cần có ca khúc viết riêng cho ngày trọng đại này. Thế là “Hà Nội giải phóng”, “Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô” ra đời, kịp phổ biến cho dàn đồng ca 200 người hát vào sáng 10-10-1954. Những giai điệu reo vui “Hoan hô các anh về đây/Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô” dễ dàng lan tỏa, cả dàn đồng ca và người dân cùng hòa vang bài hát khi đoàn quân tiến về.
Từ vùng kháng chiến, nhạc sĩ Văn Chung sáng tác bài “Quê tôi giải phóng” để tặng chiến sĩ Đại đoàn 308 ngày tiếp quản Thủ đô. Bài hát mang đậm âm hưởng dân ca Đồng bằng Bắc Bộ, vừa tha thiết, vừa phơi phới niềm vui: “Hòa bình thành phố yên vui/ Đón anh bộ đội a là hô hoan hô/Rợp trời cờ đỏ a là hô hoan hô/Rợp trời cờ đỏ tung bay”, góp vào những ca khúc hay trong ngày vui lớn của Hà Nội.
Thời khắc lịch sử, giàu cảm xúc ấy còn gợi nhiều cảm hứng cho các nhạc sĩ tài năng khác. Một loạt ca khúc giá trị đã ra đời sau đó, như: “Bác đã về Thủ đô” (Lê Yên), “Mừng Bác về Thủ đô” (Nguyễn Xuân Khoát), “Về Thủ đô” (Tô Vũ), “Thủ đô yêu dấu” (Nguyễn Đình Phúc)…
Có thể nói, các nhạc sĩ đã sống ở Thủ đô, chứng kiến những năm tháng toàn quốc kháng chiến và thời điểm vinh quang 65 năm trước, không chỉ viết ca khúc với trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng mà còn bằng tình yêu, cảm xúc, niềm tự hào với Hà Nội yêu dấu. Chính vì vậy, vượt qua thử thách của thời gian, những ca khúc về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn sống mãi, lan tỏa và trở thành tài sản quý giá trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam, tiếp tục được thế hệ hôm nay hát vang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.