(HNMO) - Tồn tại dưới lòng kinh đô ánh sáng hoa lệ đến tận ngày nay là khu hầm mộ cùng hệ thống đường hầm dài hàng trăm cây số với nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.
Vào thế kỷ XVIII, nhiều nghĩa trang tại thành phố Paris bị quá tải, khiến nhiều người chết không được chôn cất đúng cách làm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Để đối phó tình trạng này, chính quyền Paris đã đóng cửa các nghĩa trang, trước khi tiến hành vận chuyển hơn 6 triệu hài cốt xuống các mỏ đá dưới lòng thành phố từ những năm 1780 đến năm 1814.
Hiện nay, số hài cốt vẫn nằm khắp các đường hầm dưới lòng Paris hoa lệ, một số chỗ thậm chí nằm trong lộ trình các tour du lịch dành cho những người ưa mạo hiểm. Hệ thống đường hầm dài khoảng 320 km, được hình thành bởi những công nhân khai thác đá và vẫn tồn tại nhiều bí ẩn do không phải mọi khu vực đều có trên bản đồ.
Với những người thích cảm giác "lạnh gáy", một hồ bơi bí mật nằm trong hệ thống đường hầm là lựa chọn ưa thích. Để đến được hồ bơi này, họ sẽ phải di chuyển qua nhiều đoạn hầm ngập nước đầy tối tăm, trước khi đặt chân đến "ốc đảo" nằm trong lòng hầm mộ dưới lòng đất.
Năm 2004, lực lượng cảnh sát khi diễn tập tại một khu vực hẻo lánh của hầm mộ đã vô tình phát hiện ra một phòng chiếu phim quy mô, một nhà hàng và thậm chí một quán bar với hệ thống điện và trang thiết bị hiện đại. Không ai biết chính xác về những người đã xây dựng những công trình này. Cảnh sát chỉ tìm thấy một mảnh giấy ghi "Đừng cố gắng tìm chúng tôi".
Khu hầm mộ với nhiều bí ẩn cũng là địa điểm khám phá ưa thích của các nhà thám hiểm đô thị. Họ dành nhiều thời gian tìm tòi, vẽ bản đồ giúp những người khác không bị lạc, đồng thời tạo ra một cộng đồng riêng tại đây với các tác phẩm nghệ thuật, phòng ốc đầy đủ đồ đạc và cả những bữa tiệc.
Khu hầm mộ thậm chí từng là địa điểm diễn ra một vụ trộm quy mô. Vụ án xảy ra năm 2017 khi một băng đảng của Pháp khoan thủng các bức tường đá vôi để đột nhập vào hầm rượu của một căn hộ, trước khi lấy đi 300 chai rượu vang với tổng trị giá lên đến 250.000 euro.
Vào thời điểm những năm 1780, toàn bộ số hài cốt chỉ đơn giản được đặt tại các đường hầm. Tuy nhiên, lực lượng công nhân về sau đã sắp xếp các bộ xương thành những hình thù khác nhau như hình tròn, trái tim... hoặc theo những hình mẫu trang trí khác.
Vào thế kỷ XIX, Monsieur Chambery, một nông dân người Pháp đã bắt đầu trồng nấm dưới hầm mộ sau khi phát hiện nhiều nấm dại mọc tại đây. Sau khi được Hội làm vườn Paris chấp nhận, các nông dân bắt đầu tham gia trồng nấm. Môi trường tối và ẩm ướt của khu hầm mộ là điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển, đem lại nguồn thu nhập và công việc cho nhiều người.
Với hệ thống đường hầm rộng lớn, khu hầm mộ là một phần trong lịch sử của Thế chiến thứ 2. Quân kháng chiến Pháp từng sử dụng các đường hầm làm nơi trú ẩn và lên kế hoạch tấn công, trong khi quân Đức cũng xây dựng nhiều boongke kiên cố phục vụ mục đích quân sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.