News.az ngày 1-4, dẫn một dự báo kinh tế mới cho biết, nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C có thể làm giảm 40% GDP thế giới vào năm 2100, tăng mạnh so với ước tính trước đó chỉ là 11%.
Những phát hiện của Viện Ứng phó và Rủi ro khí hậu (ICRR) chỉ ra nhiều thách thức từ các mô hình kinh tế lâu đời vốn định hình các chính sách khí hậu toàn cầu, đồng thời, củng cố tính cấp thiết của việc hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu.
Nhà nghiên cứu chính Timothy Neal cho biết, các mô hình kinh tế trước đây đã không tính đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gây ra. Theo phương thức truyền thống, các nhà kinh tế đánh giá thiệt hại do khí hậu bằng cách so sánh các sự kiện thời tiết trong lịch sử với tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua sự kết nối toàn cầu của các nền kinh tế hiện đại.
Ông Timothy Neal cho biết: "Do những thiệt hại này chưa được tính đến nên các mô hình kinh tế trước đây đã vô tình kết luận rằng ngay cả biến đổi khí hậu nghiêm trọng cũng không phải là vấn đề lớn đối với nền kinh tế". Ông cũng lưu ý sự gián đoạn ở một khu vực sẽ lan rộng ra toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia lạnh hơn như Canada và Nga. Trên thực tế, "không có quốc gia nào miễn nhiễm", ông nói.
Các dự báo được sửa đổi củng cố lập luận cho việc hạn chế nóng lên ở mức 1,7 độ C, phù hợp với các mục tiêu giảm phát thải carbon nhanh như Thỏa thuận Paris 2015 và thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2,7 độ C trước đây được coi là chấp nhận được. Nhà nghiên cứu Timothy Neal nhấn mạnh, các mô hình kinh tế phải phát triển cùng với tác động của khí hậu trong thế giới thực, từ giá thực phẩm tăng đến chi phí bảo hiểm tăng vọt.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Arabnews dẫn cảnh báo từ Cơ quan thời tiết Ấn Độ cho biết, nước này có thể sẽ phải hứng chịu nhiệt độ cao hơn bình thường vào mùa hè năm nay với nhiều ngày nắng nóng, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Quốc gia Nam Á không còn xa lạ với những mùa hè nóng nực nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Mùa hè ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, khi nhiệt độ thường tăng lên trên 45°C. Năm nay, Ấn Độ sẽ chứng kiến nhiệt độ tối đa "cao hơn bình thường" ở hầu hết các khu vực của đất nước, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết trong một dự báo. Số ngày nắng nóng, khi nhiệt độ cao bất thường, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn được ghi nhận, cũng sẽ tăng lên. Các giai đoạn nắng nóng kéo dài cũng có thể gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng như lưới điện và hệ thống giao thông...
IMD cho biết, các kế hoạch hành động ứng phó với nhiệt độ cao phải được đưa ra để giải quyết những thách thức đó. "Điều này bao gồm việc cung cấp quyền tiếp cận các trung tâm làm mát, ban hành khuyến cáo về nhiệt độ cao và thực hiện các chiến lược để giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị ở các khu vực bị ảnh hưởng", IMD nêu rõ.
Ấn Độ đã trải qua đợt nắng nóng dài nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với nhiệt độ thường xuyên vượt quá 45°C. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng, nhiệt độ cao có thể khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng mỗi năm, nhưng cảnh báo rằng con số thực tế có thể cao hơn tới 30 lần.
Theo News.az, Arabnews
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.