Người nộp thuế cần lưu ý về hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ, thời hạn nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đối tượng chịu thuế, hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ
Theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN), Luật Quản lý thuế số 38/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối tượng chịu thuế là đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế. Trường hợp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển nhà ở thì người được giao đất, cho thuê đất là người nộp thuế. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân khác thì người nhận chuyển nhượng là người nộp thuế.
Về hồ sơ khai thuế, địa điểm nộp hồ sơ, tờ khai thuế theo mẫu tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính; bản chụp các giấy tờ liên quan đến thửa đất chịu thuế; bản chụp các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm thuế (nếu có). Trường hợp chưa có mã số thuế thì cần bản chụp giấy tờ tùy thân hợp lệ.
Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế là tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông hoặc tại chi cục thuế nơi có đất chịu thuế. Ngoài ra, người nộp thuế có thể nộp hồ sơ qua cơ quan được ủy nhiệm thu thuế.
Người nộp thuế có trách nhiệm khai chính xác vào Tờ khai thuế các thông tin liên quan đến người nộp thuế như: Tên, số CMT/CCCD, mã số thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế; các thông tin liên quan đến thửa đất chịu thuế như diện tích, mục đích sử dụng. Nếu đất đã được cấp giấy chứng nhận thì phải khai đầy đủ các thông tin trên giấy chứng nhận như số, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất, hạn mức (nếu có). Thời hạn kê khai, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ.
Hằng năm, người nộp thuế không phải kê khai lại tờ khai. Trường hợp phát sinh các sự việc dẫn đến sự thay đổi về người nộp thuế, phát sinh các yếu tố làm thay đổi số thuế phải nộp thì người nộp thuế phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh các sự việc trên.
Cơ quan chức năng (UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai) xác nhận vào Tờ khai và chuyển đến cơ quan thuế để ban hành thông báo thuế.
Quy trình quản lý thuế
Cơ quan thuế tiếp nhận Tờ khai từ cơ chế một cửa liên thông hoặc từ người nộp thuế (người nộp thuế nộp trực tiếp hoặc nộp qua cơ quan được ủy nhiệm thu thuế); phát hành thông báo thuế và chuyển đến người nộp thuế hoặc cơ quan ủy nhiệm thu để thu thuế đối với hộ gia đình, cá nhân.
Về thời hạn nộp thuế của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan thuế ban hành thông báo thuế căn cứ Tờ khai của người nộp thuế đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định, thời hạn lần đầu chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thuế; nộp hằng năm chậm nhất là ngày 31-10. Trường hợp chậm nộp thuế sẽ phải nộp tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, kể từ khi Luật Thuế SDĐPNN được Quốc hội thông qua , Cục Thuế đã tham mưu UBND thành phố ban hành chỉ thị để triển khai thực hiện; thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; tham mưu báo cáo với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về các vướng mắc, bất cập khó khăn trong quản lý, đồng thời đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật. Cục Thuế thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chi cục thuế về chính sách, về quy trình thực hiện, về phối hợp với cơ quan chức năng, về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, về nợ thuế, về hiện đại hóa công tác thu nộp.
Trong giai đoạn 2012-2022, sau 11 năm triển khai thu theo Luật Thuế SDĐPNN, số thu thuế SDĐPNN đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2012 (năm đầu triển khai), số thu là 248,2 tỷ đồng đối với 3.600 tổ chức, 1,4 triệu hộ gia đình, cá nhân; đến năm 2022, số thu về thuế SDĐPNN trên địa bàn thành phố Hà Nội là 677,4 tỷ đồng đối với 4.100 tổ chức, 1,8 triệu hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, số thu tăng 2,5 lần so với năm đầu triển khai và hằng năm thu đều vượt dự toán được giao.
Việc gia tăng nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đối với Nhà nước cũng đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng đất có hiệu quả và hợp lý, tăng cường vai trò điều tiết của các khoản nghĩa vụ tài chính đất đai. Bên cạnh đó, chính sách thuế SDĐPNN góp phần giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát được hoạt động sử dụng đất của các chủ thể sử dụng đất, quản lý, kiểm soát được tài sản trong dân cư; đồng thời tác động, điều chỉnh hoạt động sử dụng đất hướng đến mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, do người nộp thuế sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn rất lớn với gần 1,8 triệu hộ; địa bàn Hà Nội rộng lớn với 30 quận, huyện, thị xã với đặc điểm về kinh tế, xã hội, dân trí khác nhau nên không tránh khỏi một số trường hợp còn sai sót, nhầm lẫn...
Để thực hiện tốt các quy định của Luật Thuế SDĐPNN và Luật Quản lý thuế, việc chấp hành các quy định pháp luật, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của từng chủ thể tham gia là người nộp thuế, cơ quan chức năng (UBND cấp xã, văn phòng đăng ký đất đai), cơ quan được ủy nhiệm thu thuế (UBND cấp xã), cơ quan thuế rất quan trọng.
Để tăng cường công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế, Cục Thuế sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức để người nộp thuế biết, hiểu và đồng thuận, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thuế...
Giải pháp khác là tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập về chính sách, quy trình, quy chế phối hợp, công nghệ thông tin để báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện; tiếp tục rà soát lại toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý để chuẩn hóa, tăng cường công tác quản lý đối tượng và công tác hiện đại hóa thu nộp, đồng thời đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.