Những tên rạp chiếu bóng, nhà hát một thời của thành phố Hà Nội đã trở thành kỷ niệm như Dân Chủ, Bạch Mai, Tháng Tám, Công Nhân, Kim Đồng, Kinh Đô, Đại Nam, Chuông Vàng, Bắc Đô, Long Biên, Hiệp Thành.
Chỉ còn Nhà hát Lớn lừng danh và các rạp chiếu bóng quy mô, nhà hát kịch, chèo, tuồng… tồn tại và vẫn là những thánh đường văn hóa.
Do văn hóa nghe, nhìn trong vài chục năm trở lại đây thay đổi chóng mặt nên khán giả của các nhà hát, rạp chiếu bóng thưa đi trông thấy. Nhưng bù vào đó, lượng khán giả chọn lọc hơn, chỉ có những người yêu văn hóa, nghệ thuật mới dành thời gian và tiền bạc đến thưởng thức.
Khán giả đến đây thường có mặt đúng giờ, yên vị chỗ của mình, trật tự để thưởng thức buổi diễn. Nhiều người đã mua sẵn hoa ngoài phố mang theo để tặng ca sĩ, nhạc công hay đạo diễn ái mộ.
Thế nhưng, hầu như các buổi diễn, không ít khán giả ăn mặc cẩu thả, thậm chí mặc quần lửng, áo phông, đi dép lê đến dự hòa nhạc!
Không ít các cặp đôi ôm nhau, âu yếm, nói chuyện vô tư, bất chấp bao người đang tập trung chú ý thưởng thức chương trình.
Nhiều khán giả trẻ, ăn mặc diêm dúa, lôi ra từ túi nào hạt dưa, hoa, quả, nhấm nháp không dứt và thản nhiên xả rác ngay trên nền vải nhung.
Rồi khi một ca sĩ nổi tiếng nào đó hát xong, chen vào tiếng vỗ tay không dứt của khán giả, bỗng vang lên một câu bình phẩm đầy chất phố phường mà khó viết ra giấy!
Khó mà kể hết các hành vi bất cập ở một nơi cần có ứng xử văn hóa nhất. Nhưng tiếc thay, những hiện tượng này vẫn cứ tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.