Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điểm vui chơi Tết Bính Thân không thể bỏ qua tại Hà Nội

Hoàng Quyên| 06/02/2016 07:29

(HNMO) – Tết Bính Thân đang đến rất gần, rất nhiều địa điểm vui chơi, giải trí của Hà Nội đã sẵn sàng để phục vụ người dân.


* Đêm giao thừa tưng bừng với Lễ hội đếm ngược và bắn pháo hoa

Lần đầu tiên, trong tối giao thừa Tết Bính Thân (tức đêm 7/2) sẽ diễn ra chương trình trình chiếu ánh sáng 3D mapping trên bề mặt Nhà hát Lớn Hà Nội cùng các tiết mục văn nghệ với tên gọi “Hành trình kết nối yêu thương”. Bên cạnh đó, vào đúng thời khắc giao thừa sẽ diễn ra hoạt động đếm ngược. Chương trình diễn ra từ 21h30 đến 0hh đêm giao thừa với sự tham gia của các ca sĩ: Đăng Dương, Hà Anh Tuấn, Dương Hoàng Yến, Đinh Mạnh Ninh, Slim V. Sau khi thưởng thức màn trình chiếu ánh sáng 3D trên bề mặt Nhà hát Lớn, những người có mặt sẽ cùng nhau đếm ngược để chào đón năm mới Bính Thân.

Màn bắn pháo hoa vào đêm giao thừa kéo dài 15 phút luôn thu hút người dân


Màn bắn pháo hoa tại 31 điểm cũng là giây phút được nhiều người dân mong đợi. Năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 25 điểm tầm thấp. 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao là hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn, hồ Văn Quán, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và thành cổ Sơn Tây.

Thời gian bắn tại mỗi điểm là 15 phút, từ 0h00 đến 0h15 ngày 8/2/2016 (tức mùng 1 Tết Âm lịch).

* Đường sách xuân Bính Thân

Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra trong dịp Tết tại Hà Nội vì thế nó sẽ là địa điểm khó có thể bỏ qua trong Tết năm nay. Đường sách xuân ngay sát Hồ Gươm, tổ chức tại phố Lê Thạch cạnh Tượng đài Lý Thái Tổ - Tràng Tiền - Hoàn Kiếm, bắt đầu từ ngày 10/2 – 15/2 (tức từ mùng 3 đến mùng 8 Tết).

Đường sách Bính Thân lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội


Tham gia vào phố sách này, có khoảng 20 Nhà xuất bản, các công ty sách đang hoạt động tại Thủ đô như Kim Đồng, Nhã Nam, Thái Hà, Tân Việt, Huy Hoàng, Đinh Tị… Việc tổ chức trưng bày giới thiệu sách tập trung vào hai chủ đề chính là Thăng Long - Hà Nội và Mừng Đảng - Mừng xuân với nhiều hoạt động đa dạng. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động bên lề Hội sách Xuân gồm cà phê sách (quy hoạch xung quanh Nhà Kèn), thơ xuân, nhạc sinh viên, góc thiếu nhi, thư pháp - trà Việt, giao lưu với các nhà văn...

* Hội chữ xuân Bính Thân tại Văn Miếu

Hội chữ Xuân đã khai mạc vào ngày 24 tháng Chạp và còn kéo dài đến mùng 8 Tết tại khu hồ Văn thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Điều đặc biệt là trong đêm giao thừa, các ông đồ sẽ tiếp tục hoạt động cho chữ kéo dài đến 2h sáng ngày mùng 1 Tết.

Hội chữ xuân Bính Thân tại hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám


Hơn 100 ông đồ hoạt động trong khu hồ Văn đã được sát hạch về trình độ. Đây là hoạt động văn hóa diễn ra thường niên và trở thành nét đẹp của Hà Nội vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

* Vui xuân tại Hoàng thành Thăng Long

Chương trình Hội xuân tại Hoàng thành Thăng Long đã khai mạc với nhiều hoạt động phong phú như triển lãm, trình diễn và sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết 29/2. Bên cạnh những hoạt động đang diễn ra như triển lãm “Tết Việt”, trong các ngày từ mùng 3 Tết còn diễn ra các hoạt động trình diễn âm nhạc dân tộc và múa rối nước. Ngoài ra, những trò chơi dân gian cũng được tái hiện trong dịp này.

* Hoạt động vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học

Đây là địa điểm vui chơi được rất nhiều người thích thú vào dịp Tết đến. Năm nay, chương trình vui chơi Tết Bính Thân ở Bảo tàng Dân tộc học sẽ xoay quanh chủ đề văn hóa Kon Tum, với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Chương trình Tết tại Bảo tàng Dân tộc học giới thiệu những nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên


Sự kiện chính diễn ra vào các ngày 13 và 14-1 (mùng 6 và 7 Tết Âm lịch), gồm những nét đặc sắc trong văn hóa đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như trình diễn nghệ thuật Chiêng tha (Brâu), Cồng chiêng & Xoang (Bana), Klông Pút (Xơđăng/ Bana); Hát giao duyên... Các hương vị ẩm thực đặc sắc truyền thống của Tây Nguyên do chính đồng bào dân tộc chế biến như: gỏi lá Kon Tum, cơm lam, rượu cần…. cũng được giới thiệu tới khách tham quan.

Bên cạnh các hoạt động giới thiệu về Tây Nguyên còn có trình diễn: múa tứ linh, chơi pháo đất, múa sạp, chơi trò chơi dân gian của một số dân tộc và ẩm thực Thái (Yên Bái). Riêng hoạt động múa rối nước, viết thư pháp, đánh đu, ẩm thực Thái có từ mồng 4 đến 7 Tết (11/2 đến 14/2).

* Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chương trình “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc”

Từ ngày 10/2 – 15/2 (tức ngày 3-8 tháng Giêng Tết Bính Thân), Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức sự kiện thường niên Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tái hiện những lễ hội đặc sắc chào đón năm mới. Theo đó, từ ngày 10-11/2 (Mùng 3 - 4 Tết) tổ chức giới thiệu nét văn hóa, phong tục, tập quán mừng năm mới, các tiết mục dân ca, dân vũ, các trò chơi dân tộc của dân tộc Thái, dân tộc Mường và các điểm tham quan khác như quần thể Tháp Chăm, chùa Khmer...

Nhiều hoạt động vui chơi diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam trong Tết này


Từ ngày 12/2 – 15/2 (Mùng 5 đến mùng 8 Tết), tổ chức các hoạt động Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2016 với sự tham gia của đồng bào các dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); dân tộc Tày (tỉnh Thái Nguyên); dân tộc Mông (tỉnh Lào Cai); dân tộc Giáy (tỉnh Hà Giang) người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…). Chương trình gồm các nội dung phong phú như: Lễ hội Lồng tồng (Hội xuống đồng) và dự kiến lãnh đạo Đảng, nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc, Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giáy (Lễ hội múa trống), Lễ hội cầu an của dân tộc Thái; cùng với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực truyền thống, thể thao dân tộc như: Hội đấu vật đầu xuân, múa xòe, cồng chiêng, nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, giao lưu dân ca, dân vũ với khách du lịch, sẽ tạo không khí tưng bừng đầu Xuân Bính Thân.

* Công viên nước Hồ Tây ưu đãi đặc biệt trong ngày Tết

Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 10 Tết, tại công viên Hồ Tây có rất nhiều hoạt động đặc sắc, sôi động. Ngoài việc tổ chức những trò chơi dân gian như nhảy sạp, đi cà kheo, nhảy bao bố… khách đến đây còn thăm gian chợ quê ngày Tết với những món ăn mang hương vị truyền thống đặc sắc.

Ngoài ra, Công viên Hồ Tây có tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc biệt như ca nhạc trẻ hiện đại, dân ca, ảo thuật, nhảy K-pop... Các bạn thiếu nhi sẽ rất hào hứng với những tiết mục xiếc khỉ, ảo thuật đường phố vui nhộn.

Đặc biệt, trong ngày Lễ Tình nhân 14/2 (mùng 7 Tết) Công viên Hồ Tây sẽ dành tặng tất cả các đôi tình nhân khi mua vé trọn gói Công viên Mặt Trời Mới 1 “Cabin love” trên đu quay khổng lồ được trang trí rất lãng mạn. Từ độ cao gần 60m trên cabin, cặp tình nhân có thể thấy Hồ Tây lãng đãng mờ sương, hay cầu Nhật Tân rực rỡ ánh đèn trong đêm…

* Những địa điểm thưởng thức nghệ thuật hấp dẫn

Trong dịp Tết Bính Thân, bên cạnh những địa điểm vui chơi thì tại Hà Nội cũng có nhiều địa chỉ nghệ thuật không thể bỏ qua với nhiều chương trình hấp dẫn. Phố cổ Hà Nội tiếp tục duy trì biểu diễn ca trù tại những địa chỉ văn hóa như Ngôi nhà 87 Mã Mây.

Hoạt động biểu diễn ca trù tại phố cổ Hà Nội


Nhà hát Tuồng Việt Nam khai xuân từ mùng 4 Tết tại Rạp Hồng Hà (Đường Thành, Hà Nội) với chương trình dành cho khách du lịch với các trích đoạn nổi tiếng là: “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Múa lân mẹ đẻ lân con”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, nhã nhạc cung đình Huế (đại nhạc và tiểu nhạc).

Liên đoàn Xiếc Việt Nam khai xuân với chương trình xiếc, nghệ thuật tổng hợp có tên “Khỉ Monbay” diễn ra vào 15h từ mùng 4 đến mùng 7 Tết.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn chương trình hài kịch “Tình yêu cười” tại Nhà hát Lớn Hà Nội với nhiều tiểu phẩm đặc sắc về tình yêu vào ngày mùng 7 Tết… Bên cạnh đó, khán giả yêu thích nghệ thuật truyền thống như rối nước, chèo có thể ghé chân đến Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát chèo Hà Nội, bởi hai đơn vị này duy trì đều đặn các buổi diễn phục vụ công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những điểm vui chơi Tết Bính Thân không thể bỏ qua tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.