Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điểm nhìn mới, lạ!

Mai Hoa| 14/08/2016 06:59

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên buổi tọa đàm “Cuộc phiêu lưu của cái “tôi” trong văn học đương đại Việt Nam” - một buổi tọa đàm thuần túy văn chương - được tổ chức trong tuần qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội) lại thu hút sự quan tâm của nhiều biên tập viên, nhà phê bình và bạn đọc đến vậy.


Một phương pháp phê bình hiện đại

Buổi tọa đàm được Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức nhân dịp ra mắt tác phẩm Đọc“tôi” bên bến lạ của PGS.TS văn học Pháp Đoàn Cầm Thi - Học viện Nghiên cứu ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Paris), người sáng lập, điều hành "Tủ sách Văn học Việt Nam" đương đại của Nhà Xuất bản (NXB) Riveneuve (Paris). Đây được coi là một cuốn sách phê bình hiếm hoi có nội dung xuyên suốt là bàn về vấn đề cái “tôi” trong văn học đương đại. TS Ngữ văn Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Vẫn các tác phẩm quen thuộc, nhưng cách đọc rất khác của Đoàn Cầm Thi lại mang đến nhiều góc nhìn khác lạ, độc đáo cho những cái “tôi” của các tác phẩm. Cuốn sách cũng là một câu chuyện thú vị về cách làm của tác giả”.

Tựa đề của cuốn sách khá lạ, gợi tính hình tượng. Bàn về hai chữ “bến lạ”, tác giả Đoàn Cầm Thi giải thích với độc giả ngay trong lời mở đầu cuốn sách: “Bến lạ” gợi vị trí mà tôi chọn khi đọc văn chương Việt: “Là kẻ lạ trong ngôn ngữ của mình”. Đến với văn học Pháp trước, tôi coi văn học Việt vừa là sự khám phá vừa là tìm về, sử dụng kiến thức và phương pháp có được từ bên ngoài để khảo sát cái bên trong”. Bằng phương pháp phê bình hiện đại, Đoàn Cầm Thi khảo sát từng câu chữ, hình tượng, cấu trúc tác phẩm. Như phân tích của TS Phạm Xuân Thạch thì “phương pháp nghiên cứu của Đoàn Cầm Thi là đọc văn học Việt Nam trong một không gian khác, mang tính toàn cầu hơn”.

Trao đổi với các nhà phê bình tại hội thảo, độc giả cũng nhận thấy cuốn sách của Đoàn Cầm Thi thôi thúc mỗi người tìm đến những tác phẩm được đề cập ở đây như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương… Hơn nữa, việc đọc tác phẩm văn học cộng với tìm hiểu cuốn sách phê bình này, độc giả còn thấ́y mình được cung cấp thêm một cách nhìn mới mẻ về các tác phẩm. Và điều quan trọng hơn cả là từ đây, khi đọc bất cứ một cuốn sách nào, độc giả đều có thể trang bị cho mình một phương pháp, một cách nhìn, cách đọc mới mẻ và có chiều sâu hơn.

Gợi mở những đề tài bỏ ngỏ

Dưới phân tích của giới chuyên môn, Đoàn Cầm Thi không phải là người đầu tiên nói về cái “tôi” trong văn học. Nhưng chọn “tôi” như một điểm nhìn, một góc nhìn, để xâu chuỗi lại và lấy một số tác phẩm tiêu biểu để trình bày phân tích của mình về văn học Việt Nam trong giai đoạn mới thì Đọc“tôi” bên bến lạ có thể coi là cuốn đầu tiên. Vì vậy, cuốn sách này được coi như một sự mở đầu, một cuộc khai phá nghiên cứu cái “tôi” trong văn học, gợi ra nhiều hướng đi mới trong văn học ở Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu bày tỏ: Đọc một cuốn phê bình văn học, tôi luôn chờ đợi xem cuốn sách có lợi gì cho người giảng dạy và nghiên cứu? Tôi nhìn thấy đề tài, những câu chuyện mà tác giả có thể còn bỏ ngỏ. Ví như một gợi ý nghiên cứu về cái nhìn của các nhân vật trong truyện ngắn, hay cái “tôi” trong tiểu thuyết, hoặc cách đặt nhan đề sáng tạo - thay vì học thuật nặng nề.

Có thể nói, những năm gần đây, đời sống phê bình văn học nước nhà thực sự có những chuyển động sôi động hơn. Mỗi cuốn sách mới ra đời đã chọn cách đối thoại, trao đổi rộng mở với độc giả, giới nghiên cứu thông qua hoạt động tọa đàm, giới thiệu sách, hội thảo, triển lãm và nhiều hình thức giao lưu thú vị khác. Ngược lại, sự góp mặt của những nhà phê bình, tác phẩm phê bình với góc tiếp cận mới, hoặc gợi mở cho đội ngũ sáng tác, nghiên cứu những đề tài còn bỏ ngỏ sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động này thực sự phát triển hơn.

Góp tham luận tại hội nghị lý luận, phê bình văn học mang chủ đề “Văn học - 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”, diễn ra vào cuối tháng 6-2016, nhà lý luận phê bình, TS Trần Hoài Anh nhận định: “Nhờ công cuộc đổi mới, việc mở rộng biên độ tiếp nhận văn hóa phương Tây được chú trọng, đời sống lý luận - phê bình văn học thời kỳ này đã thực sự khởi sắc theo hướng phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần đổi mới tư duy trong lý luận, phê bình, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách thẩm định giá trị của các hiện tượng văn học, tạo nên một đời sống lý luận - phê bình sinh động, phong phú, dân chủ và cởi mở. Đây là điều kiện tất yếu để nền văn học chúng ta phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa của thời kỳ hội nhập”.

Trong dòng chảy ấy, có thể nói những diễn đàn trao đổi như trên sẽ phần nào góp thêm góc nhìn độc đáo trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm nhìn mới, lạ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.