Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điểm mới đáng chú ý

Mai Hoa| 01/04/2018 07:48

(HNM) - Từ ngày 10-4-2018, Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (gọi tắt là Nghị định 22) chính thức có hiệu lực.

- Là người gắn bó với việc soạn thảo, tham mưu xây dựng Nghị định 22, ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng, các số điểm mới hoặc được sửa đổi, bổ sung của văn bản này?

- Nghị định 22 có ý nghĩa bổ sung, sửa đổi, làm rõ một số quy định đã được ban hành trước đây, giúp việc thi hành Luật Sở hữu trí tuệ được thuận lợi. Nghị định 22 bổ sung 3 điều về thời hạn cấp lại, đổi, hủy giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, theo hướng tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận là 15 ngày làm việc. Với trường hợp cấp đổi, thời gian cấp được rút ngắn - còn 12 ngày; trường hợp cấp lại, thời gian rút xuống 7 ngày.

Một buổi hội thảo về Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh: Gia Linh


Với Nghị định 22, Chính phủ bỏ quy định Sở VH-TT hoặc Sở VH-TT&DL là đầu mối tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Lý do là khi thực hiện quy định này, các sở chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển tới Cục Bản quyền tác giả (qua đường bưu điện); sau đó, Cục Bản quyền tác giả thụ lý, cấp Giấy chứng nhận và chuyển lại cho Sở (qua đường bưu điện) để Sở trả cho tác giả; Sở thu lệ phí và gửi về Cục Bản quyền tác giả (qua đường bưu điện)… Đây là quy trình rất rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và nguồn lực. Do vậy, trong 10 năm vừa qua, rất ít Sở tiếp nhận hồ sơ, thậm chí nhiều Sở đến nay chưa tiếp nhận trường hợp nào.

Nghị định 22 quy định nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả, Văn phòng đại diện của Cục tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, hoặc qua đường bưu điện, không phải qua các sở để chuyển về Cục Bản quyền tác giả như trước.

- Một trong số nội dung đáng chú ý của Nghị định 22 là biểu mức nhuận bút, tiền thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; thông tin, quản lý quyền tác giả, quyền liên quan. Đâu là điểm mới mà tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần quan tâm?

- Nghị định 22 đã sửa đổi các Điều 41, 42 của Nghị định 100/2006/NĐ-CP và Nghị định 85/2011/NĐ-CP, bổ sung các điều về biểu mức nhuận bút, tiền thù lao, quyền lợi vật chất; thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; thông tin, quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

Nghị định quy định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng:

Thứ nhất, tổ chức đại diện này phải công khai, minh bạch, có bộ dữ liệu thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan như hợp đồng ủy quyền của hội viên, danh sách tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể được khai thác, sử dụng; biểu mức tiền nhuận bút, thù lao...

Thứ hai, làm rõ quan hệ giữa tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... Tranh chấp giữa các bên sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

- Có điều khoản nào mà chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan cần đặc biệt lưu ý vận dụng để bảo vệ quyền của mình, thưa ông?

- Nghị định 22 đã bổ sung Điều 49, quy định:

Thứ nhất, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cũng như tổ chức, cá nhân khác thực hiện và bảo vệ quyền của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ, thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng.

Thứ hai, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nghĩa vụ liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan hoặc bên được ủy quyền để thỏa thuận việc khai thác, sử dụng theo quy định. Thứ ba, tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị định 22. Việc hướng dẫn này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Việc hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị định 22 sẽ được triển khai ngay sau khi Nghị định chính thức có hiệu lực. Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về Nghị định 22 tại 3 khu vực là miền Bắc - ở Hà Nội, miền Trung - ở Huế, và miền Nam - tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 và tháng 5-2018. Ngày 11-4-2018, hội nghị đầu tiên về phổ biến Nghị định 22 sẽ diễn ra tại khách sạn La Thành - Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mới đáng chú ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.