(HNMO) - Hà Nội có hơn 1000 di tích, trong đó có những di tích lịch sử, cách mạng vô cùng có ý nghĩa với nhân dân Thủ đô và cả nước. Nhiều “địa chỉ đỏ” đã trở thành di sản của Hà Nội, nơi lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (từ năm 1954 - 1969). Hiện nay, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn bảo quản, gìn giữ nhiều di vật của Bác, đón tiếp chu đáo nhân dân vào thăm viếng hằng ngày.
Trong khuôn viên di tích Phủ Chủ tịch (Ba Đình, Hà Nội) có 3 ngôi nhà gắn với một quãng đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà 54, Nhà sàn và Nhà 67.
Phủ Chủ tịch vốn trước đây là Phủ Toàn quyền Đông Dương. Ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng, Nhà nước đã đón Bác về đây. Đến nơi, Bác đi 1 vòng khu nhà rồi nhất định chọn ngôi nhà dành cho người làm điện (nay là Nhà 54) làm nơi ăn, nghỉ, làm việc. Vì theo Người, sống trong ngôi nhà của thợ điện như thế đã sung sướng hơn rất nhiều đồng bào cả nước. Tòa nhà chính dành cho Đảng, Nhà nước tiếp khách.
Đến nay, ngôi nhà Bác từng sống và làm việc từ nửa thế kỷ trước vẫn giữ nguyên trạng. Phòng ở vẫn còn chiếc tủ xếp ngay ngắn vài bộ quần áo cũ, sờn. Trên chiếc bàn ăn vẫn bày bộ bát đĩa, chiếc cặp lồng nhôm cũ ngay ngắn...
Sau 4 năm ở tạm trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện, tháng 5-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển sang ở trong một ngôi nhà sàn bằng gỗ được thiết kế theo yêu cầu của Bác là giản tiện nhất có thể. Tuy đơn sơ, giản dị, nhưng ngôi nhà sàn đã trở thành biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà sàn được dựng ở một góc vườn Phủ Chủ tịch, bên cạnh hồ nước nhỏ, giữa những vườn cây xanh tươi.
Đến nay, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành “địa chỉ đỏ” đón tiếp hàng nghìn người dân và du khách thăm viếng mỗi tháng. Tại đây, người dân và du khách vẫn được thấy ngôi nhà sàn Bác ở, ao cá và vườn cây mà hằng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống vẫn tự tay chăm sóc.
Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) - nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn độc lập
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô nằm giữa khu phố cổ, trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi nhà này có hai lối ra vào là 48 phố Hàng Ngang và 35 phố Hàng Cân.
Do có vị trí thuận lợi, lại là cơ sở cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, ngôi nhà này đã được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8-1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại ngôi nhà này từ ngày 25-8 đến đầu tháng 9-1945. Tại đây, Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới; về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày Lễ Độc lập…
Tại một căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhà số 48 phố Hàng Ngang được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29-4-1979.
Khu di tích K9 (Ba Vì, Hà Nội): Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương làm việc trong giai đoạn chiến tranh
Khu di tích K9 ẩn mình trong rừng cây rậm rạp, là căn cứ địa của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm chiến đấu chống quân xâm lược.
Khu Di tích K9 cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây, nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì. Khu di tích được chia làm 4 khu: A, B, C, D. Khu A gồm những công trình được xây dựng để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương làm việc từ năm 1960-1969 và giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh 1969-1975.
Các khu B, C, D mới được xây dựng những năm gần đây phục vụ công tác quản lý địa bàn, huấn luyện bộ đội, bảo vệ khu vực và tăng gia sản xuất.
Trong những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên khu K9 làm việc và nghỉ ngơi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác từ năm 1969 đến 1975. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84.
Năm 1975, Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cẩn trọng di chuyển thi hài của Bác rời K84 về Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Ngày 2-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An - nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội
Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nơi dừng chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23-8-1945 để ra mắt quốc dân đồng bào, đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Sở dĩ, địa điểm trên được lựa chọn để Bác dừng chân nghỉ ngơi trong những ngày đầu Bác từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô là bởi nơi đây vốn là cơ sở cách mạng, từng nuôi dưỡng và bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong…
Tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An, Bác Hồ đã làm việc với các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh. Sau đó, gia đình và địa phương còn vinh dự được đón Bác về thăm vào năm 1946...
Ngày 23-8-2019, phường Phú Thượng đã tổ chức Lễ đón Bằng di tích lịch sử cấp thành phố đối với di tích này.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc - nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) những ngày này rất đông học sinh đến tham quan. Nơi đây Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946.
Theo thông tin của Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, từ ngày 3-12 đến ngày 19-12-1946.
Trong thời gian ở đây, Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng. Hội nghị cũng thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Tối 19-12-1946, Bác Hồ rời Vạn Phúc về ở và làm việc tại Xuyên Dương, một làng ven sông Đáy thuộc xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. Ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngôi nhà ba gian, hai tầng xây dựng năm 1941-1942 được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc.
Gần 70 năm qua, căn phòng nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được giữ gìn, bảo vệ tốt các di vật như: Chiếc giường gỗ, bàn viết, ngọn đèn dầu…
Ngoài những “địa chỉ đỏ” nổi tiếng từng gắn bó với những quãng đời hoạt động cách mạng, sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại nhiều địa phương của Hà Nội vẫn còn lưu giữ Nhà lưu niệm Bác Hồ, tưởng nhớ những ngày Bác về thăm và làm việc.
Theo trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản Hà Nội, tại khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) có 53 địa chỉ được Bác Hồ đến thăm và làm việc. Nhiều nơi đã xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ để trở thành những địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, có thể kể tên như: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất; Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái (nay là xã Vân Canh), Hoài Đức; Nhà lưu niệm ở xã Xuân Dương, Thanh Oai; Nhà lưu niệm Bác Hồ tại chùa Một Mái, Sài Sơn, Quốc Oai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.