Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cuộc điện thoại giữa đêm và mệnh lệnh từ trái tim

Theo Thu Hòa/CAND| 05/02/2016 10:18

Con trai cho các bác bế tí nào, không có về rồi các bác lại nhớ con”- Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng và Đại úy Hoàng Minh Cường, cán bộ Đội 3 (Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự) vụng về bế và nựng cậu bé 6 tháng tuổi vừa được giải cứu cùng mẹ từ Trung Quốc trở về.


Mọi người đặt tên cho bé là Bình An, để khép lại những ngày tháng đau khổ, trôi nổi của mẹ con cháu nơi đất khách, mong cho cháu có một cuộc sống an lành, hạnh phúc bên người thân nơi quê nhà. Có lẽ do hoàn cảnh nên bé Bình An rất ngoan, ai bế cũng theo, nụ cười con trẻ đã đẩy lùi cái rét cắt da cắt thịt của buổi sáng mùa đông Hà Nội.

Tôi may mắn có mặt tại trụ sở của tổ chức Rồng Xanh chứng kiến việc bàn giao mẹ con cháu Bình An cho gia đình để về quê đoàn tụ. Mẹ của Bình An còn rất trẻ, tên là Nguyễn Thị M. Khi đang là sinh viên năm thứ hai, do nhẹ dạ, M. đã trao thân cho một gã Sở khanh và tháng 1-2015, bị lừa bán sang Trung Quốc khi đang mang thai tháng thứ 4, cho một người đàn ông Trung Quốc tên là Lạc Hi ở Quảng Đông.


Ở nơi đất khách, M. đã sinh hạ cháu Bình An. Tuy không bị đối xử tàn tệ nhưng cuộc sống của mẹ con M. vẫn thiếu thốn đủ bề và bị giam lỏng trong gia đình “nhà chồng”. Lâu dần, do nghĩ M. có con nhỏ, khó bỏ trốn nên Lạc Hi cho M. sử dụng một chiếc điện thoại di động để chơi điện tử. Họ đã cắt các cuộc gọi đến, gọi đi, không có hệ thống facebook. Nhưng họ không lường hết M. vốn là cô gái thông minh, trong hoàn cảnh sa cơ ấy, cô đã tìm cách kết nối mạng zalo về với gia đình mình ở Việt Nam.

Từng đấy ngày tháng đi tìm con là từng đấy thời gian chị P, mẹ của M. chưa đêm nào ngừng rơi nước mắt. Cứ nghĩ đến đứa con gái nhỏ không biết giờ lưu lạc phương trời nào, sống chết ra sao, nước mắt người mẹ lại ướt đầm gối. Chị kể rằng, có đêm, đang nằm bật dậy thảng thốt, hóa ra chị mơ thấy tiếng con gái gọi mẹ cứu con ở một nơi rất xa…

Cho đến những ngày đầu tháng 10-2015, những tin nhắn qua mạng zalo đầu tiên của con gái cho mẹ khiến chị P. mừng khôn tả.

Chị bảo: “Không tìm thấy con thì đêm nào cũng khóc, con liên lạc được về mừng quá cũng khóc, sau đấy càng bồn chồn hơn vì không biết bao giờ mới đưa được con trở về quê nhà”. Nước mắt người mẹ thấm đẫm lá đơn trình báo gửi đến Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự vào ngày 16-10-2015. Với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm trong các vụ giải cứu nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, Đại tá Trần Mười, Trưởng Phòng 6 đã chỉ đạo các trinh sát của Đội 3 liên lạc với M. qua mạng zalo. Các anh đã hướng dẫn M. tìm cách biết nơi mình đang ở cùng gia đình chồng. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, M. đã tìm và chụp được chứng minh nhân dân của “người chồng” hiện tại gửi về cho các trinh sát Phòng 6.

Căn cứ vào địa chỉ này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Phòng 6 đã phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu được M. và cậu con trai 6 tháng tuổi. Trước đó, với sự tính toán khéo léo, các trinh sát đã tìm cách giám định ADN cho cháu bé để khẳng định cháu là con riêng của M., chứ không phải con trai của Lạc Hi. Do đó, mọi thủ tục trao trả 2 mẹ con M. về Việt Nam đã diễn ra thuận lợi vào ngày 6-12 vừa qua.

Bước qua địa phận Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), M. ôm chặt đứa con dứt ruột đẻ ra và òa khóc; gần một năm qua, cô đã ngóng từng giờ, từng phút ngày trở về quê nhà. Thấy mẹ khóc, Bình An mếu xệch. Thượng tá Phạm Văn Lừng (Đội phó Đội 3, Phòng 6) và cán bộ của tổ chức Rồng Xanh thay nhau bồng bế, dỗ dành cháu Bình An trên suốt chặng đường từ Móng Cái về ngôi nhà bình yên của tổ chức Rồng Xanh ở Hà Nội.

Chia tay mẹ con bé Bình An được gia đình đón trở về, ai cũng bịn rịn nhưng tất cả đều vui vì từ nay, mẹ con cháu đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Vừa đón con từ tay của các chú Công an, mắt M. rơm rớm, sự xúc động khiến lời cô nghẹn lại: “Con không biết nói thế nào để thể hiện hết sự biết ơn của con với các chú Công an, Bộ đội Biên phòng, với các cô chú ở tổ chức Rồng Xanh. Những ngày ở bên kia, đã có lúc con tuyệt vọng nghĩ không có ngày về. Nhưng hôm nay mẹ con con đã được trở về với gia đình. Con cảm ơn mọi người”...

Rồi hai mẹ con M. cùng người thân từ biệt những ân nhân. Họ xách theo những túi lớn, túi bé quần áo trẻ em do các chú Công an và tổ chức Rồng Xanh trao tặng, trong đó có một chiếc xe nôi rất đẹp dành riêng cho bé Bình An.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Phòng 6 Cục Cảnh sát hình sự đã tổ chức giải cứu 18 nạn nhân bị lừa bán sang nước ngoài. Mỗi khi giải cứu được các nạn nhân trở về, các trinh sát của Phòng 6 đã phối hợp với tổ chức Rồng Xanh tư vấn, chăm sóc cho các nạn nhân. Mục tiêu của tổ chức phi chính phủ này là phối hợp với lực lượng Công an giải cứu, giúp các nạn nhân nữ khi trở về giảm tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, bớt đi mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng.

Sau khi đưa họ trở về nhà, đội ngũ luật sư và nhân viên tâm lý của tổ chức Rồng Xanh hỗ trợ để các em bắt đầu lại một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh; thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng với sự giúp đỡ và hợp tác của chính quyền các địa phương. Ngoài ra, Rồng Xanh còn giúp đỡ các gia đình nạn nhân phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo, từ đó các em không phải bỏ học, đi làm ăn xa. Như trường hợp của cháu M, các cô chú Công an và tổ chức Rồng Xanh đã giúp đỡ cháu một số tiền khi trở về, động viên và hứa sẽ tạo điều kiện để cháu tiếp tục được theo chương trình Đại học mà cháu đang dang dở...

Trên chiếc xe ôtô trở về trụ sở Cục Cảnh sát hình sự, mỗi người một cảm xúc riêng, nhưng đều cảm thấy bâng khuâng, dù đã nhiều lần chứng kiến cảnh đoàn tụ trong nước mắt như thế. Các trinh sát Phòng 6 cho biết, còn rất nhiều cô gái đã sa vào bẫy của bọn mua bán người và đang lưu lạc nơi đất khách. Các anh, với nhiệm vụ của người Công an và trái tim của những người đang làm cha, làm anh trong gia đình, luôn cảm thông, sẻ chia, lo âu mỗi khi nhận được điện thoại hay đơn trình báo của các gia đình nạn nhân.

Thượng tá Đinh Văn Trình (Đội trưởng Đội 2, Phòng 6) được mọi người trong đơn vị gọi vui là “có duyên” với những cuộc điện thoại của phụ nữ lúc nửa đêm. Anh không nhớ chính xác mình đã nhận được bao nhiêu cuộc điện thoại kêu cứu của các nạn nhân từ nước ngoài nhưng đã rất quen và mừng khi chuông điện thoại di động bất ngờ reo vào lúc…nửa đêm. Bởi với kinh nghiệm của người trinh sát nhiều năm công tác trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm mua bán người, anh biết rằng, đó là cuộc gọi của các nạn nhân bị lừa bán đang ở nơi đất khách. Đó thường là thời điểm các cô gái bị bọn chủ bắt đi tiếp khách mua dâm. Khi khách thỏa mãn, lăn ra ngủ, các cô gái mới tìm cách lấy điện thoại của họ gọi hoặc nhắn tin để được giải cứu.

“Trong các đợt giải cứu như vậy, gần như đêm nào tôi cũng thao thức, đợi xem có tin nhắn của nạn nhân hay không. Bởi tôi biết rằng, khi nhắn tin và nhận được hồi âm, động viên của các chú Công an, họ sẽ vững tin hơn rất nhiều vì biết chúng tôi đang sẵn sàng cho việc giải cứu”, Thượng tá Trình tâm sự.

Rồi có cả trường hợp gia đình nạn nhân V. khi được báo tin về con em mình đang ở bên Trung Quốc, mang đơn cầu cứu đến từ một vùng quê cách xa trụ sở của Cục Cảnh sát hình sự hàng nghìn km. Vì sốt ruột về số phận em mình nên người chị nhất mực ở lại Hà Nội chờ bằng được các chú Công an giải cứu em trở về. Nhà họ rất nghèo nên không có tiền mang theo, các trinh sát Phòng 6 đã đưa về ở tạm nhà mình cho đến khi nạn nhân V được giải cứu trở về. Ngày hai chị em V. đưa nhau về quê, họ nước mắt ngắn dài, bịn rịn chia tay gia đình trinh sát như những người thân...

Tết đến xuân về. Giữa lúc nhà nhà vui xuân đón Tết thì rất nhiều cán bộ, chiến sỹ lặng thầm với công việc, giữ gìn một cái Tết yên vui. Và tôi biết, dù rất quý trọng những giây phút bên gia đình, nhưng Thượng tá Đinh Văn Trình cũng như rất nhiều đồng đội của anh luôn sẵn sàng đón nhận những cuộc gọi lúc nửa đêm và cả lúc giao thừa, để lên đường vì những cuộc đoàn tụ, vì cuộc sống yên vui của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cuộc điện thoại giữa đêm và mệnh lệnh từ trái tim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.