(HNMO) - Chiến tranh thế giới thứ hai bùng phát năm 1939, để lại nhiều hậu quả nặng nề cả về người và tài sản. 80 năm sau, những công trình đổ nát còn tồn tại như “vết sẹo” không thể xóa mờ về một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất lịch sử.
Làng Oradour-sur-Glane (Pháp) là nơi lực lượng Waffen-SS của Đức thực hiện vụ thảm sát đẫm máu năm 1944. Sau khi triệu tập 640 người dân đến quảng trường làng, lực lượng này sát hại nam giới bằng súng máy, thiêu sống phụ nữ và trẻ em trong một nhà thờ bị khóa chặt. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ngôi làng vẫn tồn tại đến ngày nay nhằm mục đích tưởng nhớ những người dân vô tội.
Được xây dựng từ năm 1903, tòa nhà Old Steam Mill (Stalingrad, nay là Volgograd, Nga) là công trình duy nhất trụ vững khi Đức tổ chức tấn công thành phố anh hùng này vào tháng 9-1942. Ngay cạnh tòa nhà, đài phun nước với cụm tượng tái hiện hình ảnh một nhóm trẻ em nhảy múa trước thời điểm cuộc tấn công đã trở thành biểu tượng của niềm hy vọng vĩnh cửu.
Ụ pháo tại Longues-sur-Mer (vùng Normandy, Pháp) do Đức xây dựng trong kế hoạch thành lập tuyến phòng thủ Bức tường Đại Tây Dương (Atlantic Wall). Với công trình quân sự này, Đức đã nhiều lần ngăn chặn các đợt không kích và pháo kích khi quân Đồng minh đổ bộ biển Gold và Omaha.
Pháo đài Maunsell Fort nằm trên cửa sông Thames (Anh) có nhiệm vụ đánh chặn các đợt không kích, bảo vệ các tàu hàng khi cập cảng. Những công trình tương tự cũng được xây dựng trên sông Mersey (ngoại ô thành phố Liverpool) nhưng sau đó đã được dỡ bỏ khi chiến tranh kết thúc vì gây cản trở giao thông đường thủy.
Con đường độc đạo dẫn lên đảo Cramond (Edinburgh, Scotland) đóng vai trò chiến lược quan trọng trong thời chiến. Khi thủy triều xuống, quân đội sử dụng lối đi này để đến cầu Forth và xưởng tàu hoàng gia. Ngược lại, những trụ đá lớn bên phải lối đi trở thành chướng ngại vật ngăn cản tàu ngầm.
Xác xe tăng Nhật Bản tại cảng Lelu, đảo Kosrae (Liên bang Micronesia). Dù quân Đồng minh không đổ bộ lên đảo, nơi đây vẫn là khu vực diễn ra giao tranh với các đợt không kích thường xuyên. Những xác xe tăng nằm lại đến ngày nay là minh chứng cho sự khốc liệt khi đó.
Tháp quan sát Fort Miles trên bãi biển Rehoboth (bang Delaware) là một trong số nhiều công trình tương tự do quân đội Mỹ xây dựng dọc lối vào vịnh Delaware. Tháp hoàn tất năm 1941, có nhiệm vụ bảo vệ vịnh và là nơi ở của lực lượng pháo binh bờ biển với quân số lên đến hơn 2.000 người.
Công sự trên đồi RAF Biggin (hạt Kent, Anh) là một trong nhiều công trình quân sự quan trọng của Không quân Hoàng gia, có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô London. Từ ngọn đồi này, các binh sĩ đã thành công bắn hạ hơn 1.400 máy bay địch.
Đài tưởng niệm hòa bình Atomic Bomb Dome là tòa nhà duy nhất không bị phá hủy khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) ngày 6-8-1945. Hiện nay, công trình trở thành khu vực tưởng niệm dành cho hàng chục nghìn người đã thiệt mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.