(HNM) - Suốt 14 năm qua, hai cựu chiến binh Nguyễn Phi Hiển, Đặng Văn Năm (70 tuổi) thuộc phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngày ngày miệt mài làm công việc quản trang tại nghĩa trang phường...
Những anh hùng thời chiến
Ngồi trên chiếc ghế gỗ dưới gốc cây đa già nơi nghĩa trang, ông Hiển trầm ngâm nhớ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã qua. Kỷ niệm về những ngày khói lửa hiện về khiến cơ mặt ông đôi khi co lại vì xúc động.
Ông Đặng Văn Năm (bên phải) và ông Nguyễn Phi Hiển trông coi tại nghĩa trang Trung Văn. |
Năm 21 tuổi, chàng trai Hà thành lên đường nhập ngũ. Khi ấy, nhiệt huyết tuổi trẻ sôi sục trong người thanh niên. Dòng chữ thiêng liêng thể hiện khí thế chiến đấu được ông viết bằng máu là động lực chiến đấu cho ông suốt những ngày mưa bom bão đạn. Ngày ra trận, ông không nghĩ sẽ có ngày trở về. Viết vội lá thư cho người thân rồi ném xuống đường, ông những mong người nhà biết tin Nguyễn Phi Hiển đã cùng anh em đồng chí vào chiến trường miền Nam. Ông muốn qua lá thư gửi đến những người ông yêu thương lời tâm huyết, nếu lỡ một ngày phải nằm lại chiến trường. Ông Hiển nhớ lại: "Ngày ấy, tôi là lái xe thuộc Tiểu đoàn xe Anh hùng 58, sau chuyển vào Nam, thuộc V89 Đoàn 220, Quân khu 7 vùng miền Đông Nam bộ. Đoàn xe cứ băng rừng, vượt núi mà đi. Xe đi đến đâu, công binh phải chặt cây, san đá mở đường đến đấy. Có những đoạn đường, dù trời đêm mà rực sáng lửa bom, con chuột chạy dưới đất cũng trông thấy, mình không bị trúng bom cũng may. Một viên đạn sượt qua, trúng vào đùi bên trái. Tôi xé áo, băng lại, cứ thế lái xe, về đến đơn vị thì ngất lịm vì mất quá nhiều máu. Đến bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời trong người lại bị đau nhức".
Cũng là một người lính vào sinh ra tử trong chiến trường như ông Hiển, ông Đặng Văn Năm là lính sửa chữa phà tự hành bảo đảm cho xe tăng qua sông an toàn. Ông Năm vẫn nói vui là "chuyên cõng xe tăng sang Quảng Trị". Ông Năm kể lại: "Tôi vào chiến trường năm 1965, phục vụ tại Xí nghiệp Ghép 49 trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Tôi cùng với các đồng chí, đồng đội chiến đấu suốt 18 năm dưới chân núi Thị Ve (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đã bao lần tôi cận kề cái chết. Chứng kiến các đồng đội của mình hy sinh, tôi đau xót vô cùng. Là một chiến sĩ công binh, ngày đêm bám sát những tuyến đường, bảo đảm cho các đoàn xe ra trận, dù hiểm nguy luôn rình rập, nhưng tôi luôn tin vào ngày mai, đại thắng!
Tích thiện từng ngày
Trở về từ chiến trường, ông Hiển và ông Năm lại hăng hái tham gia các hoạt động xã hội cho dù nay đã ở tuổi 70. Ông Hiển nhớ lại, năm 2000, hơn 300 hội viên Hội Cựu chiến binh phường Trung Văn họp bàn, chọn 2 hội viên làm nhiệm vụ quản trang cho phường. Vẫn nhiệt huyết như ngày nào ông Hiển, ông Năm xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ. Mỗi ông được phân trực một ngày và không thù lao.
Khu nghĩa trang xã Trung Văn chìm trong vắng lạnh, cảnh vật nơi đây hiu quạnh khiến nhiều người ngần ngại khi bước vào và hình dung cái dốc bên kia cuộc đời rất gần với mình. Thế nhưng, những cựu chiến binh già như ông Hiển, ông Năm vẫn lặng lẽ, trầm ngâm ngày ngày chăm chút cho những linh hồn của người đã nằm xuống. Công việc cứ lặng thầm và cẩn trọng với nhiều việc không tên cứ lặp đi lặp lại. Hai ông tự tay dọn cỏ, nhặt rác, vun xới lại những nấm mồ không được bàn tay người thân chăm sóc thường xuyên. Với khoảng 1.200 ngôi mộ, trong đó có khoảng 200 ngôi mộ vô danh đều lần lượt được các ông quét dọn, hương khói. Suốt 14 năm qua, những khi tết đến xuân về, ông Hiển, ông Năm đều bỏ tiền túi đến hàng triệu đồng để hương khói cho người nằm dưới những ngôi mộ vô danh và cầu mong cho những linh hồn người đã khuất ấy bớt lạnh lẽo trong tình yêu thương, sum vầy của người ở lại.
Công việc cứ lôi cuốn từ mờ sáng đến tối mới mò mẫm về nhà mà không một lời than thở. Cứ thế, dấu chân hai người cựu chiến binh già đã in hằn khắp khu nghĩa trang rộng đến 4ha vắng vẻ này. Nhìn gương mặt tươi sáng và nụ cười đôn hậu, vô tư của ông Năm, ít ai có thể nghĩ rằng, người cựu chiến binh già đang mang trong mình căn bệnh ung thư phổi. Mỗi lần phải vào viện truyền dịch, truyền hóa chất gia đình ông lại tốn kém đến cả chục triệu đồng. Sức khỏe đã yếu, đôi tay đã không còn rắn rỏi như xưa, nhưng ông Năm vẫn nhất định không chịu rời xa công việc. Ông tâm sự, những ký ức của một thời bom đạn, hình ảnh những người đồng chí đồng đội nằm xuống nơi chiến trường luôn khiến ông day dứt. Dẫu biết sinh tử là sự nghiệt ngã của chiến tranh, của số phận nhưng ông không khỏi đau lòng. Ông tình nguyện làm quản trang ở phường như một cách xoa dịu những day dứt trong tim và làm thêm nhiều điều có ích cho xã hội. Ông khẳng khái và lạc quan: "Đã ra đây rồi, đó là nhiệm vụ của hội giao. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt. Còn sức thì còn chiến đấu chứ!".
Ngoài công việc quản trang, hai cựu chiến binh già còn có những đóng góp kỳ diệu mà ít có người trẻ khỏe nào làm được. Đó là vào khoảng 10 năm trước, khi xung quanh nghĩa trang Trung Văn chỉ là cánh đồng hoang vu, người qua lại rất ít và nơi đây vô tình đã biến thành điểm đến lý tưởng cho những con nghiện. Ông Hiển nhớ lại: "Ngày ấy, không kể đêm ngày, hàng chục con nghiện thay nhau ra vào nghĩa trang hút, chích. Nhiều lần, người nghiện đến tiêm chích và còn muốn "mượn" xe máy của các ông để đem bán vì nghĩ các ông tuổi đã già. Tuy nhiên, với bản lĩnh và sự cứng rắn của những người lính Cụ Hồ, các ông không những khống chế các đối tượng nghiện mà còn khuyên răn, cảm hóa những người trẻ lầm lỡ.
Trong năm 2013 vừa qua, ông Hiển đã cứu được một trong 2 cháu bé bị đuối nước khi các cháu này tắm ở hồ lớn gần nghĩa trang. "Lúc ấy, nghe tiếng kêu cứu, tôi cứ thế quần dài nhảy ùm xuống nước. Nhiều người khi ấy cũng có mặt, nhưng vì không biết bơi nên đành chịu", người cựu chiến binh già nhớ lại. Cứu được một cháu, còn một cháu không may mắn, ông lại cùng với người thân trong gia đình người xấu số lo mai táng giúp. Ông Hiển tâm sự: "Cả tuổi lính lẫn tuổi quản trang của chúng tôi đã ngót nghét 30 năm rồi. Lãnh đạo phường bảo chúng tôi còn sức khỏe thì phục vụ ở đây thêm 2-3 năm nữa. Tôi chỉ mong có được sức khỏe để cống hiến thật nhiều cho xã hội chứ không có gì ngần ngại hết".
Ông Ngô Quyết Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trung Văn đã nhận xét: "Ông Hiển và ông Năm là những hội viên cựu chiến binh đã cao tuổi nhưng làm việc rất có trách nhiệm. Các ông nhiệt tình trong vai trò quản trang cũng như công tác hội. Không những vậy, hai ông còn có nhiệm vụ thay mặt địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt hơn tổ chức tang lễ văn minh, tiến bộ. Các ông thật sự là tấm gương tốt cho mọi người noi theo".
Hà Nội những ngày này mưa nắng thất thường. Hai người cựu chiến binh quản trang vẫn lặng lẽ đội mưa, nắng đi về. Họ đơn giản chỉ ước mong việc làm bình dị của mình sẽ phần nào chăm sóc cho vong linh những người đã khuất đỡ quạnh hiu, đóng góp vào sự bình an cho xã hội và tích đức cho con cháu về sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.