(HNM) - Những giai thoại của tiểu đội
Kiểm tra xe sau bảo dưỡng, sửa chữa tại Binh đoàn Quyết thắng. |
Từ những chuyến xe đầu tiên
Nói về truyền thống của những chuyến xe làm nên lịch sử qua hai cuộc kháng chiến, Đại tá Phạm Văn Lập, Chính ủy Cục Xe - máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng không giấu nổi xúc động: "Truyền thống 55 năm của đơn vị kể từ chiếc xe mang tên "quốc tế" do ta lắp đặt trên cơ sở các hệ thống xe thu được của địch phục vụ Bác Hồ tại Việt Bắc đến những tiểu đội "xe không kính" vào ra chiến trường trong mưa bom bão đạn quân thù đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND mà chúng tôi vinh dự đón nhận trong những ngày tháng tư lịch sử này".
Đóng góp của những đoàn xe vận tải trong hai cuộc kháng chiến thực sự quan trọng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mới chỉ có 700 chiếc xe ô tô ngày đêm vượt đèo, vượt núi chở thuốc men, đạn dược cho bộ đội thì trên tuyến vận tải Trường Sơn, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược, Bộ Quốc phòng thành lập các sư đoàn khu vực 471, 472, 473, 571. Cục Xe - máy đã tổ chức 3 tiểu đoàn ô tô vận tải và 5 trạm sửa chữa cơ động sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu và tổ chức bảo đảm trang bị, kỹ thuật xe - máy cho các đơn vị với gần 6.000 ô tô. Riêng mùa khô 1970-1971, số xe vận tải của đoàn 559 bị máy bay địch bắn phá là 2.432 chiếc, Cục Xe - máy kịp thời chỉ đạo tổ chức, sửa chữa bổ sung cho Trường Sơn trên 2.000 xe vận tải, hàng nghìn tấn vật tư, đưa số đầu xe hoạt động trên toàn tuyến lên 8.000 xe.
Cùng với hàng nghìn chuyến xe phục vụ cho các chiến dịch lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, một thành tích không nhỏ của Cục Xe - máy đã được ghi nhận là việc tạo dựng hàng nghìn kilômét đường ống dẫn dầu nối từ Bắc vào Nam cùng hàng trăm trạm sửa chữa ngay trong lòng đại ngàn Trường Sơn kịp thời thay thế, khắc phục xe - máy hỏng.
Theo Đại tá Phạm Văn Lập, năm 1961 là một dấu mốc đáng ghi nhớ, do yêu cầu của chiến trường, những chuyến hàng gùi thồ theo đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn được bổ sung bằng vận chuyển cơ giới. Giai đoạn đầu vượt Tây Trường Sơn bằng xe cơ giới, bộ đội ta vẫn sử dụng chiếc xe Gat 63 từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sứ mạng lịch sử đó được giao cho đại đội của Thiếu úy Hoàng Công Vân. Về hưu với cấp bậc Thượng tá, ông Hoàng Công Vân giờ đã sang tuổi 83, sống tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị, nhớ lại... Đường dây 559 thành lập, ông Vân là Đại đội trưởng C8 chỉ huy 36 chiếc Gat 63, nhận thêm C7, C10 sẵn sàng lên đường. 108 chiếc trung xa Gat 63 có sức chở chỉ 2 tấn hàng hóa/một xe xuất phát từ Hà Nội theo đường 1, đến Quảng Bình rẽ sang đường 12 qua bến phà Đụn Lợi vượt Khe Tang, Khe Dịch quặt sang đường 159 đến Booc Ba Năng qua đèo Mụ Giạ sang đất bạn Lào. Hàng tập kết an toàn tại Xóm Péng tỉnh Xavanakhet. Chuyến đi đầu tiên đó thành công rực rỡ, cả 108 xe đều lành lặn.
Nối tiếp truyền thống hôm nay
Từ trong khói lửa chiến trường, lính lái xe từ thời Điện Biên Phủ vẫn truyền nhau câu "Xăng là máu/Xe là con/Đừng để con mòn/Đừng để máu rơi". Đây là tiền đề cho những huyền thoại sau này về lái xe Trường Sơn, như thu hút máy bay địch cho cả đoàn xe qua… Bác Nguyễn Đạt Lý ở Đông Hà, Quảng Trị, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, nguyên sỹ quan thuộc Binh trạm 32, Binh đoàn 12, đã sang tuổi 75, vẫn nhớ những câu chuyện của chiến sĩ lái xe: Từ chuyến hàng đầu tiên, họ đã nghĩ ra chiến thuật vọt tiến phóng nhanh qua các trọng điểm, dựa vào các báo cáo của công binh, từng trung đội xe nối nhau đi qua. Trong trường hợp có máy bay ném bom, anh em lái xe phối hợp nhịp nhàng với phòng không và công binh vừa đánh lạc hướng, vừa hạ máy bay địch. Về phía bộ đội sửa chữa, bảo dưỡng, anh em không ngừng cải tiến như lắp thêm xích vào bánh cho xe khỏi trượt, phổ biến cho người lái kỹ thuật lấy đà, phá bom từ trường bằng cách quăng con dao rừng ra phía trước cho bom nổ. Những chiến thuật, kỹ thuật mới xuất hiện cùng nhiều tấm gương quả cảm như Anh hùng Lực lượng vũ trang Cao Duy Thuần chiến sĩ lái xe, Anh hùng Phùng Văn Lìu cán bộ sửa xe...
Đại tá Trần Hùng Nam, Cục trưởng Cục Xe - máy, Tổng cục Kỹ thuật cho biết: "Truyền thống 55 năm trưởng thành của đơn vị được xây dựng từ 16 chữ vàng do Bác tặng "Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ" với 4 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ cùng 2 nhà máy, 1 nhà kho được phong tặng danh hiệu cao quý này trong thời kỳ đổi mới là động lực để mỗi cán bộ chiến sĩ trong lực lượng phấn đấu hơn nữa".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.