Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “chiến binh” thầm lặng phòng, chống dịch

Kim Vũ| 01/07/2021 06:29

(HNM) - Trong suốt một năm rưỡi qua, chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội... kiên cường, bền bỉ chiến đấu với "giặc" Covid-19 nơi tuyến đầu. Còn ở hậu phương, cũng có không ít những "chiến binh" thầm lặng tại các khu dân cư. Họ có thể là bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, hội viên hội phụ nữ… Tất cả đều cống hiến hết mình, góp phần cùng Thủ đô và cả nước đẩy lùi đại dịch.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) chuẩn bị suất ăn cho các thành viên 16 chốt kiểm soát y tế trên địa bàn.

“Cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở

70 tuổi, độ tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, nhưng ông Trần Trung Thành, Tổ trưởng tổ dân phố 6 phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hằng ngày vẫn cần mẫn với công việc của cộng đồng. "Sau khi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, tôi đã sử dụng loa tay đi tuyên truyền, kêu gọi mọi người ủng hộ quỹ. Theo đó, từ ngày 11 đến 14-6, đã có 280 hộ dân trong tổ đến Nhà văn hóa tổ dân phố số 6 để ủng hộ trực tiếp với số tiền gần 91 triệu đồng", ông Thành chia sẻ.

Nhắc đến ông Trần Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh đánh giá cao về sự nhiệt tình, tận tụy với công việc chung. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Thành đã triển khai nhiều việc làm thiết thực để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Xông xáo, không quản ngại khó khăn, vất vả là những lời nhận xét mà người dân địa phương dành cho Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Lý 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Trần Văn Hưng. Cũng đã 70 tuổi nhưng ông Hưng luôn nhanh nhẹn, hoạt bát khi xử lý công việc của tổ dân phố. Đầu tháng 6 vừa qua, tổ dân phố Phúc Lý 2 có đôi vợ chồng trở về từ một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang. Nắm được thông tin, ông Hưng lập tức rà soát số nhà và báo cáo UBND phường yêu cầu cách ly tại gia đình. Ông cũng thông báo cho người dân trong cụm dân cư, ngõ xóm biết để cùng thực hiện biện pháp phòng, chống dịch.

Mới đây nhất, UBND thành phố cho phép các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời hoạt động trở lại từ ngày 26-6, nhưng không quá 20 người trong một khu vực. Triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, quận Bắc Từ Liêm và phường Minh Khai, hằng ngày, ông Hưng có mặt tại các sân thể thao, nhà văn hóa, công viên trên địa bàn để nhắc nhở người lớn, trẻ em bảo đảm giãn cách. Miệt mài đến khoảng 20h, ông Hưng mới trở về nhà ăn tối.

“Dù không được thoải mái tập thể dục như trước, nhưng không ai cảm thấy khó chịu, thậm chí là cảm kích vì sự tận tâm, kiên trì tuyên truyền của ông Trần Văn Hưng”, chị Trần Thu Trang, nhà ở đường 32 (quận Bắc Từ Liêm) nhận xét. Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai Hoàng Thị Chiên, ông Trần Văn Hưng thực sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hết lòng vì cộng đồng

Đại diện Tổ dân phố số 28 phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) trao hỗ trợ cho gia đình bà Lê Thị Minh số nhà 28/91 đường Nguyễn Phúc Lai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn đóng góp của người dân.

Khác với ông Thành, ông Hưng phải dùng loa tuyên truyền, Tổ trưởng tổ dân phố số 28 phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Phùng Thị Kim Thoa thuận lợi hơn trong công việc, do người dân ở đây thành thạo sử dụng mạng xã hội Zalo. Sau khi phường Ô Chợ Dừa kêu gọi người dân trên địa bàn đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 và Quỹ phòng, chống Covid-19, bà Thoa đã gửi thông tin vào nhóm cư dân Tổ dân phố số 28 trên Zalo và đến nay đã nhận được 50 triệu đồng của người dân địa phương ủng hộ quỹ.

Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Hoàng Hoài Loan nhận xét, bà Phùng Thị Kim Thoa có phương pháp làm việc khéo léo, hết lòng vì cộng đồng nên luôn đạt hiệu quả cao trong công việc, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, tình nguyện nấu những suất ăn nghĩa tình tặng các thành viên tại chốt kiểm soát y tế là công việc mà Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) Nguyễn Thị Hợp cùng các hội viên đã làm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn xã hồi giữa tháng 5 vừa qua. Việc nấu ăn 3 bữa/ngày, mỗi bữa 60 suất ăn cho 16 chốt kiểm soát y tế trong 21 ngày liên tiếp không hề đơn giản. Nhưng với chị Hợp và các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tô Hiệu thì đó là trách nhiệm của hậu phương, là sự sẻ chia khó khăn với những người đang ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” phòng, chống dịch bệnh. Đầu tháng 6-2021, khi các điểm phong tỏa được dỡ bỏ cách ly, chị Hợp tiếp tục tham gia tổ Covid-19 cộng đồng để nhắc nhở, giám sát người dân chung sức chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản đánh giá cao những việc làm ý nghĩa, thiết thực của chị Nguyễn Thị Hợp nói riêng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tô Hiệu nói chung; đồng thời mong muốn, tinh thần chung sức, đồng lòng đó tiếp tục lan tỏa trong toàn huyện.

Tin tưởng rằng, với nhiều "chiến binh" ngày đêm miệt mài đóng góp tâm trí, sức lực để chung sức cùng chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội sẽ cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “chiến binh” thầm lặng phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.