Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ''chiến binh'' quả cảm

Nhóm phóng viên| 16/10/2021 06:19

(HNM) - Xung phong vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia điều trị cho những bệnh nhân nặng, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19, đến nay, gần 200 y, bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, về đến Hà Nội. Vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc chiến cam go giành sự sống cho người bệnh, những “chiến binh” quả cảm đều giữ cho mình kỷ niệm đáng nhớ. Với họ, đây là chuyến công tác dài nhất, vất vả nhất, nhưng cũng đáng tự hào nhất.

Niềm vui của các y, bác sĩ  Trung tâm Cấp cứu A9 thuộc Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh nhân mắc Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh trong ngày ra viện. Ảnh: Văn Đạo

Những khoảnh khắc không bao giờ quên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Đào Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) cùng các cán bộ y tế thuộc Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Y học cổ truyền Phục hồi chức năng Bắc Ninh, bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội đều xác định việc xung phong tham gia điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng tại thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh dự.

Đây là công việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho nhóm đối tượng người bệnh đặc biệt, chưa từng trải qua nên lúc đầu các y, bác sĩ gặp không ít trở ngại. Việc thường xuyên mặc bộ quần áo bảo hộ kín trong thời tiết nóng bức để thực hiện các kỹ thuật tập luyện cho người bệnh nặng phải thở ô xy dòng cao và thở máy khiến anh chị em luôn ướt sũng mồ hôi, mệt mỏi do mất nước. Ngoài ra, các cán bộ y tế phục hồi chức năng phải tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài với người bệnh Covid-19 nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Là Trưởng khoa Phục hồi chức năng trực thuộc Trung tâm Hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Đào Vũ luôn quan tâm, động viên cán bộ trong khoa xác định phải là một tập thể đoàn kết, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ mà lãnh đạo bệnh viện đặt niềm tin. Những ngày tháng qua là một trải nghiệm mà chỉ những ai dũng cảm vượt qua sợ hãi, dám dấn thân vào khó khăn mới có được.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tất cả đoàn công tác là khi bệnh nhân nặng đầu tiên được rút ống thở, tập phục hồi chức năng hô hấp, vận động tích cực và được trở về gia đình. Khi đến tái khám bệnh nhân tại nhà, hình ảnh người bệnh trở lại cuộc sống bình thường, bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ và yêu thương cán bộ y tế là nguồn động viên, khích lệ chúng tôi trong công việc hằng ngày”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Đào Vũ chia sẻ.

Với bác sĩ Trang Linh, Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), kỷ niệm là những ca làm việc hối hả trong tiếng chuông báo dồn dập của máy theo dõi sức khỏe bệnh nhân; là tiếng bộ đàm phối hợp cấp cứu, điều trị... khiến đội ngũ y, bác sĩ không còn thời gian để nhớ đến ngày, tháng mà chỉ mong số ca bệnh, số bệnh nhân tử vong giảm.

Bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thành Dương

Hoàn thành sứ mệnh cao cả

Cũng như Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Đào Vũ và các đồng nghiệp, đoàn công tác của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) gồm 21 y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý theo lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Y tế, sự động viên của lãnh đạo bệnh viện đã xung phong vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch với quyết tâm vượt khó, hoàn thành sứ mệnh cao cả. Theo bác sĩ Ngô Văn An (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới), áp lực công tác chuyên môn là chưa từng có, cùng với đó là những khó khăn từ việc thích nghi với khí hậu, đồ ăn... và nỗi nhớ gia đình.

Nhưng giữa sự sống và cái chết mong manh của người bệnh Covid-19, mục tiêu duy nhất của nhân viên y tế là cứu người. “Trong 2 tháng công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, với chúng tôi, mỗi một bệnh nhân nặng thở máy được cứu sống là động lực rất lớn cho tinh thần chiến đấu của đội ngũ y bác sĩ”, bác sĩ Ngô Văn An tâm sự. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 16 thành phố Hồ Chí Minh cũng tự hào chia sẻ, sứ mệnh “anh cả” của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành.

Chúc mừng Đoàn công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh trở về an toàn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Những ngày chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh tuy gian nan, vất vả nhưng sẽ là những trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời của mỗi chúng ta”.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao nỗ lực tận tâm của các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 16 thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần giảm số lượng bệnh nhân nặng, giảm số ca tử vong ở bệnh nhân Covid-19.

Cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, góp phần giúp thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh, những “chiến binh” quả cảm của Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong trận chiến chống Covid-19.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ''chiến binh'' quả cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.