(HNM) - Từ những bao tải bỏ đi, cô và trò Trường THCS Việt Hùng, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã làm ra những chiếc túi xách nhỏ xinh xắn, tiện dụng trong cuộc sống hằng ngày, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và cộng đồng.
Cô Phạm Thị Tuấn hướng dẫn các em học sinh làm túi thân thiện từ bao tải, bao cám bỏ đi. |
Nhìn những chiếc túi dùng để đi chợ, đi chơi, đi học với đủ kích cỡ, được trang trí bắt mắt, hợp thời trang do cô và trò Trường THCS Việt Hùng tự tay tạo ra, không ai nghĩ rằng đây là sản phẩm được tái chế từ những bao tải đựng cám, gạo đã bỏ đi. Khoe sản phẩm tự tay mình làm ra, em Đặng Kim Ngân, học sinh lớp 9A phấn khởi: “Ban đầu cô, trò chúng em định làm túi từ quần áo cũ, nhưng sau đó quyết định chọn bao tải. Sản phẩm rất chắc chắn, riêng phần trang trí được khâu tay”.
Cô giáo Phạm Thị Tuấn, tác giả của những chiếc túi thân thiện cho biết: Năm 2017, hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, các cô giáo cùng với học sinh trong trường đã lên ý tưởng tái chế đồ cũ. Bằng việc dùng vỏ bao tải, vải cũ… đã qua sử dụng, cô và trò đã sáng tạo thành túi đi chợ, đi chơi, đi học… “Sản phẩm “Túi thân thiện” được làm ra với mục đích chính là giáo dục ý thức học sinh bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn vận động chị em phụ nữ “nói không” với túi ni lông, vừa tiết kiệm kinh phí vừa góp phần giải quyết tình trạng rác thải quá nhiều hiện nay” - cô Phạm Thị Tuấn chia sẻ.
Để làm ra những chiếc túi thân thiện, cô giáo hướng dẫn các em học sinh giặt sạch bao tải đã qua sử dụng, cắt thành hình túi, sau đó vẽ phác họa hình ảnh, lấy vải vụn trang trí rồi khâu hoặc dùng máy may… “Một bao tải làm được từ 1 đến 2 túi. Mỗi túi được trang trí thêm bằng cách vẽ, khâu tạo kiểu, đính hoa, hạt cườm… Sản phẩm có thể giặt thoải mái mà không bị hỏng. Điều quan trọng của sản phẩm "Túi thân thiện" là phát huy tính sáng tạo của học sinh, nhất là những ý tưởng độc đáo, mới lạ của các em...” - cô Tuấn cho biết thêm.
Nhiều học sinh của Trường THCS Việt Hùng cho biết: Trước đây, những vật dụng không còn sử dụng như quần áo, chai lọ cũ…, các em thường vứt bỏ. Từ khi được cô Tuấn và các cô trong trường truyền đạt ý tưởng, học sinh đã có ý thức tái chế đồ cũ thành đồ vật có ích. Không chỉ học sinh hào hứng tham gia tái chế rác thải mà phụ huynh học sinh cũng rất ủng hộ cách làm này của cô và trò. Chị Đặng Thị Trọng, ở thôn Gia Lương, xã Việt Hùng, phụ huynh của em Đặng Kim Ngân chia sẻ: “Khi cháu mang những chiếc túi tự làm về, tôi rất vui vì cháu đã học được cách làm ra sản phẩm từ rác thải, lại còn đẹp. Túi tái chế gọn, nhỏ, ưa nhìn và có thể sử dụng thuận tiện để đựng các vật dụng sinh hoạt khác trong gia đình. Tôi hết sức tạo điều kiện, thời gian để cháu có thể tham gia những buổi học ngoại khóa có ích như vậy”.
Ngoài việc tự tay làm ra những chiếc túi thân thiện, các em học sinh sau khi được cô giáo phổ biến kiến thức về môi trường còn tự giác tuyên truyền tới người thân và bạn bè về việc làm có ích này. Em Đặng Kim Ngân cho biết: “Em đã nói với các bạn, nếu có bao tải đã qua sử dụng, không nên bỏ đi mà hãy đưa cho em hoặc học cách làm ra các sản phẩm túi thân thiện như chúng em đã làm”.
Sản phẩm “Túi thân thiện” được làm từ bàn tay khéo léo, tư duy thông minh của cô và trò Trường THCS Việt Hùng, huyện Đông Anh vừa phát huy tính sáng tạo, vừa góp phần nhỏ vào định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh. Chính vì thế, đây là một trong 22 sản phẩm được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá cao và tặng Bằng khen “Sản phẩm sáng tạo năm 2017”.
Khi được hỏi, cô và trò có muốn nhân rộng mô hình này ra các trường khác trong huyện, cô Tuấn nói: “Tôi rất muốn được chia sẻ việc làm này cho các giáo viên ở các trường trong huyện và địa phương khác, để cùng nhau gìn giữ môi trường và góp phần giáo dục ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống ở địa phương...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.