Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những câu hỏi có tính toàn cầu

Quang Huy| 30/05/2021 05:14

(HNMCT) - Sự xuất hiện ngày càng nhiều những kênh nội dung cho thiếu nhi có lợi nhuận siêu khổng lồ đang đặt ra những câu hỏi có tính toàn cầu: Phải chăng ai cũng có thể làm nội dung cho thiếu nhi? Làm thế nào để thiếu nhi không trở thành công cụ kiếm tiền cho người lớn? Phải làm gì để lựa chọn nội dung phù hợp cho con cái mình?

Ryan Kaji là YouTuber có thu nhập cao nhất thế giới năm 2019 khi mới 8 tuổi.

Trẻ bị lạm dụng để kiếm tiền

Trong số những kênh YouTube có lượng người xem cao nhất hiện nay, không ngạc nhiên khi có sự xuất hiện của nhiều kênh dành cho trẻ nhỏ. Năm 2019, cậu bé Ryan Kaji, khi đó mới 8 tuổi ở bang Texas (Mỹ) đã trở thành YouTuber có thu nhập cao nhất thế giới với 26 triệu USD/năm (khoảng 602 tỷ đồng). Ryan Kaji là chủ nhân của kênh YouTube Ryan’s World với 22,9 triệu người đăng ký. Nội dung của kênh này chủ yếu là giới thiệu đồ chơi - nội dung phổ biến bậc nhất của các kênh YouTube dành cho thiếu nhi. Với thu nhập khổng lồ từ hoạt động này, cả gia đình Ryan đã tập trung cho việc phát triển kênh.

Trong danh sách những cô bé, cậu bé kiếm nhiều tiền trên YouTube còn có cô bé người Nga Anastasia Radzinskaya với thu nhập 18 triệu USD/năm. Radzinskaya là một cô bé mắc chứng bại não, sinh ra ở miền nam nước Nga. Cô bé thường xuất hiện trong các video cùng với người cha của mình. Diana - cô bé 7 tuổi người Ukraina sở hữu kênh Kids Diana Show với 76 triệu người đăng ký cũng là một “gương mặt vàng” với thu nhập khủng từ YouTube.

Bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2015, tính đến tháng 4-2021, Kids Diana Show là kênh YouTube đứng thứ 5 trong danh sách kênh được đăng ký nhiều nhất trên thế giới. Nội dung kênh này tập trung vào những giờ chơi của cô bé cùng với người anh trai Roman với những bài hát cho trẻ em, mở hộp đồ chơi, vlog và nội dung mang tính giáo dục. Kênh YouTube của hai anh em Vlad và Niki cũng rất nổi tiếng với 64 triệu người đăng ký theo dõi...

Những con số khổng lồ được “thu hoạch” từ những nội dung không phải quá sáng tạo đã kích thích rất nhiều gia đình đầu tư cho con cái làm YouTube. Tuy nhiên, chính điều đó cũng đẩy trẻ em đến với những câu chuyện đau lòng vì bị lạm dụng để kiếm tiền. Năm 2017, truyền thông Hàn Quốc đã lên tiếng cáo buộc những người giám hộ của bé Boram, một YouTuber nổi tiếng của nước này, cho rằng họ đã kiếm tiền bằng cách đặt đứa trẻ vào tình huống có thể khiến chúng bị suy sụp về tinh thần. Ngoài ra, việc thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em.

Năm 2019, bà Machelle Hackney, người đứng sau kênh YouTube nổi tiếng Fanstastic Adventures ở Arizona (Mỹ) đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng những đứa trẻ mà bà nhận nuôi để sản xuất video. Machelle Hackney thường xuyên tra tấn và nhốt 7 đứa trẻ trong tủ quần áo rồi bỏ đói chúng trong nhiều ngày liền. Những đứa trẻ tội nghiệp nói với cảnh sát rằng "mẹ Hackney" sẽ tra tấn nếu chúng không tham gia hoặc diễn xuất chưa tốt trong các video. Chỉ cần mắc 1 lỗi nhỏ, chúng sẽ bị xịt hơi cay hoặc bỏ đói... Đây chỉ là một trong số vô vàn trường hợp trẻ em bị lạm dụng. Và chắc chắn rằng, ngay cả với những vụ việc chưa được phát hiện thì việc phải liên tục sản xuất video phục vụ người xem cũng là một áp lực không nhỏ với những đứa trẻ ở độ tuổi dưới 10.

Phụ huynh phải là người thẩm định

Không cần phải tranh cãi, tính giáo dục là một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc sáng tạo nội dung cho thiếu nhi từ trước tới nay. Nhưng với những nền tảng số, đâu mới là yếu tố quan trọng nhất để hấp dẫn được các em? Một nghiên cứu được thực hiện với các bé có độ tuổi từ 3 - 8 tại Mỹ năm 2019 cho thấy: Trẻ nhỏ tin rằng video YouTube tốt cho việc học tập hơn là các chương trình truyền hình hoặc video ở các nền tảng khác. Các em tin những người trong video YouTube giống thật hơn những người trên ti vi. Chính điều này thúc đẩy trẻ tìm kiếm và xem các nội dung trên YouTube.

Việc sử dụng mạng xã hội YouTube là một xu hướng có tính toàn cầu và rất khó cưỡng. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trẻ nhỏ phải sử dụng các phương tiện điện tử như một cách thay thế phương pháp học truyền thống. Tuy nhiên, những nội dung trên YouTube dành cho trẻ em lại không hề được thẩm định, đặc biệt là tính giáo dục không cao.

Một khảo sát ở Mỹ cũng cho thấy khoảng 81% phụ huynh có con từ 11 tuổi trở xuống cho con mình xem video trên YouTube, 34% cho phép con mình làm điều này thường xuyên. Khoảng 64% người dùng cho rằng họ đã gặp phải những video rõ ràng là không đúng sự thật, 60% cho biết họ gặp phải những video cho thấy mọi người tham gia vào hành vi nguy hiểm hoặc gây phiền hà.

Gần như không có một cách lý tưởng nào để quản lý tất cả các nội dung trên mạng xã hội, do vậy, các nhà giáo dục khuyên các bậc phụ huynh nếu muốn tận dụng đúng sức mạnh của YouTube thì phải là người thẩm định trước cho con cái mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những câu hỏi có tính toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.