Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những câu chuyện bây giờ mới kể

Nguyễn Triều| 16/04/2014 07:40

(HNM) - 57 năm tồn tại, Báo Hànộimới có 7 Tổng Biên tập và một thời gian do một Phó Tổng Biên tập lãnh đạo. Trong làng báo Việt Nam, Hànộimới có vị thế đáng nể về tầm vóc, vật chất, nhân tài và đã đạt được mọi thành tựu mà các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… chứ không chỉ các cơ quan báo chí, đều mong ước.

Báo đã giành được mọi giải thưởng có thể có của Hội Nhà báo Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động (cả ba hạng), Huân chương Hồ Chí Minh và mới đây là danh hiệu Anh hùng Lao động. Nói chung là rất đáng nể, rất đáng tự hào. Chỉ có những tờ báo hội tụ được đầy đủ tiềm lực mới có thể vươn tới đỉnh cao như thế.

Tôi về báo năm 1985, trước đó báo đã qua hai thời Tổng Biên tập. Tổng Biên tập thứ nhất, "khai quốc" là ông Đinh Nho Khôi, thứ hai là ông Dương Ngà. Với ông Dương Ngà hình như báo chỉ là trạm trung chuyển - ông cầm cờ chừng một năm rồi chuyển giao cho ông Hồng Lĩnh. Đó là năm 1969. Những năm về báo tôi chưa bao giờ nghe các tiền bối nói đến quãng thời gian này.

Ban Biên tập duyệt maket ấn phẩm Hà Nội Ngày nay.


Khi ông Đinh Nho Khôi còn sống tôi không biết, nhưng tôi là người cuối cùng vuốt mắt ông và giúp nhân viên lễ tang thay áo trước khi nhập quan, tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Mới về báo tôi quen Thanh Toàn, họa sĩ. Toàn là chồng Thu Hương, làm bên nhà in, con gái ông Khôi. Hai vợ chồng trông nom ông khi liệt giường nên tôi thỉnh thoảng đến thăm. Thế nên tôi mới được phép tham gia nghi lễ đó. Và không biết có phải một phần vì thế hay không mà ông anh linh phù hộ cho tôi có được một cuộc đời làm báo thật sự tuyệt diệu.

Từ giã chức Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội sang Hànộimới làm Tổng Biên tập, ông Hồng Lĩnh cũng tiếp quản luôn một thế hệ nhà báo "vàng". Đó là những nhà báo chuyên nghiệp thuộc thế hệ làm báo đầu tiên ở Hà Nội trước cách mạng, những nhà báo bẩm sinh uyên thâm, lịch lãm như các ông Trương Uyên, Phấn Đấu, Quang Cát; những tiền bối cách mạng như ông Doãn Chiêm, Thanh Thủy, Đinh Nho Tứ; những anh tài tên tuổi như nhà thơ Yên Thao, Phan Thị Thanh Nhàn, dịch giả Dương Linh, họa sĩ tài tử Lê Văn Hiệp… Những con người nhân hậu, vị tha, làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Bản thân Tổng Biên tập Hồng Lĩnh cũng vậy. Nhẹ nhàng, nhân ái, bao dung. Và rất nghiêm túc. Một lần tôi hỏi:

- Sao chẳng bao giờ cháu thấy bác bực mình hay cáu gắt gì cả. Lúc nào trông bác cũng nhàn nhã, cháu chỉ thấy bác cười…

Ông Hồng Lĩnh nhìn tôi, nheo nheo mắt. Ông có cái cười rất lạ. Nó thật nhẹ, thoáng qua như cơn gió mồ côi trưa hè oi bức nhưng để lại cả một vùng trời mát lành. Không biết người khác ra sao chứ tôi thích nhìn ông Hồng Lĩnh cười. Thật dịu dàng, yên ả. Tôi hỏi và ông cười. Rồi ông vẫy tôi lại gần, nói như thì thầm:

- Cái cậu này. Mà cậu thấy thế thật à? Cậu biết câu "Kỷ luật là tự do" chứ. Khi mình tuân thủ đàng hoàng mọi quy định, kỷ cương thì còn gì phải lo sợ nữa. Người sẽ thanh thản, nhẹ nhàng…

Ngoài nụ cười hiền lành và kỷ luật tự giác, Tổng Biên tập Hồng Lĩnh còn một nguyên tắc "vàng". Bài nào không chấp nhận, ông không bao giờ nói bỏ đi, mà chỉ cho một dòng bút đỏ ngay dưới đầu bài - Để trao đổi thêm! Để trao đổi thêm thực chất là không bàn thêm, không trao đổi thêm! Giai đoạn ông Hồng Lĩnh làm Tổng Biên tập, mọi người tương ái tương thân, đoàn kết xung quanh chữ Nhẫn, và suốt 19 năm, từ 1969 đến 1988!

Những năm tháng yên bình ấy chấm dứt khi đất nước chuyển mình đổi mới. Năm 1987 nhà báo Hồ Xuân Sơn được điều về làm Phó Tổng Biên tập và năm sau chính thức cầm cờ. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn từng là phóng viên kỳ cựu của Báo Tiền Phong, nhận bằng phó tiến sĩ triết học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô. Ông là người mạnh mẽ, năng động, quyết đoán, nhìn xa. Ngày ông vừa nhậm chức thì tôi công tác phương Nam về, viết một bài rõ dài kể những sự lạ lùng của TP Hồ Chí Minh lúc đó rồi nộp cho một Phó Tổng Biên tập. Đang đứng chỗ thường trực, thấy ông ấy ra vẫy tôi lại, bực bội trả bản thảo và cau mặt gắt:

- Cậu viết gì thế này? Cậu giỏi lắm chỉ ở trong đó được một tuần mà sao dám nhận xét bừa thế?

Rồi ông bỏ đi. Chắc ông giận lắm! Đang đực mặt tôi thấy Phó Tổng Biên tập mới Hồ Xuân Sơn rảo bước tới. Tôi ngăn lại, ấn ngay vào tay bản thảo vừa bị trả lại ấy. Phó Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn bảo được, mình sẽ xem luôn. Phó Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn về báo với nhiều hoài bão, kế hoạch lớn lao biến Hànộimới thành một từ báo hàng đầu quốc gia chứ không chỉ là một tờ báo địa phương, dù địa phương đó là Thủ đô. Tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin, ông như một con cá chép sẵn sàng vượt vũ môn. Và thế là bài viết được đăng. Nguyên văn. Dư luận phản hồi rất nhiều, kể cả từ cấp trên; thậm chí có ý kiến nên lập một chuyên mục về TP Hồ Chí Minh trên báo. Thật may vị Phó Tổng Biên tập đã từ chối bài của tôi rộng lượng, sau việc đó chỉ cười chứ không mắng gì tôi nữa.

Chỉ sau hơn một năm điều hành, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn đã giải quyết được hai việc lớn, cơ bản thay đổi toàn bộ quan điểm về làm báo Hànộimới. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm tồn tại, Báo Hànộimới đã vươn ra cả nước, bắt đầu khẳng định tiếng nói của mình. Và cũng lần đầu tiên báo ra đủ từng ngày trong tuần khi tờ Hànộimới Chủ nhật (nay là Cuối tuần) ra đời và được đón chào nồng nhiệt. Về tờ báo này, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn có một chuyện cứ hậm hực mãi. Theo kế hoạch ban đầu báo phải ra vào đầu tháng 1 năm 1989, nhưng chẳng rõ thế nào mà mãi tháng 4, đầu quý hai mới xuất hiện. Chậm là một chuyện, nhưng dự tính nó sẽ là số chủ nhật chuyên biệt đầu tiên ở Hà Nội đã không thành (Nhân Dân Chủ nhật ra trước). Chẳng bao lâu sau Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn cho ấn bản nguyệt san Hà Nội Ngày nay, phát hành chủ yếu trong Nam để gây thanh thế. Rồi Chủ nhật thành Cuối tuần, nhường chỗ cho tờ Hànộimới Chủ nhật phát hành đúng ngày chủ nhật. Báo cứ thế phát triển vùn vụt. Phóng viên có mặt khắp nước, can dự vào nhiều sự kiện trọng đại. Dư luận ban đầu ngỡ ngàng, rồi thật sự vui mừng. Thủ đô đã có một tờ báo xứng tầm. Tràn đầy tự tin, thế hệ phóng viên mới của báo bước lên vũ đài, thực hiện nhiều hoài bão của thế hệ "vàng" thời trước. Tôi nghĩ, báo phát triển nhanh; phóng viên tài năng, sáng tạo nhờ một đức tính rất quý của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn - không để tình cảm xen vào công việc. Ông bao giờ cũng lắng nghe, thành tâm ủng hộ những đề xuất có lợi cho báo nên không khí làm việc cởi mở, thoải mái, duyệt bài nhanh, công minh và sẵn sàng đối thoại với phóng viên. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn không tìm cách thay đổi những gì đã ổn định, mà chỉ cố gắng mở rộng, nâng lên một tầm cao mới.

Rồi nhà báo Nguyễn Xuân Trình lên làm Tổng Biên tập. Nhiều năm làm ở Tòa soạn nên ông hiểu rõ mạnh yếu của từng phóng viên. Cũng như Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn, ông rất khuyến khích tài năng, nhưng thận trọng hơn trong công tác điều hành. Một lần, tôi và ông bị cấp trên phê bình gay gắt vì một bài báo của tôi, ông nghe chăm chú, ghi chép nữa. Ra về, trong xe ông bảo tôi: “Này chú mày, nghe cả rồi chứ. Thế là được! Còn viết lách, kiểm thảo thì... mình làm đúng thì cấp trên sẽ hiểu”. Rồi sau chẳng thấy ai động đến chuyện đó nữa.

Dưới thời Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn báo nổi như cồn vì nhiều bài viết chấn động. Thời Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Trình làng báo bất ngờ vì Hànộimới giành như hết cả giải thưởng của thiên hạ. Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Trình là người giàu tình cảm và cũng giàu ý tưởng. Tuy nhiên, việc xuất bản Hànộimới Tin chiều là nên hay không đến nay vẫn là câu hỏi treo lơ lửng.

Như đã nói, báo có một thời kỳ không có Tổng Biên tập mà do một Phó Tổng Biên tập điều hành. Thời gian này không dài và cũng không "thuận buồm xuôi gió", Thành ủy đã điều một nhà báo một Phó Tổng Biên tập của Báo Quân đội nhân dân, sang xoay chuyển lại tình thế.

Đầu năm 2008 nhà báo Hồ Quang Lợi về làm Tổng Biên tập và việc đầu tiên là sắp xếp lại, thay đổi một số thứ, đặt ra những quy định mới. Cũng như những người lãnh đạo tiền nhiệm xuất thân từ phóng viên, Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi rất chú trọng tới chất lượng báo. Chuyên mục Luận bàn & Hành động ra đời, tính chính luận của tờ báo được đẩy cao. Báo mở rộng hoạt động xã hội. Ban Công tác xã hội lập thời Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Trình nay bận rộn hơn. Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi về báo hơn nửa năm thì Báo Hà Tây hợp nhất với Hànộimới, hàng loạt vấn đề phải giải quyết để vận hành một bộ máy đã trở nên cồng kềnh hơn. Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi đã làm được điều đó.

Cũng như các Tổng Biên tập Hồng Lĩnh, Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Trình, Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi là những người độ lượng, bằng không tôi đã rắc rối to. Và cũng nhờ đó trong mọi thời kỳ, mọi hoàn cảnh tôi đều được tạo những điều kiện cần thiết nhất để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Với đương kim Tổng Biên tập Tô Quang Phán, tôi chỉ kể trên tư cách của một người bạn, một đồng nghiệp thân thiết và gần gũi từ lâu. Có mấy lần tôi cùng Tô Quang Phán, Xuân Ba (Báo Tiền Phong), Đăng Thiên (giờ là Tổng Biên tập Báo Bưu điện), “lang thang” khắp đất nước để tác nghiệp. Đăng Thiên thì hiền lành, chỉ cười và “răm rắp theo lệnh”. Tô Quang Phán thì mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhẫn nại nhưng rất biết lạt mềm buộc hai ông anh ba vạ là tôi và Xuân Ba vào khuôn phép. Trong thế giới phẳng và sự cạnh tranh thông tin gay gắt đến khắc nghiệt của báo chí hiện đại, Tổng Biên tập Tô Quang Phán đã làm được một số việc, nhưng còn rất nhiều việc phải làm, nhiều điều phải nghĩ; còn hai ông anh hét ra lửa như chúng tôi vẫn xưa sao giờ vậy, vẫn đáy giếng phán trời…

Thật mừng cho thế hệ báo hôm nay rực rỡ trong vinh quang Anh hùng Lao động. Và xin kính dâng những thành quả to lớn hôm nay lên linh thiêng những người đi trước đã gieo mầm, đã vun trồng cho tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những câu chuyện bây giờ mới kể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.