Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cánh én thầm lặng dệt mùa xuân

Quỳnh Nguyên| 03/03/2015 06:38

(HNM) - Khi sắc xuân tràn ngập đất trời cũng là lúc những chiến sĩ biên phòng ở đồn Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) như những cánh én mùa xuân thầm lặng làm nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng biên giới.


Ngăn dòng "lũ trắng"

Xe chúng tôi đi giữa mưa trơn, bùn đặc quánh. Suốt dọc đường đi, đâu đâu cũng bắt gặp sắc màu rộn ràng của những loài hoa báo tin xuân, khi thì sắc hồng rực bên nóc nhà đồng bào Mông thâm nâu, có lúc là những cánh hoa hồng phấn mảnh mai bên bờ rào đá tươi tắn trong cơn gió lạnh tê người. Lên gần tới Đồn Biên phòng Lóng Sập, đất trời như phủ một màu trắng xóa. Khu biên phòng, hải quan, khu nhà ban quản lý và mấy hàng quán co cụm, đục mờ trong tấm chăn sương.

Lực lượng biên phòng kiểm tra hàng hóa qua biên giới.



Đồn Biên phòng 469 Lóng Sập (BĐBP Sơn La) quản lý, bảo vệ 40,6km đường biên giới Việt - Lào với 21 cột mốc (từ mốc 248 đến 268) và 1 cửa khẩu chính. Địa bàn nội biên quản lý các xã Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu). Tiếng là Trạm Biên phòng cửa khẩu nhưng do nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, đi lại khó khăn nên số người qua lại đếm được trên đầu ngón tay. Tuần nào đông cũng chỉ khoảng vài chục người, còn chuyện một vài ngày không có người qua lại là thường.
Chén trà nóng vừa rót, chưa kịp uống đã nguội tanh. Đồn trưởng - Thượng tá Nguyễn Hồng Ngự bảo: "Ở đây thời điểm lạnh nhất thời tiết xuống còn khoảng 2-3oC khiến một tuần liền các cây xăng không bơm được, ngày Tết thường thường là 5oC, bây giờ sang xuân thời tiết đang ấm dần lên". Thượng tá Nguyễn Hồng Ngự đã có hơn 30 năm quân ngũ và cũng từng ấy năm gắn bó với các đồn biên phòng ở tỉnh Sơn La. Anh cho biết: "Nhiệm vụ của người lính biên phòng là xây dựng, bảo vệ cả biên giới hữu hình và biên giới vô hình. Biên giới hữu hình là tuần tra bảo vệ mốc giới, đường biên, còn biên giới vô hình chính là "biên giới lòng dân". Một khi dân tin, dân quý bộ đội, cùng tham gia bảo vệ mốc giới, đường biên thì không thế lực nào có thể xuyên thủng được thế trận an ninh".

Nhắc đến Lóng Sập là người ta nghĩ ngay đến vùng "tam giác vàng" về ma túy ở khu vực Tây Bắc. Địa hình cao, hiểm trở được bao bọc bởi những cánh rừng già khiến cao nguyên Mộc Châu trở thành nơi "đắc địa" của những kẻ vượt biên mang "cái chết trắng" vào nội địa. Tội phạm ở trong "tối", cán bộ, chiến sĩ trinh sát BĐBP luôn phải "nằm gai, nếm mật" để có những nguồn tin, manh mối phục vụ công tác phá án. Nhịn đói, sống ẩn hiện trong rừng, trà trộn vào những toán buôn ma túy... là những câu chuyện mạo hiểm đến rợn người mà tôi được biết từ những chiến sĩ mang quân hàm xanh. Thượng tá Nguyễn Hồng Ngự cho biết: "Tính riêng năm 2014, đồn trực tiếp bắt giữ 32 vụ với 35 đối tượng; tang vật thu giữ: 27,6 gam hêrôin; 177 viên ma túy tổng hợp". Gần đây nhất, vào 4 giờ 35 phút ngày 26-1-2015, tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phối hợp với Công an huyện Mộc Châu giữ hai đối tượng là Sồng A Chống, sinh năm 1985 và Sồng A Do, sinh năm 1993 (cùng trú tại bản Hin Pén, Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La) đang trên đường vận chuyển 2 bánh hêrôin. Mở rộng điều tra, đồn biên phòng tiếp tục ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Sồng A Vang, sinh năm 1993 trú tại bản Hin Pén, xã Chiềng Sơn.

Trung tá Tòng Văn Sáng, Chính trị viên, Đồn phó đồn Lóng Sập cho biết thêm: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cấp ủy và chỉ huy đơn vị luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Rất nhiều vụ án được triệt phá thông qua nguồn tin cung cấp của đồng bào dân tộc".

Những việc làm thầm lặng

Thiếu tá Nguyễn Văn Phượng - người có 27 năm gắn bó với Lóng Sập, năm nay vẫn tiếp tục xung phong trực tại đồn: "Tết của chiến sĩ chúng tôi là bảo đảm cho bà con được vui Tết an bình. Vui xuân mới nhưng luôn chắc tay súng để cùng nhân dân đón Tết Ất Mùi. Nhờ vậy mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các xã vùng biên luôn được giữ vững". Thiếu tá Nguyễn Văn Phượng cũng cho biết thêm, để ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn, giúp dân yên tâm làm ăn, tránh xa các tệ nạn xã hội, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập luôn tham mưu cho địa phương tìm nhiều giải pháp phát triển kinh tế; trồng cây ngô, cây chè, chăn nuôi gia súc. Hiện trên địa bàn không còn diện tích tái trồng cây thuốc phiện. Nhiều hộ đã giàu lên từ trồng ngô, trồng chè, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đã thành thông lệ, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các chiến sĩ trong đơn vị nhường suất ăn sáng cho học sinh trên bản Buốc Pát. Số gạo đó được chia làm 5 ngày, nấu tại đơn vị, nhờ các cô giáo (là vợ của chiến sĩ trong đơn vị) mang lên cho các em. Cùng với đó, các chiến sĩ quân y của đồn phối hợp với Trạm y tế xã khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân. Thời tiết ở điểm cao này rất khắc nghiệt, mùa nóng nắng cháy da cháy thịt, mùa đông rét căm căm khiến người già, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh. Vì vậy cán bộ quân y thường xuyên túc trực để cùng cán bộ y tế xã kịp thời chữa trị bệnh cho người dân…

Nhìn từ tầng 2 của đồn biên phòng thấy bên kia biên giới là nước bạn Lào. Lâu lâu, lại có tiếng động cơ rú lên một hồi, rồi im bặt. Các chiến sĩ nói, thứ "đặc sản" duy nhất mà Trạm Biên phòng này thường xuyên có sẵn đó là... sương mù. Trong khi chúng tôi tỏ vẻ ngán ngẩm trước cảnh sương mù giăng kín, thì Trung úy Vũ Hòa Bình (quê Hải Dương) lại tỏ ra háo hức: "Vào mùa này, chúng em mong càng có nhiều sương mù càng tốt anh chị ạ". Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra hàng hiên và chỉ tay về phía những đường ống máng chằng chịt vây quanh mái nhà. Thì ra ở độ cao 1.300m, toàn bộ nước ăn uống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đều trông vào... mái nhà. Nước mưa, nước sương mù được gom vào chiếc bể chứa nằm sau góc sân để dùng dần.

Gian khó thế, nhưng những người lính biên phòng ở đây vẫn chung cảm nhận "đồn là nhà, biên giới là quê hương". Các anh không bao giờ nói về mình, phần vì khiêm tốn, phần do đặc thù của công việc thầm lặng, nguy hiểm. Chiến sĩ trẻ Hoàng Quang Trung kể, có những lần cùng đồng đội đi tuần tra cột mốc. Điểm xa nhất có khi đi bộ xuyên rừng mất 2-3 ngày. Với nhiều chiến sĩ mới, chuyện phải cuốc bộ cả ngày đường, đêm đến ngủ lại trong rừng lúc đầu trở thành nỗi ám ảnh nhưng lâu dần rồi cũng quen. "Nghề nào nghiệp ấy" - Trung cười vui nói với chúng tôi.

Màn sương mờ giăng phủ núi rừng, những chiến sĩ biên phòng lại chuẩn bị quân trang, vật dụng để làm nhiệm vụ đi tuần kiểm tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Hoa đào đã nở bung trên những ngọn đồi hun hút gió, hoa trạng nguyên đỏ rực, rồi lại thấy thấp thoáng màu áo xanh của những anh bộ đội biên phòng. Tiết trời đã sang xuân, chút khói bếp bay ra từ những nếp nhà của người dân bản, một anh lính trẻ người Mông không kìm nổi lòng mà bật lên tiếng hát gọi bạn của tộc người mình. Tiếng hát dìu dặt giàu âm điệu len lỏi giữa thinh không như sợi chỉ hồng níu hồn người nghe, ấm lòng các chiến sĩ biên phòng thêm vững vàng tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cánh én thầm lặng dệt mùa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.