Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “bông hoa từ mẫu”

Triệu Dương| 01/03/2013 07:19

(HNM) - Hình ảnh người bác sỹ áo blu trắng hằng ngày tận tụy, nỗ lực từng giây để chiến đấu với tử thần giành lại sự sống cho bệnh nhân đã để lại bao tình cảm mến thương và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.


Hai mươi năm hàn gắn những nụ cười

Bác sỹ Nguyễn Thanh Thái được giới y học trong và ngoài nước biết đến bởi những hoạt động thiện nguyện mổ sứt môi, hở hàm ếch miễn phí, trả lại nụ cười cho hàng chục nghìn số phận éo le. Căn phòng làm việc của ông tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba nhỏ nhưng ấm cúng, cửa luôn rộng mở với bất kỳ ai. Tại đây, bác sỹ Thái đã kể cho chúng tôi những ca hàn gắn nụ cười mà ông không bao giờ quên.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái thăm, khám cho bệnh nhân.


Một ngày đầu xuân năm 1987, có cô gái quãng đôi mươi bước vào phòng khám nhất quyết đòi tự tử nếu không được bác sỹ phẫu thuật trả lại nụ cười. Cô gái gốc Hà thành kể lại cơ sự, chỉ vì sinh ra đã mang dị tật sứt môi nên đi đâu cũng bị chê cười, nhiều người ác tâm còn gán vào chuyện tổ tông nhà cô ăn ở thất đức, khiến ông bà, bố mẹ cô lúc nào cũng rầu rĩ, trong nhà chẳng khi nào có tiếng cười. Nghe xong chuyện, bác sỹ Thái đã ôn tồn giải thích, động viên tinh thần cô gái bước vào ca phẫu thuật thành công mỹ mãn sau đó.

Trường hợp khác là một cô bé mang dị tật hở chéo mặt, nghĩa là vị trí hở hàm ếch lan từ môi, qua mũi và gần đến khóe mắt. Đón nhận ca bệnh này vào những năm 80 thế kỷ trước, khi kỹ thuật gây mê, kỹ thuật mổ cùng máy móc chưa hiện đại như bây giờ, nhưng bác sỹ Thái vẫn quyết tâm phải thực hiện bằng được. Qua 7 lần mổ, sửa từng vết sẹo, hàn gắn từng đoạn hở hàm ếch một cách tỉ mỉ, khuôn mặt em bé mới trở lại bình thường với nụ cười xinh như hoa để em có thể tự tin cắp sách đến trường cùng bạn bè. Chẳng thể nhớ tên một người bệnh trong hàng vạn người được trả lại nụ cười cho cuộc đời, bác sỹ Thái chỉ mang máng: "giờ cô bé đó nay cũng đã ngoài 30 rồi còn gì…".

Một trường hợp mới đây, vào tháng 11-2012, một ông cụ 74 tuổi người dân tộc rụt rè bế đứa cháu mới 5 tuổi bị sứt môi từ mạn Tây Bắc xa xôi xuống Bệnh viện Việt Nam - Cuba, tìm đích danh bác sỹ Nguyễn Thanh Thái để mong bác sỹ trả lại nụ cười cho em bé. Tiếp chuyện hai ông cháu, bác sỹ Thái nhận thấy cả hai người đều bị dị tật sứt môi có yếu tố gia đình rất hiếm gặp ở Việt Nam. Hỏi ông cụ vì sao chỉ xin mổ cho mỗi trường hợp cháu bé thì ông trả lời lo ngại tốn kém thuốc men. Bác sỹ Thái đã quyết định tổ chức ngay 2 kíp mổ trả lại nụ cười cho cả hai ông cháu ngay trong ngày, để hôm sau họ kịp bắt chuyến xe của người quen về quê…

Hai mươi năm làm nghề, đã có hàng chục nghìn trường hợp được bác sỹ Nguyễn Thanh Thái và các đồng nghiệp Bệnh viện Việt Nam - Cuba trả lại nụ cười. Một năm ê kíp của bác sỹ Thái thực hiện 600 - 800 ca mổ miễn phí thành công. Riêng trong chương trình phẫu thuật nụ cười năm 2009 phối hợp với chuyên gia quốc tế, ê kíp của bác sỹ Thái đã làm các đồng nghiệp nước ngoài kinh ngạc khi chỉ trong vòng 1 giờ đã phẫu thuật thành công tới 60 ca khó. Bản thân bác sỹ Thái đã từng đi khắp nơi, sang Lào, Philippine, đến tận Liên bang Nga, Ai Cập, Kennya và nhiều nước Châu Phi… giúp đỡ bao người tìm lại nụ cười hạnh phúc.

Dâng sức trẻ cho ngày mai

Trong đoàn bác sỹ trẻ Thủ đô tình nguyện về Hà Giang mùa đông 2012 vừa qua, Trương Minh Phúc được "chấm" là xinh nhất đoàn. Cô gái gốc làng Thụy Khuê thuộc thế hệ 8X đó có nụ cười và cách nói chuyện mê hồn, nom cứ như bông hoa rực rỡ trong tiết trời Quản Bạ đông giá. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống tới 5oC, đất trời còn mịt mù sương sớm giăng, dù mới qua một ngày đường vất vả nhưng Phúc vẫn tung chăn ấm dậy sớm nhất đoàn chuẩn bị cho bàn khám mắt của mình ở khu vực ngoài sân Nhà văn hóa huyện. Lúc này, bà con nghe tin có đoàn bác sỹ trẻ tình nguyện xuống bản cũng đã "cơm đùm, cơm nắm" vượt suối băng ngàn, có mặt từ sớm, xếp hàng trật tự theo chỉ dẫn của bác sỹ đợi đến lượt mình khám. Bác sỹ Phúc nhớ lại: "Cầm tay từng người dân, nhìn vào nụ cười trong sáng của họ làm chúng em quên đi giá rét và mệt mỏi của một chặng đường xa. Chỉ có điều những đôi mắt của bà con với cái nhìn đùng đục, cứ làm em trăn trở mãi. Thuốc mang theo nhiều, nhưng chỉ có thể làm giảm phần nào bệnh tình của những đôi mắt mà dân gian vẫn gọi là "mắt toét" bởi qua những triệu chứng viêm kết mạc, lông mi rụng hết, chúng em hiểu rằng nguyên nhân của bệnh chính là từ nguồn nước". Trở về Thủ đô, trở lại với công việc tại Viện Mắt Hà Nội, bác sỹ Phúc vẫn chưa quên được những bản làng xa xôi nơi Quản Bạ. Cô gái Hà thành xinh đẹp ước ao mong một ngày trở lại Hà Giang và đến mọi miền xa của Tổ quốc mang theo một công trình khoa học mà cô ấp ủ đã lâu, đó là sớm trả lại đôi mắt sáng trong cho những người dân miền sơn cước.

Võ Trương Như Ngọc là bác sỹ trẻ giỏi về nha khoa, là đại biểu tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam toàn quốc năm 2012… Anh còn được tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ, là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu 2012. Xuân Quý Tỵ này Ngọc tròn 36 tuổi, khối lượng công việc hiện anh đang làm khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và kính nể, khi vừa giữ cương vị giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, vừa là bác sỹ Bệnh viện Đại học Y, kiêm nhiệm cán bộ đoàn trường, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao Răng hàm mặt (ĐH Y Hà Nội), Trưởng bộ môn Răng trẻ em - Viện đào tạo Răng hàm mặt, đồng thời còn là Chủ tịch hội Thanh niên vận động hiến máu ở Hà Nội! Và để "làm gương" khi đi tuyên truyền vận động phong trào hiến máu nhân đạo, Ngọc từng hiến máu 21 lần và trực tiếp vận động hơn 1.500 người cùng hành động hiệp nghĩa như mình.

Một ngày của bác sỹ Ngọc dày đặc lịch trình gắn với giáo trình ở lớp, các ca chữa bệnh, trực đêm ở bệnh viện… Nhưng ở nơi sâu thẳm trái tim người bác sỹ đó vẫn dành trọn vẹn cho hoạt động tình nguyện. Mục tiêu và chương trình thiện nguyện của bác sỹ Ngọc hướng tới luôn là các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tàn tật. Thêm nhiều cương vị trong xã hội, người bác sỹ đó lại có điều kiện tổ chức những chuyến đi vùng cao khám bệnh, phát thuốc, ủng hộ quần áo ấm... Bác sỹ Ngọc tâm sự: "Đến vùng cao thường thấy cảnh khi được phát thuốc rất vui mừng. Hình ảnh các em nhỏ tay chân tím tái vì lạnh, vui đến cuống cuồng khi được phát giày mới, quần áo mới… càng thúc giục tôi phải đi nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa". Nói là làm, anh cũng chính là người xây dựng và tham gia gần 20 chương trình thiện nguyện ở các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nam, đảo Bạch Long Vỹ… Bác sỹ Ngọc vui mừng cho chúng tôi biết về dự định tổ chức chương trình đưa bác sỹ ra đảo Trường Sa khám, chữa bệnh cho người dân. Trải lòng hết cho cộng đồng, nhận làm nhiều việc nghĩa hiệp như thế, nên dù cho tuổi thanh xuân đang dần qua nhưng người bác sỹ ấy vẫn đi về một mình. Nói về tương lai của mình nhân ngày truyền thống thầy thuốc, anh cười đôn hậu và nói: "Còn nhiều việc đang đợi mình nên không có cả thời gian để yêu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bông hoa từ mẫu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.