Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bí ẩn thú vị đằng sau các biểu tượng ô tô lâu đời

Hoàng Linh| 26/10/2020 19:50

(HNMO) - Nhiều người có thể đọc vanh vách tên gọi và biểu tượng của những thương hiệu ô tô lừng danh, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa thú vị đằng sau những tên gọi và nét vẽ có từ hơn một thế kỷ trước.

Audi

Năm 1909, nhà sáng lập August Horch (1968-1951) đã rời khỏi công ty ô tô mang tên mình, nhưng bị cấm sử dụng tên gọi Horch cho dự án mới. Năm 1910, khi con trai của ông gợi ý sử dụng tên gọi Audi (cũng có nghĩa là “lắng nghe” trong tiếng Latinh như Horch trong tiếng Đức) cho công ty mới, August đã nhanh chóng chấp thuận. Năm 1932, 4 thương hiệu gồm Audi, DKW, Horch và Wanderer đã hội tụ để hình thành Audi như ngày nay, lấy biểu tượng 4 vòng tròn đại diện cho từng thương hiệu. Các vòng tròn chồng lên nhau cũng biểu trưng cho tinh thần gắn kết, trong khi ánh bạc là “màu cờ sắc áo” của nước Đức trên đường đua.

Aston Martin

Thương hiệu xe thể thao Anh quốc có tên gọi ghép từ hai chữ, trong đó Martin lấy từ tên của nhà sáng lập Lionel Martin, còn Aston “mượn” từ cuộc đua Aston Hill Climb - vốn là đường đua nơi Lionel đã thành danh. Biểu tượng đôi cánh được lựa chọn sử dụng vào năm 1927 để thể hiện tốc độ, lấy cảm hứng từ biểu tượng của Bentley.

Bentley

Khởi đầu bằng việc sản xuất động cơ máy bay trong Thế chiến thứ nhất, không lạ khi Bentley sử dụng đôi cánh làm biểu tượng của mình. Do Frederick Gordon Crosby thiết kế, biểu tượng có màu bạc thể hiện sự tinh hoa. Ít ai biết rằng, hai bên cánh có số lông không đồng đều và con số này cũng thay đổi liên tục trong suốt hơn 100 năm tồn tại của thương hiệu ô tô hạng sang Anh quốc.

Hyundai

Tên gọi Hyundai bắt nguồn từ “hyeondae” trong tiếng Hàn, có nghĩa là “hiện đại”. Mặc dù thoạt nhìn, biểu tượng của Hyundai có vẻ giống biểu tượng Honda bị bóp méo, nhưng thực tế nó mang ẩn ý là cú bắt tay đầy tin cậy giữa hai đối tác, mà cụ thể là công ty và người tiêu dùng. Đây cũng là triết lý hoạt động mà tập đoàn ô tô hàng đầu Hàn Quốc theo đuổi nhiều năm qua.

Mazda

Cái tên Mazda được lấy từ Hỏa giáo (Zoroastrianism) - một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, phổ biến tại châu Á xưa kia. Được sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII trước Công nguyên tại miền Đông đế quốc Ba Tư cổ đại, Hỏa giáo có bộ kinh chính thức là kinh Avesta (cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần trí tuệ Ahura Mazda. Bản thân Mazda cũng có cùng cách phát âm với tên gọi của nhà sáng lập Jujiro Matsuda. 

Kể từ khi thành lập vào năm 1920 với tên gọi Toyo Cork Kogyo tại Hiroshima (Nhật Bản), Mazda đã nhiều lần đổi biểu tượng. Phiên bản mới nhất được sử dụng lần đầu vào năm 1996 với chữ M cách điệu nằm giữa hình ovan - thể hiện hình ảnh mặt trời. Biểu tượng Mazda cũng có dáng vẻ cánh chim, nhằm nêu cao tinh thần tự do, phóng khoáng, là thứ những chiếc xe Mazda luôn cố gắng thể hiện.

Mercedes-Benz

Thương hiệu ô tô lâu đời nhất thế giới có tên gọi gồm hai phần chính, trong đó Mercedes là tên con gái của Emil Jellinek - đối tác của Gottlieb Daimler (nhà sáng lập tập đoàn Daimler) và Benz đến từ Karl Benz - người phát minh ra chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới. Khi Daimler và Benz hợp tác với nhau vào năm 1926, họ đặt tên công ty mới là Daimler-Benz và sản xuất những chiếc Mercedes-Benz đầu tiên.

Được sử dụng lần đầu trên ô tô vào năm 1910, biểu tượng sao ba cánh lừng danh của Mercedes-Benz lấy cảm hứng từ chiếc bưu thiếp mà Gottlieb Daimler gửi cho vợ mình vào giai đoạn thập kỷ 70 của thế kỷ XIX. Trên đó, ông đã đánh dấu vị trí của mình bằng một ngôi sao ba cánh và viết bên dưới: “Một ngày nào đó ngôi sao này sẽ tỏa sáng trên những nhà máy thắng lợi của chúng ta”. Ba cánh sao thể hiện mặt đất, biển cả và bầu trời.

Mitsubishi

Trong tiếng Nhật, Mitsu có nghĩa là “3” còn “hishi” là chiếc bình nước - nhưng thường được dùng để gọi tên hình thoi hoặc viên kim cương. Tuy nhiên, người Nhật thường phát âm “h” là “b” khi ký tự này đứng giữa từ.

Biểu tượng ba viên kim cương của Mitsubishi được nhà sáng lập Yataro Iwasaki (1835-1885) chọn lựa sử dụng vì gợi đến huy hiệu ba chiếc lá của gia tộc Tosa, nơi đầu tiên ông đã làm việc và ba hình thoi trên huy hiệu của chính gia tộc Iwasaki.

SUBARU

Subaru “khởi nghiệp” chỉ là bộ phận sản xuất ô tô thuộc tập đoàn đa lĩnh vực Fuji Heavy Industries (FHI) của Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Subaru có nghĩa là “đến với nhau”, đồng thời là tên gọi của cụm sao Pleiades (Thất Nữ, thuộc chòm sao Kim Ngưu) - cũng chính là biểu tượng của hãng.

Tuy nhiên, khi thiết kế, các họa sĩ đã điều chỉnh kích thước các ngôi sao, trong đó sao lớn nhất thể hiện sự hiện diện của tập đoàn mẹ FHI và 5 ngôi sao nhỏ thể hiện các công ty thành viên đá sáp nhập để tạo thành FHI vào năm 1953. Biểu tượng của Subaru chỉ có 6 ngôi sao vì theo thần thoại Hy Lạp, một trong số 7 người con gái của thần Atlas (mà cụm Pleiades đại diện) hoàn toàn vô hình. Nền của biểu tượng là màu xanh lam, cũng là sắc màu đặc trưng của cụm sao Pleiades.

TOYOTA

Biểu tượng của Toyota có ý nghĩa khá phức tạp, với hai hình oval phía trong thể hiện trái tim của khách hàng và công ty. Hai hình này chồng lấn với ý nghĩa sự tin cậy và lợi ích chung, đồng thời tạo ra hình ảnh chữ T trong “Toyota”. Vòng oval bên ngoài mang ý nghĩa thế giới bao trùm Toyota. Mỗi vòng oval có độ dày nét vẽ khác nhau, thể hiện sự tinh tế trong văn hóa và nghệ thuật thư pháp Nhật Bản. Sáu khoảng trống mà ba hình oval tạo ra thể hiện 6 giá trị mà Toyota theo đuổi: Chất lượng, giá trị, sự hứng khởi khi cầm lái, tính sáng tạo, an toàn, trách nhiệm với môi trường và xã hội.

VOLVO

Tên gọi Volvo theo tiếng Latinh có nghĩa là “tôi di chuyển”. Biểu tượng của hãng gồm một hình tròn và mũi tên chéo lên từ phía phải được lấy từ biểu tượng của Mars - vị thần chiến tranh của thời đế quốc La Mã. Đây cũng là hình ảnh tượng trưng cho kim loại - thứ vật liệu rèn nên vũ khí.

Bản thân các nhà sáng lập Volvo cũng khởi nghiệp từ ngành công nghiệp luyện kim, nên rất coi trọng các tố chất của kim loại như độ cứng, tính an toàn và độ bền bỉ - cũng là những tố chất mà họ mong muốn những chiếc xe Volvo thể hiện được. Ngày nay, quyền sở hữu biểu tượng Volvo được chia sẻ giữa cả Volvo Cars (thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Geely) và Volvo Trucks (vẫn thuộc sở hữu của tập đoàn Volvo Thụy Điển).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bí ẩn thú vị đằng sau các biểu tượng ô tô lâu đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.