(HNMO) - Vào dịp Tết, những bệnh gì dễ xảy ra? Phóng viên HNMO đã có cuộc trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.
- Thưa ông, vào dịp Tết, thường xảy ra những bệnh gì? Vì sao?
- Vào dịp Tết, bệnh thường gặp là nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thức ăn thực phẩm tích trữ nhiều, thời tiết nóng lên, không bảo quản tốt dễ bị ôi thiu, dập nát sẽ nhiễm vi khuẩn hoặc thức ăn thực phẩm để lâu dẫn đến ẩm mốc hoặc thức ăn thực phẩm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng có nhiều chất bảo quản, chất tạo màu không được phép sử dụng, hoặc chế biến từ động vật bị bệnh mang nhiều vi khuẩn.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. |
Hoặc thói quen ăn thức ăn tái, sống trong các bữa tiệc Tết cũng làm gia tăng khả năng mắc các bệnh đường tiêu hóa như liên cầu lợn, bệnh giun sán...
Trong dịp Tết, do ăn tiệc nhiều cùng thói quen uống bia rượu chúc Tết khiến bộ máy tiêu hóa làm việc quá sức, xuất hiện triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi do gan phải hoạt động nhiều.
Tết là dịp mọi người có thời gian đi thăm hỏi nhau, việc đi chơi chúc Tết nhiều cũng gia tăng nguy cơ bị chó cắn ở những vùng nông thôn. Vì vậy bệnh dại cũng có thể ghi nhận trong dịp Tết.
- Những bệnh đó nguy hiểm như thế nào?
- Khi bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa, người mắc bệnh có thể bị sốt, nôn, đau bụng hoặc bụng đầy hơi, tiêu chảy hoặc đi phân có máu. Tiêu chảy sẽ làm mất nước khiến bệnh nhân mệt mỏi, thậm chí trụy tim mạch nếu không bù dịch kịp thời.
Đặc biệt, nếu ăn tiết canh lợn hoặc thịt lợn tái thì sẽ bị nhiễm liên cầu lợn nếu như lợn bị nhiễm liên cầu. Sau khi ăn thịt lợn nhiễm liên cầu khoảng từ 3 giờ đến 14 ngày, có khi sớm chỉ khoảng 2 ngày sẽ xuất hiện tình trạng nhiễm độc tiêu hóa như: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần, cơ thể lạnh, run... hoặc có thể bị viêm màng não với các biểu hiện: Sốt cao, đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Nặng nữa có thể sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
Liên quan đến bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, khi đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa.
- Theo ông, cần làm gì để phòng tránh?
- Người dân nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn; bảo quản thức ăn tốt; cần ăn uống đầy đủ, tránh thức khuya, tránh mệt mỏi quá sức để có một thể lực tốt chống lại bệnh tật.
Cùng với đó, việc rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn thực phẩm, sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa là rất cần thiết; cần ăn chín, uống sôi; tránh sử dụng thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc, chưa được nấu chín như tiết canh, nem tái, các thứ thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thiu. Chẳng may bị chó cắn thì không được chủ quan, cần đi khám tại các cơ sở tiêm chủng để được khám, tư vấn tiêm phòng dại kịp thời.
- Việc tăng cường giao lưu, đi lại của người dân trong dịp lễ Tết nhiều khả năng sẽ làm tăng sự lây lan dịch bệnh qua đường hô hấp, trong đó có bệnh sởi. Vừa qua, Hà Nội đã triển khai tiêm bổ sung sởi-rubella cho những trẻ 1-5 tuổi. Kết quả của chiến dịch này đến nay thế nào, thưa ông?
- Bắt đầu từ ngày 26-11-2018, toàn thành phố triển khai tiêm bổ sung một mũi vắc xin sởi-rubella. Mục tiêu là trên 95% trẻ từ 1-5 tuổi (mốc sinh từ 1-1-2013 đến 30-9-2017) tại Hà Nội được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin sởi-rubella nhằm góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng chủ động phòng dịch sởi, rubella tại Hà Nội.
Chỉ những trẻ trong mốc sinh trên vừa tiêm vắc xin sởi hoặc sởi - rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR) hoặc vắc xin thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch mới không thuộc đối tượng phải tiêm trong chiến dịch này.
Tính đến hết ngày 1-2-2019, toàn thành phố đã tiêm được 577.943/604.609 (95,59%) đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn 4 quận chưa đạt là: Hoàn Kiếm (94,5%), Ba Đình (93,4%), Hoàng Mai (89,6%), Đống Đa (57,9%). Chúng tôi đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên tiêm vét, phấn đấu đấu 100% đơn vị đều đạt chỉ tiêu.
- Vậy là vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc tiêm bổ sung sởi-rubella. Bệnh này thời gian qua xu hướng tăng ở phía Nam, ông có những khuyến cáo gì?
- Việc tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi toàn thành phố là chủ trương của Bộ Y tế và của UBND thành phố Hà Nội, vì không có biện pháp nào phòng bệnh hiệu quả mà ít tốn kém bằng việc chủ động tiêm chủng vắc xin. Việc tiêm chiến dịch ngoài tăng cường miễn dịch cho cá nhân còn tăng cường miễn dịch cho cả cộng đồng.
Nếu các gia đình có trẻ trong độ tuổi trên chưa được tiêm chủng thì hãy đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố để được tư vấn và tiêm phòng ngay.
Còn những trẻ trên 5 tuổi và người lớn, đặc biệt phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm phòng đủ cũng cần chủ động đi tiêm vắc xin có thành phần sởi tại các phòng tiêm chủng dịch vụ để chủ động phòng bệnh cho bản thân và tạo thành vành đai phòng bệnh cho cả trẻ dưới 9 tháng trong gia đình của mình là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
- Để có cái Tết mạnh khỏe, lành mạnh, an toàn, ông có lời khuyên gì với người dân?
- Người dân cần ăn ngủ điều độ, đầy đủ; ăn chín, uống sôi; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể; tránh thức khuya, mệt mỏi quá sức để có thể lực tốt phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, người dân chủ động đi tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin và đưa con em trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm chủng đúng lịch theo khuyến cáo.
Khi có các dấu hiệu bất thường nghi bị bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
- Trân trọng cảm ơn ông. Nhân dịp năm mới, chúc ông và gia đình đón Tết đầm ấm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.