(HNM) - Những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp tạo việc làm hiệu quả cho người lao động (NLĐ). Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm, số tiền mà các lao động gửi về gia đình khoảng hai tỷ USD. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số DN XKLĐ, hiện nay, nhiều chính sách chưa được nhất quán khiến công tác này đang gặp những khó khăn…
Năm 2009, công tác XKLĐ đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhưng thực tế chỉ đạt 83%. Giải thích về sự tụt định mức này, các cơ quan quản lý và những người có trách nhiệm thường đưa ra lý do do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu dẫn đến tình trạng thất nghiệp khiến NLĐ phải về nước trước thời hạn. Mới đây, khi Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội làm việc với các DN XKLĐ ở nhiều tỉnh thì những tồn tại, bất cập diễn ra lâu nay mới được đề cập.
Theo nhiều DN XKLĐ, lý do suy thoái kinh tế đã không còn thuyết phục khi nền kinh tế nói chung đang dần được phục hồi và khá sáng sủa. Những bất cập diễn ra từ đầu năm 2010 đến nay cũng cho thấy những rào cản khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Đó là sự chênh lệch về phí môi giới giữa các DN; việc thành lập nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành; tình trạng bán giấy phép tràn lan; thủ tục vay vốn, ký quỹ tại các ngân hàng thương mại vẫn chưa theo chuẩn chung; việc cấp phép XKLĐ còn nhiều nhiêu khê, giải quyết rủi ro cho NLĐ còn bỏ lửng. Các DN XKLĐ đều cho rằng nếu không có những điều chỉnh kịp thời, chắc chắn các chỉ tiêu năm nay và ngay cả các năm tiếp theo sẽ khó thực hiện được khi cả NLĐ và DN XKLĐ đều bị thiệt thòi.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không - Airserco thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu các DN XKLĐ phải ký quỹ từ 5-10% tổng số vốn vay để bảo lãnh cho NLĐ. Mức ký quỹ này là khá cao, khiến nhiều DN khốn khổ khi vay vốn. Trong khi đó, các DN XKLĐ tại tỉnh Thanh Hóa lại không phải ký quỹ khi NLĐ vay vốn tham gia XKLĐ. Rõ ràng, đã không có quy định chung nào dành cho các ngân hàng.
Một khó khăn khác là công tác thẩm định DN tại các địa phương còn nhiều rườm rà đã gây cản trở tiến độ tuyển dụng lao động của các DN. Theo ông Vũ Thanh Hải, Công ty Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế Interserco, khi DN tuyển lao động đều phải thông qua Sở LĐ-TB&XH của địa phương đó và chờ thẩm định lại. Cũng có địa phương thực hiện thủ tục nhanh gọn và cho phép DN được tuyển dụng lao động tại nhiều huyện, nhưng cũng có địa phương còn gây khó khi thực hiện các thủ tục hành chính và chỉ cho phép DN tuyển dụng tại 1-2 huyện. Theo các DN, rõ ràng nhiều địa phương đang làm việc không theo một quy chuẩn chung. Ông Hải nhấn mạnh: Đã là quy định thì phải nhất quán một phương thức, một cách làm, không nên để cảm tính chi phối kinh doanh. Như vậy sẽ để tình trạng những công ty đã có thương hiệu, uy tín lâu năm được tuyển dụng tại nhiều huyện, xã, còn các DN mới hoạt động bị hạn chế địa bàn, gặp rất nhiều khó khăn, đã yếu lại bị hạn chế tuyển dụng nên càng khó phát triển.
Một vấn đề nữa được nhiều DN quan tâm là biện pháp chống NLĐ bỏ trốn khi đi XKLĐ. Mới đây, Luật Xuất nhập cảnh của Nhật Bản không cho phép DN thu tiền đặt cọc của NLĐ từ ngày 1-7-2010. Trước đây, DN thu đặt cọc của NLĐ từ 8.000-12.000 USD/1 lao động và sẽ hoàn trả khi họ hết hợp đồng về nước và không vi phạm hợp đồng. Nay nếu không được thu khoản đặt cọc đó, nếu NLĐ vi phạm hợp đồng, trốn ra ngoài, DN sẽ phải chịu phạt từ đối tác Nhật Bản lên đến 5.500 USD. Với chính sách này, nhiều DN đã nêu ý kiến xin giải pháp từ các cơ quan chức năng hoặc phải nghiên cứu lại về việc có nên tiếp tục tuyển dụng lao động sang học tập, tu nghiệp tại Nhật Bản nữa hay không?
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại những cơ chế áp dụng trong từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực XKLĐ. Chính sách nào phát huy được hiệu quả, có lợi cho NLĐ cũng như DN XKLĐ thì cần phát huy. Ngược lại, những chính sách gây khó cho NLĐ và DN trong vấn đề tạo việc làm, đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài thì cần phải sửa đổi cho phù hợp. Các địa phương cũng cần có thêm kế hoạch cụ thể cũng như chính sách tái sử dụng nguồn lao động từ nước ngoài trở về một cách hợp lý. Làm được như thế, nguồn nhân lực qua đào tạo của các địa phương sẽ tăng lên, đồng thời tránh lãng phí một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản với môi trường chuyên nghiệp tại các nước phát triển của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.