Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những Anh hùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ

NGUYỄN HOÀN| 27/06/2012 06:51

(HNM) - Chiến công bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 25-6-1972 đến ngày 16-9-1972) đã tạo ra


Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1972-2012), tôi đã tìm gặp những người chỉ huy của các đơn vị tác chiến trên chiến trường bảo vệ Thành cổ năm 1972 để hiểu thêm về vai trò và những đóng góp có tính quyết định của họ vào chiến công chung và để hiểu sâu hơn về cội nguồn sức mạnh Việt Nam.


Các chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu anh dũng ở Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư Liệu

Đó là Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng - người chỉ huy chốt giữ ngã ba Long Hưng, bảo vệ vòng ngoài cho Thành cổ Quảng Trị và Anh hùng LLVTND Trần Minh Vân - người ở dưới hầm dinh tỉnh trưởng ngụy để chỉ huy chốt giữ Thành cổ Quảng Trị.

Vũ Trung Thướng nhập ngũ năm 1961 vào Sư đoàn Quân tiên phong, sau đó không lâu ông được đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Ra trường, ông về công tác tại Tiểu đoàn 13, Quân khu Hữu ngạn; năm 1966, về Đại đoàn Đồng bằng, tham gia chiến trường Quảng Trị. Trận chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ năm 1972, Vũ Trung Thướng đang đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Ông kể lại: "Đại đội tôi được cấp trên giao phải chốt chặt tại ngã ba Long Hưng, một địa điểm cách Thành cổ gần 1km về phía nam. Chốt chặt có nghĩa là phải đánh địch từ xa, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiêu diệt địch. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, nhưng phải bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ". Đảng ủy Trung đoàn 48 đã ra nghị quyết nêu cao quyết tâm sắt đá: "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn" ("Quang Sơn" là phiên hiệu của Trung đoàn 48). Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy Trung đoàn 48, Thiếu úy Vũ Trung Thướng đã truyền đạt cho anh em đồng đội tư tưởng tiến công: "Còn người còn trận địa. Còn người còn tiến công. Quyết không cho địch bước qua ngã ba Long Hưng". "Nằm trong chốt thì không giữ nổi, phải tổ chức xuất kích đánh địch thì mới giữ được chốt. Phòng ngự là phòng ngự tiến công. Lúc địch lùi là mình tiến, bám thắt lưng địch mà đánh", ông hồi tưởng. Xét về tương quan lực lượng giữa Đại đội 5 với địch, phải nói là quá chênh lệch: theo quy chuẩn, một đại đội phải có trên 100 người nhưng do trải qua các trận đánh, từ ngày 18-7 đến 28-7-1972, Đại đội 5 chỉ còn có 17 tay súng, trong khi đó địch huy động cả tiểu đoàn cùng xe tăng tấn công ta. Thế nhưng, với quyết tâm chốt giữ bằng được ngã ba Long Hưng, Đại đội 5 đã đánh lui được một tiểu đoàn địch tăng cường. Đúng một ngày trước khi Hội nghị Pari về Việt Nam được mở lại, ngày 12-7-1972, địch tập trung đánh mạnh, Đại đội 5 đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, diệt 5 xe tăng, 3 chiếc xe tăng khác phải bỏ chạy. Trong suốt quá trình chiến đấu từ đầu tháng 7-1972 đến ngày 18-7-1972, đại đội 5 đã diệt hơn 400 tên địch. Tiểu đoàn địch ở Long Hưng bị đánh bại, mất sức chiến đấu, địch phải thay thế tiểu đoàn khác… Và cũng trong trận chiến ác liệt này, Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng đã bắn 6 quả B40 tiêu diệt một đại đội địch lên cắm cờ. Chiếc áo sơ mi được ông mặc trong suốt 81 ngày chiến đấu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, là hiện vật giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trong khi Thiếu úy Vũ Trung Thướng chỉ huy đánh địch từ xa, ở vòng ngoài, Thiếu tá Trần Minh Vân, Trung đoàn phó Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chốt giữ Thành cổ Quảng Trị và tăng cường các lực lượng để bảo vệ thành. Hầm chỉ huy của ông nằm sâu dưới chân móng của dinh tỉnh trưởng ngụy. Nhiệm vụ của người chỉ huy là phải bao quát được tất cả các trận địa, mỗi trận địa là một căn cứ vững chắc cả về lực lượng, số quân và tinh thần chiến đấu. Bám trụ cùng Thành cổ, Thiếu tá Trần Minh Vân đã trực tiếp chỉ huy 10 tiểu đoàn chiến đấu. Trong số các trận đánh của 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành cổ, ông nhắc nhiều về 4 trận đánh: "Trận ngày 14-7, khoảng một trung đội địch từ góc Trí Bưu kéo lên định cắm cờ, bị ta phát hiện, đánh trả, chúng bỏ chạy. Sau đó, ngày 26-7, chúng tổ chức cắm cờ ở Trâm Lý, ta dùng pháo mặt trận bắn dập, đập tan mưu đồ tạo "chiến thắng giả" để tuyên truyền của địch. Trận ngày 5-8, địch đổ quân dù từ trực thăng xuống bãi tha ma, phía nam chợ Sãi, gồm 2 tiểu đoàn. Quân ta dùng hỏa lực cối và pháo dập địch, dồn địch vào bãi tha ma, tiêu diệt hơn một đại đội địch, không cho chúng triển khai lực lượng. Trận ngày 20-8, địch từ Trí Bưu gồm hơn một tiểu đoàn kéo lên đánh vào thành ở phía đông, ta huy động 3 tiểu đoàn đánh trả. Trận này ta diệt khoảng 80 tên địch, số còn lại phải tháo chạy". Trên chiến trường Quảng Trị, Anh hùng Trần Minh Vân đã tham gia chiến đấu trên 300 trận đánh, lập nhiều chiến công oanh liệt, bị thương 14 lần…

Những chiến công của Vũ Trung Thướng, Trần Minh Vân đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trung đoàn 48 được tuyên dương Anh hùng, được tặng 16 chữ vàng: "Tấn công dũng mãnh, phòng ngự kiên cường, đánh thắng giòn giã, lập công xuất sắc", được mang tên gọi Trung đoàn Thạch Hãn - (tên của "dòng sông hoa lửa"). Đại tá, Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng chia sẻ: "Những đồng đội của chúng tôi có tên tuổi mà trở thành vô danh. Các anh nằm xuống cho chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay. Chính các anh, tất cả những người đã chiến đấu ở Quảng Trị, đã nằm lại Quảng Trị đều xứng đáng danh hiệu Anh hùng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những Anh hùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.