(HNM) - Hồ Suối Hai là công trình thủy lợi quan trọng của Hà Nội. Không chỉ làm nhiệm vụ phòng chống lũ và phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, hồ Suối Hai còn có vai trò cải tạo môi trường sinh thái và dự trữ nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tản Lĩnh đã đào ao thả cá trong lòng hồ Suối Hai. |
Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý trong nhiều năm nên lòng hồ đang bị chia năm, xẻ bảy. Hiện tại đang có 102 trường hợp vi phạm lòng hồ, trong đó riêng trong năm 2015, có 8 trường hợp vi phạm nghiêm trọng với diện tích gần 9.000m2.
Tràn lan vi phạm
Hồ Suối Hai nằm trên địa bàn 4 xã là Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh, Ba Trại và Thụy An của huyện Ba Vì. Diện tích lòng hồ khoảng 988ha, có dung tích 46,5 triệu mét khối, hằng năm luôn bảo đảm nước tưới cho 4.500ha đất canh tác của các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất và một phần huyện Quốc Oai. Thế nhưng, hiện nay tình hình vi phạm lòng hồ Suối Hai đang diễn ra phức tạp với tính chất ngày càng tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình.
Qua thống kê của Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì, lòng hồ Suối Hai còn tồn tại 102 vụ vi phạm, trong đó 12 trường hợp xây nhà cấp ba, cấp bốn; 6 trường hợp dựng lều quán và công trình phụ; 84 trường hợp đào ao, trồng cây, đổ đất, phế liệu san lấp lòng hồ với tổng số diện tích lấn chiếm lên tới hơn 226.000m2. Riêng năm 2015, có 8 trường hợp vi phạm nghiêm trọng, với diện tích gần 9.000m2.
Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý đầu mối hồ Suối Hai thuộc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì cho biết: Những trường hợp vi phạm này đều được lập biên bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý, nhưng đến nay chưa xử lý được trường hợp nào. Thậm chí, có trường hợp chính quyền địa phương không phối hợp xử lý dẫn đến vi phạm tràn lan không kiểm soát được.
Điển hình nhất là trường hợp ông Kiều Xuân Thủy (ở xã Tản Lĩnh) tự ý đào, đắp đất, lấn chiếm lòng hồ Suối Hai với diện tích lấn chiếm 3.600m2. Ngày 10-7-2015, Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì đến lập biên bản vi phạm, yêu cầu chính quyền xã Tản Lĩnh xử lý, buộc gia đình ông Thủy hoàn trả mặt bằng theo hiện trạng ban đầu. Nhưng vì không quyết liệt nên đến nay vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Hay hộ ông Trương Công Thặng ở xã Thụy An lấn chiếm 1.800m2, từ đầu năm 2015 đến nay vẫn chưa bị xử lý... "Có một nghịch lý tồn tại nhiều năm nay là một bên cứ lập biên bản, còn bên xử lý vi phạm thì thờ ơ, thậm chí bật đèn xanh nên vi phạm ngày càng nhiều" - ông Hùng bức xúc cho biết.
Đùn đẩy trách nhiệm
Lý giải cho sự chậm trễ xử lý vi phạm, ông Nguyễn Hồng Quang, cán bộ địa chính xã Tản Lĩnh phân trần: Các trường hợp vi phạm ở vị trí hoang vắng, xa khu dân cư nên khó phát hiện; cán bộ Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì cũng không phát hiện sớm để khi công trình vi phạm hoàn thành mới lập biên bản; lòng hồ Suối Hai do Xí nghiệp Thủy lợi quản lý nên chính quyền xã... khó xử lý (!).
Tương tự, tại xã Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Thụy An tồn tại hàng trăm vụ vi phạm không xử lý kịp thời. Các địa phương này đều kêu khó xử lý với các nguyên nhân như: Người địa phương khác đến lấn chiếm; vi phạm xảy ra nhiều năm, thay đổi lãnh đạo xã nên hồ sơ bị thất lạc; không rõ ranh giới đất đai; sự phối hợp quản lý chưa chặt chẽ; cho thuê, khoán đất lòng hồ qua nhiều người mà không thông báo cho chính quyền xã... Ông Đào Viết Hùng, cán bộ địa chính xã Ba Trại cho biết: Đến thời điểm này, những vi phạm tại lòng hồ Suối Hai rất nghiêm trọng, vượt quá thẩm quyền của xã, phải chính quyền huyện Ba Vì mới đủ chức năng chỉ đạo xử lý!
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm tràn lan trên lòng hồ Suối Hai, ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội nhận định: Quan trọng nhất bây giờ không phải là đổ lỗi hay đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà các địa phương và xí nghiệp cần tăng cường phối hợp quản lý, rà soát, hoàn thiện hồ sơ vi phạm và nhanh chóng xây dựng phương án xử lý. Đối với những trường hợp vi phạm phát sinh trong năm 2015, Xí nghiệp Thủy lợi và chính quyền các xã và huyện Ba Vì cần nghiêm chỉnh thực hiện theo Quyết định 4862/QĐ-UBND ngày 25-9-2015 của UBND thành phố về xử lý vi phạm đê điều và công trình thủy lợi. Huyện Ba Vì cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát những vi phạm tồn đọng từ nhiều năm trước để tiến hành cưỡng chế, giải tỏa, trả lại sự thông thoáng cho lòng hồ Suối Hai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.