Bạn đọc

Nhức nhối tình trạng chiếm dụng vườn hoa, công viên

Nhóm Phóng viên 25/11/2023 - 07:27

Trong khi người dân Thủ đô thiếu chỗ vui chơi thì tại nhiều công viên lớn, không gian công cộng lại bị "xẻ thịt" phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em cũng biến thành các tụ điểm dịch vụ có thu phí. Thậm chí, phần diện tích vỉa hè bao quanh nhiều công viên cũng bị lấn chiếm cho mục đích bán hàng, trông giữ ô tô, xe máy…

cong-vien-cau-giay.jpg
Nhiều ô tô đỗ tùy tiện, án ngữ lối vào cổng số 3 Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).

Muôn kiểu chiếm dụng diện tích công cộng

Với diện tích khoảng 10ha, cùng hệ thống cây xanh rợp bóng mát, hồ điều hòa rộng, Công viên Cầu Giấy (đường Thành Thái, quận Cầu Giấy) đã trở thành là “lá phổi xanh” cho cả Khu đô thị Dịch Vọng, là địa điểm lý tưởng cho người dân trong việc rèn luyện thể dục thể thao. Tuy nhiên, tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, trông giữ xe trái phép… diễn ra công khai khiến bộ mặt công viên trở nên nhếch nhác.

Cụ thể, tại cổng chính số 1 (đường Thành Thái) luôn án ngữ khoảng
4-5 quán trà đá bày ghế la liệt trên vỉa hè. Một đoạn vỉa hè còn được chăng dây, biến thành điểm trông giữ xe máy. Tại cổng số 2 phía giáp đường Trương Công Giai, toàn bộ lối ra vào bị bịt kín bởi hàng chục chiếc xe khách mang biển kiểm soát ngoại tỉnh… Một người dân sống tại đây cho biết, đây là điểm trông giữ xe của Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng hạ tầng đô thị Thủ đô...

Tương tự như vậy, tại khu vực Công viên Nghĩa Đô, tình trạng chiếm dụng diện tích công cộng để kinh doanh quán nước, hàng ăn, bãi trông xe… tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Phản ánh tới Đường dây nóng Báo Hànộimới, nhiều người dân rất bức xúc khi cho rằng, Công viên Nghĩa Đô bị "chèn ép" bởi quán cà phê New Wind, có diện tích cả nghìn mét vuông. Bên cạnh đó, bãi trông xe dọc vỉa hè đường Nguyễn Văn Huyên còn lấn gần hết phần đường cho người đi bộ.

Thực trạng chiếm dụng diện tích công cộng còn xảy ra tại Công viên Hòa Bình (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm). Vào buổi chiều hằng ngày, các hoạt động kinh doanh, buôn bán tại đây diễn ra rất nhộn nhịp. Án ngữ ở 2 cổng ra vào phía đường Đỗ Nhuận và Hoàng Minh Thảo là các quán trà đá bày bán công khai. Phía đường Đỗ Nhuận, 1 bãi trông giữ ô tô có mái che với sức chứa khoảng 30-40 xe cùng lúc được dựng ngay trên vỉa hè. Cách đó vài chục mét, ngay trên vỉa hè là bãi trông giữ xe máy mà người trông coi cũng chính là chủ quán trà đá ở đó. Phía trong công viên được bố trí cả chục quầy kinh doanh nước giải khát. Mỗi khi mở cửa, các quầy kinh doanh này kê bàn ghế lấn chiếm cả trăm mét vuông diện tích xung quanh. Nằm ngay ven hồ trung tâm công viên, một nhà tròn được xây dựng kiên cố với tấm biển mỹ miều “Vườn cafe VM”. Ước tính, vườn cà phê này tọa lạc trên diện tích cả nghìn mét vuông… Giáp đường Xuân Tảo, một góc diện tích công viên được dành làm điểm trông giữ ô tô, xe máy, treo biển “Trung tâm chăm sóc và nội thất ô tô Hiếu Độ Auto”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước tình trạng diện tích công cộng bị sử dụng sai mục đích diễn ra tại Công viên Hòa Bình, phóng viên đã liên hệ với Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Ngô Ngọc Vân để xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, từ chiều 22 đến chiều 23-11, phóng viên liên hệ nhiều lần với ông Vân nhưng vẫn không có hồi đáp.

Về phía quận Cầu Giấy, sau khi nhận được phản ánh, trong sáng 23-11, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Ngọc Phương đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và ghi nhận toàn bộ vi phạm về trật tự đô thị tại Công viên Cầu Giấy và Nghĩa Đô. Ông Ngô Ngọc Phương khẳng định, dãy hàng quán, điểm trông giữ xe máy trái phép… trên vỉa hè quanh 2 công viên này sẽ được chính quyền và lực lượng chức năng tháo dỡ, xử lý dứt điểm ngay. Về điểm trông giữ xe tại khu vực cổng số 2 Công viên Cầu Giấy, ông Ngô Ngọc Phương cho biết: Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng hạ tầng đô thị Hà Nội được cấp phép trông giữ xe tại khu vực cổng số 1 nhưng lại tự cắm thêm biển (điểm trông xe) ở cổng số 2. Quận sẽ yêu cầu tháo dỡ ngay tấm biển trái phép này. Trong tuần tới, quận sẽ cho mở cửa lối đi tại cổng số 2, đồng thời ngăn chặn tình trạng xe khách tập kết tại địa điểm này.

Cụ thể hơn, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung cho biết, từ phản ánh của Báo Hànộimới, quận đã chỉ đạo phường phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy nghiên cứu, kẻ vạch phân định ranh giới giữa công viên với diện tích bên ngoài, bố trí điểm trông giữ xe cho người dân khi đến Công viên Cầu Giấy. Về diện tích đất quán cà phê New Wind đang hoạt động nằm sát Công viên Nghĩa Đô, đây là đất xen kẹt, chưa được giải phóng mặt bằng. UBND quận đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận lên phương án giải phóng mặt bằng, thu hồi để triển khai nâng cấp, cải tạo mở rộng Nhà Văn hóa phường Dịch Vọng.

Từ thực tế cho thấy, ở nơi nào chính quyền địa phương sâu sát, có trách nhiệm thì nơi đó không gian công cộng thực sự trở nên hữu ích, phục vụ người dân. Với những nơi chính quyền buông lỏng quản lý, “ngó lơ” mặc cho sai phạm tồn tại thì trở thành tâm điểm gây bức xúc dư luận. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm chỉ đạo, xử lý ngay những tồn tại, trả lại công năng đúng nghĩa cho các công viên trong thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối tình trạng chiếm dụng vườn hoa, công viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.